Nghĩ về thị dân và cái vỉa hè

PHÙNG TẤN ĐÔNG 18/03/2017 09:11

Dường như trong “tiếng Quảng” trước đây - theo lớp người cao tuổi - họ không gọi những người “vừa đi đường vừa bán hàng” là những người “bán hàng rong”, người Quảng chỉ gọi họ là người “đi bán dạo”. Ở phố, ở làng cứ mỗi sáng, chiều, thi thoảng có tiếng rao giòn, văng vẳng của người bán dạo: bánh ú, bánh bao, kẹo kéo, yến tơ, hến, bắp luộc, ốc lể, mắm cái, mắm nước (nước mắm), bán chiếu, bán quạt, bán võng, cà rem (kem), đậu hũ, xu xoa, lường phảnh, chè đậu ván… Thậm chí những món hàng mang, gánh nặng nhọc như bán giường tre, bán gốm (chum, ảng, nồi, niêu…) cũng được mang bán dạo. Nhiều câu ca, bài vè dân gian vui được ứng tác để chọc người bán dạo, như “xu xoa chị bán mấy đồng/chị ngồi chị để cái mồng chị ra/con gà hắn tưởng hột khổ qua/hắn mổ cái trốc, chị la quớ làng”, hay “tổ cha thằng bán cà rem/đi qua đi lại để em tau đòi”. Một câu chuyện vui thời “ông Diệm” trước 1975, để thiết lập trật tự vỉa hè, cấm người bán dạo đi trên những con đường có công sở (cũng là để bảo đảm an ninh), cảnh sát ra lệnh “cấm những người buôn gánh, bán bưng” qua lại - được hiểu là “cấm bán dạo”. Một chị người Quảng bất chấp lệnh cấm, cứ thản nhiên mang hàng đi bán, chị bán “bánh tráng đập chấm mắm ngọt”, khi cảnh sát đến bắt, đòi tịch thu hàng, chị bèn “cãi”, một kiểu cãi rất Thủ Thiệm, rằng “mấy chú coi lại lệnh cấm đi, mấy chú cấm “buôn thúng bán bưng” trong khi tui “đội”, “tui đội bánh trên đầu, tui đi bán” lệnh đâu có cấm!”…

Bán hàng rong ở Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bán hàng rong ở Hội An.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Các đô thị cận đại do dân số ít, tốc độ đô thị hóa chậm, sự dịch chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị cũng chậm nên việc quy hoạch đường sá không mấy được chuyên chú. Đường phố hẹp, vỉa hè cũng hẹp, người đi thưa thớt, cảnh không khác chi câu thơ Nguyễn Du “cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” (gió lạnh đường xưa với một người). Bạn trẻ ngày nay có thể hình dung về “đường xưa lối cũ” qua những con đường trong phố cổ Hội An, lòng đường dành cho xe ngựa, xe kéo và cả người đi lại đã hẹp, vỉa hè cũng đâu chỉ non thước mộc, có khi chủ nhà mang ghế, bàn ra ngồi uống nước, đánh cờ y như mảnh sân con. Trong câu chuyện trà dư tửu hậu có người nói nghề bán dạo chỉ phù hợp với nông thôn, vùng sâu, vùng xa chứ không thể tồn tại trong thời hiện tại, trong những đô thị mới, đô thị hiện đại, vậy mà, ai cấm cứ cấm, có đường “là ta cứ đi”…

Cứ tạm cho hiện tại chỉ là “thời quá độ” trong quá trình đô thị hóa thì bán dạo cũng đã trở thành “nạn”, dù nhiều nhà văn, nhà bảo tồn văn hóa cứ ao ước những nhà quản lý đô thị, quản lý văn hóa cố gắng bảo tồn mấy món “diễm xưa” này - coi tiếng rao hàng cũng là di sản, là tiếng quá khứ vọng về. Nếu nói theo kiểu triết luận, kiểu “cái gì tồn tại đều hợp lý” thì chuyện người dân bám vỉa hè để mưu sinh đều “có cái lý” của nó. Thực vậy - ở những đô thị du lịch thì bao nhiêu “hương hoa” buôn bán, dân có nhà mặt tiền, mặt phố đều hưởng hết, dân trong hẻm, trong kiệt rồi dân ngoại thị sống bằng cách chi mà không tiến về mặt tiền để bán mặt mưu sinh với không gian công cộng kiểu “cha chung…” là cái vỉa hè. Khổ lắm. Trong dịp “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ vừa qua trên cả nước đã có nhiều dư luận về chuyện chính quyền cơ sở ở một số đô thị bảo kê, thu thuế các hộ lấn vỉa hè buôn bán, giữ xe. Chuyện thực hư thế nào không biết chứ quản lý vỉa hè cực lắm, suốt ngày cán bộ cứ nghe dân kiện tụng, bà bánh mì kiện bà nước mía, cô hến xào kiện mụ bán khoai, trăm thứ. Nhiều nơi chỗ bán, nơi mua đã quy định hẳn hoi, hễ thưa thưa khách mua, lập tức người bán cố định bèn chuyển sang di động kiếm khách “trên từng cây số”, nhất là khi bán dạo đã có thêm “võ khí” là xe đẩy, khi “tiếng rao trăm năm vọng về” (xin lỗi nhạc sĩ Duy Khoái) đã thành những chiếc loa điện di dộng có ca nhạc theo yêu cầu phát với âm lượng cao, với slogan “hát cho chúng nó điếc” thì… ai ai cũng sợ.

Trả vỉa hè lại cho người đi bộ là đúng, hiển nhiên như câu khuyến nghị dành cho học sinh khi tham gia giao thông “đường của xe, hè của em”. Vỉa hè là của người đi bộ. Vậy thì phải “quy hoạch” khu vực dành cho người bán dạo, bán hàng rong và phải xử nghiêm những ai lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Làm thế nào để chợ ẩm thực, chợ hàng lưu niệm, chợ đêm… có người chịu đến để có kẻ mua người bán, là việc liên quan đến chính quyền đô thị trong công tác quy hoạch, điều hành, quản lý, mức thuế chợ, môn bài. Có người nói, đến chợ mới xây xong mà người buôn bán còn để không huống hồ chi… Vậy  thì việc  quy hoạch cái chợ vỉa hè còn “trăm thứ cực”. Biết vậy thì chính quyền đô thị phải chuyên chú đến giao thông, dịch vụ an sinh ngay từ khi bắt tay xây những khu đô thị mới, phải có không gian công cộng cho những người bán dạo. Chợ bán dạo không nhất thiết phải to, rộng mà chỉ cần vừa và đủ, càng gần gũi, thân mật càng tốt, mỗi nơi chỉ năm sáu gánh hàng rong là có ngay không gian “phố cũ hè xưa” để khách có lòng hoài cổ.

Hội An đã đề ra “vạch cai đỏ” từ hàng chục năm trước - bên trong vạch là khoảng để xe trên vỉa hè, dành không gian còn lại cho người đi bộ - vậy mà không lường được nạn xe đẩy bán dạo đang giành phần đường của du khách thăm thú Hội An. Có người nói rằng, cần gì phải treo thưởng cho người có sáng kiến “đòi lại vỉa hè”; việc cấp thiết của những việc cấp thiết là quy hoạch giao thông và “quy hoạch con người”; rằng quy hoạch giao thông phải có cái nhìn viễn kiến, nhìn xa trông rộng để phát triển bền vững “đường của xe, vỉa hè đi bộ”; còn lại, trước khi đào tạo nghề nghiệp, quy hoạch chức danh, vị trí nhân sự, hãy “quy hoạch nhân sự” tham gia giao thông đủ tài và đức và nhất là nhà quản lý đô thị phải hành xử nghiêm minh, thượng tôn lề luật.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG