Phong Thử - làng Duy tân
Làng Phong Thử (nay là thôn Phong Thử, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) là quê hương của nhà Duy tân Phan Thúc Duyện. Ông đã góp công rất lớn để xây dựng Phong Thử thành ngôi làng Duy tân tiêu biểu và kéo dài nhất của phong trào.
Chợ Phong Thử ngày trước. |
Lịch sử làng
TS.Huỳnh Công Bá trong “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18” cho rằng, làng Phong Thử được thành lập do những người tộc Phan di cư từ Thanh Hóa vào từ nửa đầu thế kỷ 16. Theo ông: “Nhiều tư liệu địa phương cho thấy có những lớp lưu dân đến bắc Quảng Nam hồi nửa đầu thế kỷ 16, chẳng hạn thủy tổ của các tộc Phan “quang tiền”, Phan “minh đức”, Phan “phụng tư”, Nguyễn “quang khánh”, Trần “đạt tôn”, Nguyễn Quy hậu ở làng Phong Thử”. Võ Đạt trong “Phan Thúc Duyện trong phong trào Duy tân Việt Nam” dựa vào gia phả tộc Phan cho biết cụ thể hơn: “Đức Thỉ tổ tộc Phan Minh húy là Đài, một bậc danh sĩ nguyên quán thừa tuyên Thánh Hoa cùng phu nhân họ Lê tự là Bạn vượt Linh Giang (sông Gianh) thiên cư vào Nam trong đời vua Trang Tông, nhằm vào năm 1537…”.
Nhưng thực tế có lẽ làng Phong Thử được thành lập sớm hơn, ít nhất là từ 1471, do những chiến sĩ “Bắc địa tùng vương” nhưng đến nay không còn chứng cứ. Năm 1553, “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã cho biết Hoa Thử (Phong Thử sau này) là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong và với nét đặc biệt: “Mưa Dã Lê làm tươi tắn lụa là, gió Hoa Thử thơm tho bánh trái”. Vào thời đó, 16 năm (1537-1553) chưa đủ để một vùng “vẫn còn hoang vắng” thành một làng có xã hiệu hẳn hoi và phát triển đến mức “gió cũng thơm tho mùi bánh trái”. Nhưng tạm thời chấp nhận mốc 1537 vậy.
Lúc đầu làng có tên là Hoa Thử, sau mới đổi lại là Phong Thử nhưng không rõ từ năm nào. Võ Đạt cho là vào thời Bảo Đại và trước đó làng có tên là Ba Thử. Tên Ba Thử là có do vào năm 1841, khi Thiệu Trị lên ngôi vì kỵ húy tên mẹ ông là bà Hồ Thị Hoa, mọi tên Hoa đều bị đổi lại thành Ba (như chợ Đông Hoa, cửa Đông Hoa bị đổi thành chợ Đông Ba, cửa Đông Ba - Huế). Nhưng từ Ba Thử đổi thành Phong Thử vào thời Bảo Đại là không đúng vì trước thời Bảo Đại người ta vẫn dùng chữ Phong Thử. Năm 1906, Phan Thúc Duyện đặt tên cho hợp thương và ngôi trường Duy tân ở đây là Diên Phong, do sự kết hợp giữa chữ Diên (huyện Diên Phước) với chữ Phong (làng Phong Thử). Trước đó, bài vè Khâm sai cũng cho biết quân triều Đồng Khánh bị quân Nghĩa hội đánh tơi bời tại Phong Thử. Các Châu bản triều Duy Tân nói về các nhân vật tham gia cuộc dân biến 1908 đều dùng tên Phong Thử.
Dưới thời các chúa Nguyễn, có hai địa danh Hoa Thử là làng Hoa Thử và thôn Hoa Thử cây Châm, cũng đều thuộc tổng An Sơn, huyện An Nông. Phong Thử là làng lớn của Điện Bàn. Sách Địa bạ triều Gia Long (1812) cho biết: “Hoa Thử thuộc tổng Đa Hòa huyện An Nông. Đông giáp xã Kỳ Lam, xã Bi Nhai (tổng An Nhơn Trung), xã Nông Sơn, xã Thủy Bồ (tổng An Thái Thượng), xã Châu Lâu, thôn Hoa Thử cây Châm, lấy bờ ruộng làm mốc. Bắc giáp châu Thúy La (thuộc Phú Châu).
Thời kỳ 1954 - 1975, Phong Thử thuộc xã Kỳ Châu, quận Điện Bàn. Sau 1975 đến nay là thôn Phong Thử, xã Điện Thọ, thuộc huyện rồi thị xã Điện Bàn.
Ngôi làng từ “Duy tân” đến “hậu Duy tân”
Phong Thử là làng Duy tân hàng đầu của Quảng Nam. Sở dĩ như vậy vì đây là quê của Phan Thúc Duyện, nhà Duy tân thực hành hàng đầu của phong trào.
Tại Phong Thử, vào đầu năm 1906, Phan Thúc Duyện đã thành lập Hợp thương Diên Phong và Nghĩa thục Diên Phong. Về Hợp thương Diên Phong: “Ở gần sông Bàu Lớn, thuộc làng Phong Thử. Cơ sở gồm một nhà lầu rất bề thế, một nhà ngang dài và hai nhà nhỏ nấu cơm, ăn cơm và ngủ… Tại nhà lầu, có một phòng tiếp khách, chỗ làm việc, chỗ chứa hàng hóa. Hàng gồm những thổ sản thường buôn trong tỉnh do những ghe bầu vượt biển đi buôn các tỉnh khác hay mang xuống cho thương cuộc Hội An bán, có dụng ý tranh thương với người Trung Hoa. Những vải, sợi, đường, heo, dầu phụng, đậu… chất ngổn ngang đến bên ngoài, gợi cho người dân sự làm ăn phát đạt, tổ chức quy củ, có tương lai vững chắc… Số nhân viên làm việc ở đây lên đến 40 người. Con số đó nói lên sự buôn bán tấp nập đến đâu”. Vì vậy, Diên Phong “là đầu não cho các thương cuộc trong tỉnh… Cả nước chưa có thương hội nào lớn hơn”(1) quy mô và phạm vi hoạt động của hợp thương khiến nhiều người phải gọi là “quốc thương” vì buôn bán ra đến tận Hà Nội.
Còn Nghĩa thục Diên Phong “là ngôi trường lớn nhất tỉnh và thực sự duy tân vì không có liên hệ với chính quyền và vì thế gây tiếng vang rộng lớn hơn cả… “Diên Phong gồm hai trường: một ở ngay Hội thương phía sau ngôi nhà dài để buôn bán, tất cả đều mới cất bằng gạch ngói; ngôi thứ hai ở chùa (gần chợ Phong Thử cũ). Tổng số học sinh Ban I và Ban II cũng trên dưới 200 người. Ngoài việc giảng dạy trường vẫn thường tổ chức những buổi diễn thuyết có hội thảo để các bậc khoa cử tới dự”(2). Hai cơ sở này được Nguyễn Văn Xuân cho rằng chỉ có Công ty Liên Thành (Phan Thiết) và Đông Kinh nghĩa thục (Hà Nội), vốn là hai cơ sở tiếng tăm nhất của cả nước thời bấy giờ mới có thể sánh ngang.
Phong Thử cũng được xem là ngôi làng “hậu duy tân” duy nhất của cả tỉnh. Sau biến cố 1908, các lãnh tụ phong trào Duy tân, người thì lên máy chém, người thì vào tù, phần lớn còn lại đều “đoàn viên” với nhau giữa “rừng xanh Lao Bảo” và “sóng nước Côn Lôn”. Các cơ sở Duy tân ngày cũ không còn “hội buôn, trường học, bóng tan bọt chìm”. May mắn cho Phong Thử, sau 11 năm bị lưu đày ở Côn Đảo và 11 năm bị quản thúc ở Quảng Bình, năm 1930 người con ưu tú của Phong Thử - Phan Thúc Duyện đã trở về và vận động dân làng thực hiện cuộc duy tân lần thứ hai.
Năm 1937, sân vận động của làng với diện tích gần 10.000m2 được xây dựng làm nơi tập luyện, vui chơi, sinh hoạt và học tập cho học sinh và dân làng.
Bằng phương thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”, chợ Phong Thử và nhà hát Phong Thử cũng lần lượt được xây dựng vào thời kỳ 1940 - 1942. Chợ Phong Thử ngày đó là ngôi chợ khang trang, bề thế và nhộn nhịp thuộc loại hàng đầu của tỉnh. Trường hát có diện tích trên 100m2, có sức chứa hơn 400 người. Đối diện với sân khấu cũng có một gác lửng có sức chứa khoảng 40 người, giống những nhà hát hiện đại ngày nay. Ngày đó khánh thành một ngôi chợ quê mà có cả Tổng đốc và Công sứ về dự, cắt băng khánh thành. Bên cạnh sân vận động, chợ, nhà hát…, đường sá trong làng cũng được mở rộng nối với phía tây và về phía đông. Sông Bến Hục cũng được khơi rộng để dễ dàng khai thác tuyến đường sông Thu Bồn và Vĩnh Điện nối với Hội An và Đà Nẵng. Làng xã được quy hoạch lại theo mô hình thị tứ.
Ngôi làng hậu Duy tân vào những năm đầu của thập niên 1940 được mô tả: “Có thể nói ở làng quê Quảng Nam lúc bấy giờ chưa có nơi nào mà nhịp độ sinh hoạt nhộn nhịp như ở đây, một thị trấn nhỏ trong vùng quê Điện Bàn. Ban ngày thì xe hơi, xe lửa qua lại, ghe thuyền đua nhau cập bến, chợ người đông mua bán ồn ào, học sinh cắp sách đến trường, chiều về trẻ em người lớn đá banh, đêm đến người đi xem hát, ăn uống đến tận khuya” (Võ Đạt, sđd, trang 60).
________________
(1), (2): Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy tân, Nxb Đà Nẵng, 1996.
LÊ THÍ