Nối cánh tay, nối yêu thương

QUỐC TUẤN 15/03/2017 08:30

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu các cánh tay robot, nhóm chế tạo robot thuộc Trung tâm Điện - Điện tử (CEE), Trường Đại học Duy Tân đã tiến hành ghép nối thành công cho hai em học sinh khuyết tật tại huyện Đại Lộc.

Không may sinh ra với thân hình bị khuyết tật mất bàn tay trái, cậu bé Trần Đăng Khoa (trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) có phần e ngại, thiếu tự tin trong cuộc sống, nhất là khi lên lớp. Do khuyết cánh tay trái nên Khoa gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên việc mua cánh tay giả cho em từ lâu vẫn chưa thể thực hiện. Thật bất ngờ khi cách đây vài tháng, một nhóm nghiên cứu đến tận nhà em liên hệ việc ghép nối cánh tay cũng như đưa đến trung tâm nghiên cứu để đo đạc, lấy thông số chính xác nhất.

Sau khi có được cánh tay robot, Hiếu đã có thể thực hiện dễ dàng nhiều thao tác sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Q.T
Sau khi có được cánh tay robot, Hiếu đã có thể thực hiện dễ dàng nhiều thao tác sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Q.T

Một trường hợp khác cảm động hơn là của Phan Trọng Hiếu, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc). Hiếu lớn lên bình thường như bao bạn bè khác cùng trang lứa nhưng vì một lần ham chơi, em đã bị tai nạn do bom nổ làm mất cả 2 cánh tay vào năm 2014. Nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khiến Hiếu phải nghỉ học một năm và đi học trở lại trong sự tủi thân và tự ti. Nhờ sự động viên của gia đình và bạn bè, Hiếu đã theo được các kiến thức trên lớp nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Đào, mẹ của Hiếu chia sẻ, sau tai nạn đó do Hiếu không thể cầm bút được nên gia đình đành lấy ống bơ đục lỗ rồi bỏ ngòi bút vào để Hiếu viết chữ. Bây giờ, nhờ cánh tay giả Hiếu có thể thực hiện được nhiều thao tác sinh hoạt hằng ngày mà trước đây không thể làm được.

Cách đây 4 tháng,  Trần Đăng Khoa và Phan Trọng là những em đầu tiên được nhóm chế tạo robot của Trường Đại học Duy Tân hỗ trợ lắp nối trong dự án mang tên “cánh tay robot cho người khuyết tật”. Ngoài các vật liệu cần thiết như dây kéo không giãn, vật liệu lót hút ẩm, dây chất dẻo… việc chế tạo cánh tay robot còn cần đến 2 máy in 3D vật liệu nhựa với công nghệ dùng tia khả kiến để chế tạo cánh tay robot. Các thành viên trong Trung tâm CEE cũng chế tạo thêm 2 máy in 3D vật liệu nhựa bằng phương pháp nóng chảy để gia công các chi tiết cần sự chính xác và độ bền cao. Được biết, những thành viên chủ chốt tham gia nhóm dự án này đều từng nhiều năm hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi sáng tạo Robot (ROBOCON) Việt Nam. Bên cạnh đó sự tâm huyết và tấm lòng sẻ chia với cộng đồng của các thầy, cô đã thôi thúc họ sớm cho ra đời nhóm dự án này. Thạc sĩ Đặng Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm CEE cho biết, để có một sản phẩm chuẩn xác phải thử nghiệm in đi, in lại nhiều lần. Đồng thời phải đo kích thước chính xác, tính toán lực kết cấu phù hợp với chiều dài của từng trường hợp riêng.

Hiện tại, với trường hợp Phan Trọng Hiếu, do cánh tay robot lắp cho em bên phải khá phức tạp chưa thể cầm nắm được nên nhóm nghiên cứu tiếp tục tính toán lại các thông số nhằm giúp Hiếu có được cánh tay phù hợp nhất. Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu vẫn đang miệt mài chế tạo thêm những cánh tay robot mới bởi vẫn còn rất nhiều trường hợp thiếu may mắn trong cộng đồng đang chờ đợi họ. Theo ThS. Đặng Ngọc Sỹ, do mới ra đời nên những cánh tay robot của nhóm vẫn chưa ưng ý lắm. Trong thời gian đến, nhóm đặt mục tiêu sẽ chế tạo ra các cánh tay thông minh nhận diện được tín hiệu từ thần kinh trung ương và chỉ thị đến cơ bắp để thực hiện chuyển động giúp người khuyết tật thực hiện được nhiều thao tác phức tạp hơn trong cuộc sống.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN