Đổi thay Nam Trà My
Năm 1947, châu Trà My được thành lập nhằm xây dựng căn cứ cách mạng vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày tái lập tỉnh, Trà My được chia tách thành hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Và ngày nay, Nam Trà My đã phát huy thế mạnh của cây sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế - xã hội…
Chọn hướng đi riêng
Những năm gần đây, Nam Trà My có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện đã hoạch định chiến lược phát triển chung phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của từng vùng miền. Ở các xã Trà Nam - Trà Linh - Trà Cang được quy hoạch thành trung tâm sâm Ngọc Linh và dược liệu. Các xã Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh - Trà Don được khuyến khích phát triển chăn nuôi heo đen, bò kết hợp với phát triển cây dược liệu nhiệt đới. Vùng Trà Dơn - Trà Tập - Trà Leng được quy hoạch phát triển cây quế bản địa Trà My. Ngoài ra, các xã có điều kiện giao thông thuận tiện, huyện cũng khuyến khích phát triển cây chuối mốc - loại cây ngắn ngày, dễ trồng và cho thu nhập cao để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cây chuối mốc tuy mới được chú trọng phát triển nhưng hằng năm nguồn thu trong nhân dân đạt khá cao. Có hộ thu nhập 40 triệu đồng từ chuối mốc. Riêng doanh số lợi nhuận từ cây chuối tại Trà Tập mỗi năm đạt 300 - 400 triệu đồng. Hiện tại, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua giống và vận động nhân dân các xã mỗi năm trồng mới hơn 1 triệu cây chuối nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai sẵn có.
Một góc trung tâm huyện Nam Trà My.Ảnh: H.THỌ |
Trước đây, việc canh tác chủ yếu dựa vào nương rẫy nên cuộc sống người dân luôn bấp bênh, đói nghèo lạc hậu. Bây giờ, với tư duy biết vươn lên làm giàu, bà con các dân tộc đã bỏ tư tưởng chờ đợi hưởng lợi trợ cấp, thay vào đó họ luôn năng động làm ăn, mở rộng diện tích canh tác lúa nước hai vụ ăn chắc trên các thửa ruông bậc thang. Nam Trà My bây giờ phát triển cây dược liệu là hướng đi chính và lâu dài để giúp người dân không chỉ thoát nghèo nhanh mà còn hướng đến làm giàu bền vững.
Theo đó, huyện đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển cây dược liệu bằng cách hỗ trợ cây giống cho nhân dân 10/10 xã đưa vào trồng, gồm sâm Ngọc Linh, sâm nam, sa nhân tím, giảo cổ lam, đương quy, cây quế. Riêng cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam và cây quế bản địa là cây mũi nhọn để đưa kinh tế Nam Trà My đột phá vươn lên. Huyện đã tổ chức khảo sát đo đạc, khoanh vẽ, cắm mốc, phân lô để thực hiện công tác cho thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh giai đoạn 1 tại địa bàn các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, với diện tích là 1.133ha cho 39 nhóm với 749 hộ. Tỉnh cũng cho phép 6 doanh nghiệp vào đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh nhằm đưa cây dược liệu hàng đầu thế giới này phát triển theo hướng công nghiệp. Sắp tới, huyện dành toàn bộ 17.000ha đất dưới tán rừng đã được khảo sát để quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh nhằm biến Nam Trà My trở thành trung tâm dược liệu quý hiếm hàng đầu Việt Nam.
Xây dựng hạ tầng
Về lĩnh vực cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh cũng có những đổi thay không ngừng. Đến nay đã có 10/10 xã ở Nam Trà My đã có đường ô tô. Tuyến quốc lộ 40B chạy ngang qua nối liền vùng đồng bằng và miền núi của tỉnh với Kon Tum; tuyến đường Đông Trường Sơn cũng đang được thi công là hai tuyến giao thông để Nam Trà My mở hướng thông thương với Kon Tum và Quảng Ngãi. Việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn cũng có những khởi sắc đáng mừng khi đồng bào biết tranh thủ sự hỗ trợ và đồng hành cùng với chính quyền để làm bê tông các trục đường liên thôn, liên nóc. Bây giờ về các khu dân cư dù gần trung tâm huyện hay xa tít tận Trà Linh đâu đâu cũng thấy những cung đường bê tông dẫn về tận làng, tận nhà của bà con.
Đây chính là minh chứng cho sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, Nam Trà My cũng chú trọng công tác giảm nghèo bề vững cho đồng bào. Bằng cách vận động hộ nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, không trông chờ ỷ lại, mạnh dạn đứng ra đăng ký thoát nghèo. Cùng với đó huyện cũng huy động động ngũ cán bộ, công chức, viên chức vào cuộc theo phong trào 3 cán bộ giúp 1 hộ nghèo nhằm đồng hành, hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn hiệu quả nhất để tạo ra nhiều của cải vật chất, tăng thu nhập cho gia đình.
Huyện Nam Trà My thành lập đoàn xung kích giúp nghèo cấp huyện và 10 xã cũng thành lập đội xung kích thoát nghèo để vào cuộc giúp hộ nghèo cách phát triển sản xuất bằng cách cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, mỗi năm huyện có hơn 400 hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu nhanh chóng. “Bây giờ mọi thứ đã thay đổi, điện - đường - trường - trạm đều được xây dựng kiên cố. Tôi thấy đời sống bà con nhân dân đã no ấm hơn trước đây rất nhiều, không còn lo chuyện đói, đau nữa. Việc học hành của con em nhân dân cũng rất thuận tiện, nhiều em đã thi đỗ đại học, cao đẳng hệ chính quy” - ông Nguyễn Thanh Phương ở xã Trà Mai phấn khởi cho biết. Có được kết quả đó là nhờ các cấp ủy đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở có bước xoay chuyển tích cực. Việc phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và công tác phát triển đảng viên được quan tâm xuyên suốt. Đến nay, toàn huyện có 42 tổ chức cơ sở đảng với 1.568 đảng viên. Đội ngũ đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, ngoài việc gương mẫu thực hiện chức trách được giao còn thường xuyên xuống cơ sở để vận động nhân dân nâng cao nhận thức thoát nghèo, loại bỏ ý thức trông chờ ỷ lại.
Ông Đinh Mươk - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Trà My khẳng định: “Các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã tạo lực để Nam Trà My vươn lên phát triển không ngừng. Tôi rất ấn tượng với cách quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền hiện tại trong việc phát triển kinh tế và giúp người dân thoát nghèo. Nhiều người nói rằng sự đổi thay của vùng đất này đã tăng 20 lần so với ngày đầu tái lập năm 2003”. Nam Trà My hôm nay không còn là nơi khó đến, mà là vùng đất mở đang trải thảm đỏ đón chào các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để phát triển nguồn nguyên liệu sâm, dược liệu, khai phá tiềm năng lợi thế đặc trưng, xây dựng các nhà máy, các dây chuyền sản xuất để Nam Trà My phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai gần.
HOÀNG THỌ