Những "hiệp sĩ xanh" của môi trường
Dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên tổ chức Live and Learn, một năm qua nhiều thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Hiệp sĩ xanh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Cẩm Kim, Hội An) đã học được cách chế tạo những sản phẩm có nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên.
Các “hiệp sĩ xanh” giới thiệu về sản phẩm do CLB làm ra. |
Dự án “Tôi học, tôi chơi và tôi an toàn” của tổ chức Live and Learn là nền móng cho sự ra đời của CLB Hiệp sĩ xanh. Câu lạc bộ được thành lập với sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Huỳnh Hường - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt. Thầy Hường cho biết, dự án rất hay ở chỗ không hỗ trợ quá nhiều về ban đầu nhưng lại khơi dậy, kích thích sự sáng tạo và còn mang tính giáo dục cao về ý thức đối với học sinh. Với khoảng 20 học sinh tham gia, như tên gọi của CLB, các “hiệp sĩ xanh” đã giúp lan tỏa thông điệp sống xanh đến các bạn trẻ trong trường và cả cộng đồng với nhiều hoạt động thú vị như làm túi giấy từ các vật liệu tái chế, trồng cây.
Không dừng lại ở đó, các em cũng đã vận dụng những kiến thức học được ở trường kết hợp với kinh nghiệm dân gian để lại, tự tay sản xuất những mỹ phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, hoàn toàn không hóa chất. Với lợi thế của một xã thuần nông, các em luôn có một đội ngũ tư vấn nhiệt tình từ các lão nông giàu kinh nghiệm ở xã Cẩm Kim. Từ đó, các “hiệp sĩ xanh” đã tìm được những nguyên vật liệu tự nhiên trong vườn nhà, cùng với đó là các địa điểm lý tưởng để thực hành. Các em bắt đầu sản xuất thuốc trừ sâu với nguyên liệu là quả bồ hòn. Dưới sự hướng dẫn của Live and Learn, CLB đặt mua quả bồ hòn từ Hà Nội với nguyên tắc lấy đắng diệt sâu bọ. Tuy nhiên bồ hòn có giá cao, lại phải mất thời gian vận chuyển nên cả nhóm quyết định chuyển qua dùng hạt sầu đông có sẵn ở địa phương. Qua quá trình sử dụng cho thấy hỗn hợp bồ hòn và sầu đông đem lại hiệu quả hơn hẳn, lại tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ngoài ra, từ trái bồ kết, chanh và lá sả, các em cũng điều chế được nước rửa chén, nước tẩy rửa vừa thân thiện với môi trường, thơm mùi tự nhiên, lại tốt cho người sử dụng. Là “hạt nhân” của CLB, em Nguyễn Thị Thanh Minh (lớp 9/1 - Trường THCS Lý Thường Kiệt) chia sẻ: “Ban đầu tụi em chỉ làm với số lượng ít, mỗi bạn làm rồi dùng thử, sau này nhà các bạn dùng thích quá nên tăng số lượng lên. Nguyên liệu cũng dễ tìm lại an toàn nên mỗi lần điều chế thích lắm, chỉ là thời hạn sử dụng sẽ không được lâu như hóa chất thông thường”.
Tại triển lãm chia sẻ kết quả các dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) diễn ra cách đây chưa lâu, gian trưng bày của các “hiệp sĩ xanh” gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi một không gian ngập tràn mùi hương liệu tự nhiên của lá sả, chanh, bồ kết và sắc xanh tươi mát của rau củ. Hầu hết thành viên trong CLB đều nắm vững kiến thức chế biến, thực hành sản phẩm và thuyết trình khá lưu loát về quy trình tạo ra sản phẩm. Sau khi dự án kết thúc, để có thêm kinh phí duy trì hoạt động thiết thực này, nhóm đang lên kế hoạch sẽ kinh doanh, trước hết là cho một vài hộ gia đình ở Cẩm Kim, sau đó sản xuất đại trà để mọi người có thể tiếp cận với những sản phẩm thiên nhiên, giảm bớt việc sử dụng hóa chất gây hại cho môi trường. Một năm qua, các dự án nhỏ của MFF tài trợ cho các tổ chức ở Hội An đã gặt hái được những thành công nhất định, tiêu biểu là dự án “Tôi học, tôi chơi và tôi an toàn” của Live and Learn. Mục đích mà MFF hướng đến là tạo ra sự chủ động ngay từ lứa tuổi học sinh trong việc ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên, đồng thời kích thích khả năng sáng tạo của các em.
QUỐC TUẤN - CAO NGUYÊN