"Giao thông xanh" ở Hội An
Sử dụng các dịch vụ “giao thông xanh” đang là hướng phát triển phù hợp để xây dựng Hội An - thành phố sinh thái.
Loại xe điện được Công ty CP Công trình công cộng Hội An giới thiệu.Ảnh: QUỐC HẢI |
Đưa xe điện vào hoạt động
Trước Tết Nguyên đán, người Hội An ngạc nhiên khi thấy nhiều khu đất ở trung tâm thành phố được cải tạo nâng cấp khang trang, thoáng rộng. Hỏi ra mới biết, các khu đất trước Ủy ban MTTQ thành phố, bên cạnh tượng đài Nguyễn Duy Hiệu hay ngã tư đường ra bãi tắm An Bàng, trụ sở Công an thành phố cũ... đang được đầu tư thành các bãi đậu và trung chuyển xe điện. Hồi tháng 11.2016, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh đưa đón khách trong nội thị Hội An. Giai đoạn 1 của đề án sẽ được thực hiện ngay trong năm nay với 3 tuyến cố định là bến xe phường Tân An đi phố cổ, đỗ ở Quảng trường sông Hoài hoặc đường Hoàng Diệu; đi biển An Bàng và biển Cửa Đại. Ba mươi phương tiện đưa vào hoạt động bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, được đăng ký, đăng kiểm theo quy định và lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình. Được UBND thành phố giao nghiên cứu xây dựng đề án sử dụng phương tiện giao thông sạch để đưa đón khách du lịch tham quan Hội An, ông Nguyễn Quốc Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An, đơn vị thực hiện dự án - cho biết: “Xe 4 bánh sẽ chạy bằng năng lượng điện và năng lượng mặt trời. Với mục đích tạo môi trường thoáng, xanh, sạch, đẹp, hạn chế lượng khách cũng như lượng xe vào phố cổ. Giai đoạn 1 sẽ triển khai 30 xe, trong đó có 10 chiếc 8 chỗ ngồi, 20 chiếc 10 và 14 chỗ ngồi. Khi đưa xe điện vào hoạt động, thành phố sẽ hạn chế các loại xe từ 29 chỗ ngồi trở lên vào thành phố”.
Việc hướng đến sử dụng các phương tiện “giao thông xanh” là chủ trương nhất quán của chính quyền thành phố. Từ năm 2014, thành phố đã khuyến khích, vận động người dân và công chức đi lại trong thành phố bằng xe đạp, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Từ đó đến nay, dù chưa thể trở thành một phong trào rộng khắp nhưng cũng không ít cán bộ công chức và người dân đã đồng tình, hưởng ứng thực hiện. Trong khi đó, hơn 15 năm qua, hàng chục nghìn người dân trong khu phố cổ mỗi ngày cũng đều đi lại bằng xe đạp, dành không gian để thực hiện các công trình nghệ thuật “Phố đi bộ và xe không tiếng động cơ” hay sản phẩm du lịch nổi tiếng “Đêm phố cổ”. Năm ngoái, Hội An cũng đã thử nghiệm dịch vụ xe buýt cộng đồng kết nối trung tâm di sản với các khu vực, với sự phối hợp của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị - ACCD và sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản. Ông Shinichi Mochizuki - đại diện cho Tổng Hiệp hội Ngày không khói xe Nhật Bản, điều phối viên “Tuần lễ giao thông châu Âu” tại Nhật Bản - cho biết: “Đây sẽ là cách thức di chuyển chủ yếu của người dân Hội An - thành phố sinh thái trong tương lai. TP.Hội An cũng cần quan tâm đến quá trình quy hoạch mạng lưới giao thông. Chúng tôi hy vọng, việc này sẽ đem lại những kinh nghiệm mới mẻ cho Hội An và cho cả Việt Nam”.
Hội An đã thử nghiệm tuyến xe buýt cộng đồng trong thành phố. |
Thực hiện “giao thông xanh”
Một trong nhiều nỗ lực của Hội An về “giao thông xanh” là tổ chức “Ngày không khói xe - Car Free Day” lần thứ nhất vào ngày 9.9.2012, và từ đó đến nay, Hội An là thành phố đầu tiên trên toàn quốc thực hiện sự kiện này hàng năm. Những năm qua, Thành đoàn Hội An cũng đã có nhiều chương trình hành động thiết thực để hưởng ứng phong trào sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Thành đoàn đã tổ chức những trò chơi hùng biện “Ý tưởng giao thông xanh” với chủ đề “Ý tưởng mới về TP.Hội An ngày càng có nhiều người tham gia giao thông bằng những phương tiện xanh”... Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố - nói: “Tôi kêu gọi các cơ quan ban ngành và mỗi người dân Hội An sử dụng những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhằm giảm sự lệ thuộc vào ô tô, xe máy, hạn chế phát sinh khí thải và tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Cùng nhau nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí, ưu tiên sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường. Qua đó góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch”.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm hành động Vì sự phát triển đô thị - ACCD - chia sẻ: “Hội An là một thành phố rất xinh đẹp nhưng với sức ép của sự phát triển, Hội An cũng có nhiều phương tiện giao thông cơ giới. Và chúng ta phải suy nghĩ, làm thế nào có thể vừa giải quyết nhu cầu đi lại mà vẫn giữ cho thành phố thân thiện với môi trường, có một bầu không khí trong lành”. Theo các chuyên gia môi trường quốc tế, việc Hội An xác định chiến lược xây dựng “Thành phố sinh thái”, là tiền đề quan trọng để phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Hội An cũng là thành phố đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tầm nhìn cho một thành phố phát triển bền vững. Hiện nay, Hội An đang trên đường xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, một mô hình chưa có hình mẫu trên toàn quốc. Việc đưa xe điện vào hoạt động trong thành phố cũng là một cách để hướng đến sử dụng “giao thông xanh” trong tương lai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường và xã hội của vùng đất di sản.
QUỐC HẢI