Thượng viện Anh thông qua dự luật Brexit

NAM VIỆT 15/03/2017 08:19

Dự luật Brexit vừa được Thượng viện Anh thông qua, Scotland cũng công bố dự định trưng cầu ý dân tách khỏi Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Sáng qua 14.3 (theo giờ Việt Nam), Thượng viện Anh thông qua dự luật về việc nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và được Hoàng gia Anh phê chuẩn để trở thành luật. Qua đó mở đường cho Chính phủ Anh khởi động Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Như vậy trên lý thuyết, Thủ tướng Anh, bà Theresa May có thể khởi động các cuộc đàm phán về việc rời EU bằng việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon bất cứ khi nào sau khi Brexit trở thành luật.

Thượng viện Anh thông qua Brexit, mở đường tiến trình đàm phán với EU. Ảnh: Gettyimage
Thượng viện Anh thông qua Brexit, mở đường tiến trình đàm phán với EU. Ảnh: Gettyimage

Theo quy định tại Điều 50, mọi thành viên EU đều có thể tự mình quyết định rời khỏi liên minh theo trình tự được quy định và phải thông báo cho Hội đồng châu Âu. Quá trình Anh rút khỏi EU kéo dài trong vòng 2 năm để triển khai các cuộc đàm phán chính thức, đồng nghĩa với việc Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018. Theo các chuyên gia phân tích từ phố Downing Street (London), Thủ tướng Anh dự kiến đến cuối tháng này sẽ ra thông báo chính thức và bắt đầu khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi EU. Bộ trưởng phụ trách Brexit, ông David Davis nói, Thượng viện ủng hộ chính phủ trong quyết tâm thực hiện việc rời EU (theo nguyện vọng của đại đa số người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6.2016). “Chúng ta đang ở ngưỡng đàm phán quan trọng nhất cho nước Anh” - Bộ trưởng David Davis cho hay. Nếu Anh và EU vẫn không thống nhất được thỏa thuận về các quyền lợi và nghĩa vụ hậu Brexit, thì Anh vẫn sẽ tự động hết tư cách thành viên EU, không còn nghĩa vụ và quyền lợi EU nào nữa.

Quyết định cuối cùng về Brexit của Thượng viện Anh diễn ra trong lúc Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon công bố dự định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về độc lập cho Scotland, dự kiến sẽ diễn ra khoảng nửa cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Theo giới chuyên gia phân tích, Brexit gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Scotland. Nếu được Quốc hội Anh thông qua thì đây là lần thứ hai Scotland tiến hành trưng cầu ý dân để độc lập. Vào năm 2014, Scotland tổ chức trưng cầu về mục đích độc lập nhưng 55% số cử tri phản đối, trong khi 45% ủng hộ. Thực tế, trong một cuộc trưng cầu ý dân vào đầu năm nay, đa số cử tri Scotland lại phản đối Brexit, với tỷ lệ 62%. Do đó, Việc Scotland tách ra khỏi Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ mở đường cho Scotland gia nhập hay ở lại EU. Động thái này của Scotland khiến các nhà chức trách Anh cho biết, có thể dẫn đến sự chia rẽ và bất ổn kinh tế nghiêm trọng. Tính thống nhất của Vương quốc Anh bị đe dọa, đó chính là một hệ quả khác của Brexit. Bởi nếu Scotland ly khai khỏi Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sau gần 310 năm sáp nhập, sẽ là tiền lệ nguy hiểm không chỉ với các vùng khác của Anh mà còn với nhiều nước trên thế giới.

NAM VIỆT

NAM VIỆT