Đã 20 năm, vắng Kazik

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 17/03/2017 09:44

Hơn 20 năm trước, tôi và nhà văn Thái Bá Lợi thường đi chơi với Kazik. Khi thì ở Đà Nẵng, lúc ở Hội An. Có hôm lên nhậu và ngủ lại đêm với anh ở khu di tích Mỹ Sơn…

Rồi anh lặng lẽ ra Huế và xa biệt bạn bè từ đó, sau một tai nạn khi tham gia trùng tu các kiến trúc của triều Nguyễn. Và ngày 19.3 này, tròn 20 năm Kazik qua đời.

Kiến trúc sư Kasimierz Kwiatkowsky, người thường được các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ quen biết ở Việt Nam gọi thân mật là Kazik, trong khi lũ trẻ con gặp anh ngoài phố lại gọi là Thầy Lang - nhân vật của một bộ phim ngoại quốc cùng tên rất được hâm mộ vào cuối thập niên 1980.

Kazik chụp hình lưu niệm với các nhà nghiên cứu tại đường Trần Quý Cáp - Hội An. Ảnh tư liệu
Kazik chụp hình lưu niệm với các nhà nghiên cứu tại đường Trần Quý Cáp - Hội An. Ảnh tư liệu

1. Kazik lớn hơn tôi đúng một giáp. Anh sinh năm 1944 tại Lublin, Ba Lan và mất năm 1997 tại Huế trong lúc tham gia trùng tu các công trình kiến trúc cổ tại đây. Ở khu đền tháp Mỹ Sơn, một bức ảnh chân dung Kazik được phóng to, lồng kính và treo trang trọng tại căn phòng làm việc của ban quản lý di sản này. Trong khi đó, tại phố cổ Hội An, bức phù điêu chân dung anh bằng sa thạch đặt ở một công viên trên đường Trần Phú luôn thu hút du khách đến chụp ảnh lưu niệm mỗi khi họ đến Hội An.

Nguyên tắc Kazik
Ở Mỹ Sơn, Kazik xác lập một nguyên tắc trùng tu: Giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và thành phần gốc còn giữ được; kiên quyết không làm sai lệch và làm giả di tích; chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng; chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học; không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường.
Sau này, các chuyên gia trùng tu của Đại học Milan (Ý) sang tiếp tục làm việc ở Mỹ Sơn nói với tôi trong một phỏng vấn rằng đó là một phương pháp đúng mà Kazik đã xác định! Và họ chịu ơn anh!

Tôi vinh dự được gặp và ngao du với kiến trúc sư Kazik nhiều lần. Những bữa nhậu bằng rượu Lúa Mới ở khách sạn Phương Đông, Đà Nẵng - nơi anh có phòng ở thường xuyên do UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bố trí. Nhiều đêm gần như thức trắng ở Mỹ Sơn, anh đi ôm từng rẻo củi khô về đốt lửa sưởi ấm trên cái nền gạch trống không của một ngôi tháp cổ đã đổ nát hoặc ngồi trầm ngâm như một bức tượng bên bàn rượu hàng giờ liền. Thỉnh thoảng nói một câu gì đó, thường là khôi hài với bạn bè.
Có lần cùng anh lang thang bằng thuyền xuôi ngược sông Thu Bồn, lúc vui quá vì có chút men, tôi với anh từng giành nhau một quả dưa hấu trên bãi biền Gò Nổi dưới ánh trăng khuya. Những ngày anh ở khách sạn Phương Đông, tôi cùng nhà văn Thái Bá Lợi thường mời anh đi tìm những quán cóc lề đường để nhậu và nói đủ thứ chuyện trên đời. Anh nói tiếng Pháp thông thạo và một ít tiếng Anh. Có những lần gặp nhau mà không có đồng nghiệp người Việt của anh làm thông dịch, chúng tôi đã vận dụng tất cả “vốn liếng” ngoại ngữ và cả… đôi tay hoặc vẻ mặt để diễn tả ý tưởng của mình. Những chỗ khó diễn đạt, Kazik lại lấy bút ra vẽ hình kèm vài lời chú thích. Lúc nào bên người anh cũng có sẵn tập giấy và cây bút. Cuốn sổ đó không chỉ có những ký họa dọc đường mà còn chi chít mẫu “bút đàm” với những ai bất đồng ngôn ngữ mà anh gặp. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lại không hiểu nhau.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày mất Kazik
Kỷ niệm 20 năm ngày mất kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowsky, từ ngày 17 đến 25.3, TP.Hội An phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt và tri ân, kết hợp phát hành ấn phẩm “Kazimierz Kwiatkowsky - Hồi ức một con người đặc biệt” của nhà văn Ba Lan Jacek Zygmunt Matuszak. Lễ dâng hương tưởng nhớ được tổ chức lúc 9 giờ ngày 18.3 tại Công viên Kazik - đường Trần Phú, Hội An. Cũng tại Công viên Kazik sẽ trưng bày hình ảnh về quá trình công tác của Kazik tại Hội An, Mỹ Sơn,... giúp nhân dân và du khách hiểu rõ hơn một con người đặc biệt đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hội An - Mỹ Sơn.

2. Khoảng tháng 4.1985, Kazik nhận lời đến nói chuyện về trùng tu Mỹ Sơn và Hội An. Kazik nói Mỹ Sơn rất lý thú về nghệ thuật và lịch sử, nhưng Hội An là di sản văn hóa quan trọng lại cần thiết và cấp bách hơn. “Hội An sẽ là một bảo tàng chết của những giá trị lịch sử, tôn giáo lẫn nghệ thuật nếu nó không được quan tâm. Đó là một nhịp cầu sống nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai. Một giá trị vượt khỏi ranh giới một đất nước…”. Kazik đã nói như thế. Đó là những lời tâm huyết của một kiến trúc sư đã bị Hội An “hớp hồn”. Sau lần đó, một hội thảo khoa học về Hội An đã được giáo sư Trần Quốc Vượng và Kazik giúp sức tổ chức, bắt đầu cho hành trình thực hiện các thủ tục gửi đến UNESCO để 15 năm sau đó, đô thị cổ này trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Với Hội An, Kazik thường cho thấy một tầm nhìn rất bao quát, sâu sắc, đầy trách nhiệm về những gì mà anh chú tâm nghiên cứu, nhiều khi là những dự báo rất bất ngờ. Một lần chúng tôi ngồi thuyền từ Hội An đi Cửa Đại, anh đã nói: “Nếu không khơi dòng chảy cho cửa biển này, nó sẽ tiếp tục bị bồi lấp. Không chỉ thuyền bè của ngư dân ra vào Cù Lao Chàm sẽ gặp trở ngại mà khả năng phá hủy các khu phố cổ sẽ tăng lên do bị lũ ngập nhiều ngày và thường xuyên hơn”. Ý kiến đó, sau này đã được các chuyên gia Nhật Bản nhắc tới. Nhưng tiếc thay, đến nay biển Cửa Đại tiếp tục bị xâm thực, lũ lụt hàng năm vẫn ngập các công trình cổ… Trùng tu chỉ là biện pháp tức thời, nhưng nếu những công trình kiến trúc quý giá đó tiếp tục bị nhấn chìm mỗi năm nhiều lần trong những trận lụt lưu cữu của hạ lưu Thu Bồn, thì đó vẫn không phải là biện pháp căn cơ!

3. Nhưng đối với Kazik, Hội An không chỉ có vậy. Bằng con mắt của một nhà chuyên môn với một kiến thức rộng trộn lẫn chất nghệ sĩ, anh thường có những phát hiện khá bất ngờ từ những chi tiết nhỏ của phố cổ, có khi là những dự báo mà cho đến bây giờ, sau 20 năm anh qua đời, nó vẫn còn tính thời sự. Trong những lần đi thăm các khu phố cổ, vào những ngôi nhà, đường kiệt, chùa chiền Hội An, Kazik nói cho dù các ngôi chùa, công trình kiến trúc xây dựng theo mô típ Trung Hoa, Nhật Bản hay gì đi nữa thì nó vẫn mang nét đặc thù của sức mạnh dung hòa và tiếp biến của văn hóa Việt. Điều đó rất dễ thấy ở những tỷ lệ giữa độ cao các cửa ngõ, lối đi so với tầm vóc, chiều cao của người bản địa, chứ không phải là một cách sao chép cứng nhắc theo ngoại quốc.

Vào những ngôi nhà cổ, anh lại chú ý đến số phận những con người sống trong đó. “Thật là hạnh phúc khi anh đang sống trong ngôi nhà mà ông cố, ông nội anh đã sống; ngồi trên chiếc ghế, ngủ trên chiếc phản gỗ đã sẫm màu mà những người thân của anh đã sử dụng cách nay vài ba thế kỷ. Hạnh phúc đó không phải ai cũng có được trong một thế giới đầy biến động này” - Kazik nói như một nhà hiền triết. Bây giờ nhiều người nơi khác đến mua lại những ngôi nhà cổ ở Hội An, khi chủ nhân của ngôi nhà thay đổi, ai cũng có thể tiên liệu điều gì sẽ xảy ra và chắc chắc đó không thể là điều tích cực!

4. Những con phố nhỏ hẹp của Hội An đặc biệt ấn tượng và gây cho Kazik nhiều suy nghĩ. Từ những ngày mới đến Hội An, Kazik đã nghĩ ngay đến việc phải loại bỏ những cây cột điện bằng sắt và dây điện giăng mắc bùng nhùng như màng nhện ở phía trên hoặc những lớp bê tông nhựa, xi măng dưới chân. Xe cộ gắn động cơ cũng vậy! “Các đường phố cổ phải được lát đá và gạch như nó vốn có từ xưa để dành cho người đi bộ, cần thiết lắm thì chỉ cho sử dụng xích lô hoặc xe đạp!” - anh nói như một xác tín và sau đó nhiều năm, Hội An đã bắt tay thực hiện những ý tưởng xuất sắc này.

Khi Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, Kazik rất vui. Anh bảo, cùng với sự lui tới đông đúc của khách du lịch, rồi đây người ta sẽ còn tốn rất nhiều công sức để nghiên cứu những bí ẩn thú vị nữa ở đây. Không gian kiến trúc với cái giếng trời trong khía cạnh phong thủy, vị trí đặt chiếc tran thờ ông bà ở một độ cao cần thiết trên tường nhà có một ý nghĩa thú vị. Ở một khu vực ngập lụt thường xuyên mỗi năm, vị trí ấy nói lên tính nhân văn đặc biệt trong tín ngưỡng của người Việt: Lòng tôn kính đối với tổ tiên! Những “con mắt cửa” bằng gỗ trước mỗi ngôi nhà khiến Kazik thích thú, nó thể hiện một triết lý sống sâu sắc của người bản xứ… Nhưng Kazik còn lo lắng hơn với áp lực của làn sóng du lịch và môi trường sẽ đè nặng lên một di sản mỏng manh như Hội An!
Một hôm đang đi trên đường phố cổ Hội An, để mua một gói thuốc lá Mai mà anh ưa thích, Kazik đã ghé vào quầy tạp hóa ở một ngã ba, vẽ một gói thuốc lên giấy và đưa cho người bán hàng già! Anh nói hình gói thuốc không chỉ là một ngôn ngữ giao tiếp mà là một chú thích sẽ gợi lại cho anh những ký ức sau này. Cũng vậy, tôi với Kazik có một kỷ niệm vui: Lần đầu tôi gặp anh là một bữa nhậu vào mùa hè 1985 trên bờ sông Thu Bồn. Lúc đó, chúng tôi mua được một con ba ba lớn khoảng 3 ký của một người chuyên đi đánh cá đêm trên sông. Tôi xung phong đứng ra làm bếp. Hôm ấy Kazik vẽ nguệch ngoạc chân dung tôi cùng con ba ba vào cuốn sổ của anh, rồi ghi thêm bên dưới: Mr. Baba Thang. Gặp nhau lần sau, anh gọi ngay “Ê!Baba” và nháy mắt cười rất hóm.

Những ký ức bằng hình ảnh ấy, tiếc thay Kazik đã mang theo vĩnh viễn. Nhưng ký ức tốt đẹp về anh và lòng biết ơn anh sẽ còn mãi với nhiều người! Bởi vậy, một con đường mang tên Kazimierz Kwiatkowsky là cần thiết cho lòng biết ơn này!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG