Trình độ công nghệ của doanh nghiệp Quảng Nam ở mức trung bình
(QNO) - Đó là nhận định của TS. Trần Hậu Ngọc (Viện Đánh giá khoa học & định giá công nghệ, Bộ KH&CN) và cộng sự qua đề tài “Đánh giá trình độ công nghệ một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Nam, đề xuất giải pháp quản lý và chính sách đổi mới công nghệ của tỉnh giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030”.
Để có nhận định chung về bức tranh công nghiệp và trình độ công nghệ của tỉnh, TS. Trần Hậu Ngọc và cộng sự đã triển khai nghiên cứu, phân tích, đánh giá tại 80 doanh nghiệp điển hình của tỉnh, thuộc 6 nhóm ngành công nghiệp chủ lực: chế biến lâm sản; gia công cơ khí; dệt may và da giày; vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm và thủy sản; công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô.
Các chuyên gia nhận định, chỉ riêng ngành phụ trợ sản xuất ô tô trên địa bàn Quảng Nam đạt mức tiên tiến về công nghệ. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo TS. Trần Hậu Ngọc, căn cứ Thông tư 04/2014/TT-BKHCN, nguyên tắc đánh giá trình độ công nghệ dựa trên 4 yếu tố thành phần cơ bản gồm: T, H, I, O của công nghệ với thang điểm 100. Trong đó, “T” là nhóm thiết bị công nghệ thể hiện trong máy móc, công cụ, phương tiện (Technoware), tổng điểm tối đa 45. “H” là nhóm nhân lực thể hiện trong năng lực tiếp thu kỹ thuật công nghệ sản xuất (Humanware), tổng điểm tối đa 22. “I” nghĩa là nhóm công nghệ thông tin thể hiện trong các tài liệu, dữ liệu thông tin (Inforware), tổng điểm tối đa là 15. “O” là Orgaware, tổng điểm tối đa là 18.
Việc đánh giá dựa vào thông tư trên. Theo đó, trình độ công nghệ lạc hậu có hệ số đóng góp công nghệ là TCC nhỏ hơn 0,3 hoặc tổng điểm các thành phần công nghệ T-H-I-O nhỏ hơn 35/100 điểm (tức TCC dưới 0.35). Trình độ công nghệ trung bình, tức TCC từ 0,3 trở lên, có tỷ lệ T-H-I-O từ 0,35 đến 0,6. Trình độ công nghệ trung bình tiên tiến có TCC từ 0,5 trở lên, tức tỷ lệ T-H-I-O từ 0,6 tới 0,75. Trình độ công nghệ tiên tiến TCC từ 0,65 trở lên, các yếu tố T-H-I-O từ 75/100, tức từ 0,75 trở lên.
Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, trong 80 doanh nghiệp điển hình của 6 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhìn chung có trình độ công nghệ đạt mức trung bình, tức hệ số đóng góp công nghệ là TCC đạt 0,54 (trừ ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô có trình độ công nghệ đạt mức tiên tiến).
Quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về công nghệ. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Từ việc khảo sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu còn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước (địa chỉ: http://quangnam.stec.gov.vn), nhằm giúp ngành quản lý, cơ quan chức năng có thể thường xuyên cập nhật đánh giá về trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Đồng thời có sự đầu tư, hỗ trợ khuyến khích đổi mới công nghệ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, ngành. Phần mềm sau nghiệm thu sẽ được chuyển giao cho Sở KH&CN phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Đề tài cũng đề xuất chính sách đổi mới công nghệ phù hợp với thực tiễn của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá. Bên cạnh những mặt đạt được, đề tài vẫn còn những hạn chế nhất định, cụ thể như chưa làm rõ những bất cập, vướng mắc trong quản lý nhà nước về công nghệ; chưa nêu rõ những mặt tốt và chưa tốt của chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của nhà nước để kiến nghị lên tỉnh, bộ, trung ương có hướng giải quyết, tháo gỡ. Hay như việc so sánh trình độ ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra được những chuẩn so sánh cụ thể, chưa có sự so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau và so sánh với trình độ ứng dụng công nghệ chung của tỉnh nhà. Việc chuyển giao phần mềm quản lý công nghệ cho Sở KH&CN phục vụ công tác quản lý nhà nước về công nghệ trong doanh nghiệp cần phải đảm bảo ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sau khi đề tài kết thúc...
HOÀNG LIÊN