Người đi quảng bá bản sắc

THƯ QUÂN 12/03/2017 08:57

Thoạt nghe, sẽ tưởng ông đang ở vai của kẻ lữ hành trên những miền đất lạ. Nhưng ông có đi đâu xa, chỉ loanh quanh suốt vùng miền của xứ Quảng, “dấu chân” để lại là những cuộc hội làm sâu bền và cả rộng mở bản sắc văn hóa của vùng đất này.

Ông là Đinh Hài, hiện là Giám đốc Sở VH-TT&DL. Cũng là người tròn trịa 20 năm từ dấu mốc tách tỉnh gắn với ngành văn hóa, du lịch Quảng Nam.

1. Những tưởng người sắm vai chức quyền sẽ thôi chuyện buồn vui vặt vãnh của ngày dài tháng vội. Nhưng rồi mang vác vào mình bao nhiêu ưu tư nên khó lòng nào để những buổi thịnh vượng cuộc đời cuốn mình trôi đi, xa nỗi phiền muộn. Ông nói vậy chớ phải sắm cho mình một cái điệu thật lạc quan, dù phải vừa trải qua cơn đau thập tử. Cái cười hấp háy trên khuôn diện người già, ừ, là một trong những người từ đầu và sau cùng còn lại với đất này, từ khi nó mang một tên gọi hành chính riêng. “Thì rứa gọi là già, cũng phải?”, ông vui chuyện. Già đi bởi sự vững chãi của một vùng đất, đáng lắm! Và cũng càng không thể tránh chuyện già nua, khi bao nhiêu lần vắt óc nghĩ cho ra một câu chuyện văn hóa – một hội lễ vừa mang tính quảng bá xứ sở vừa kích thích người ta tìm đến vừa phải bảo toàn những đặc trưng bản sắc. Khó, khó lắm! Nên thôi, tôi nói với ông, thì đừng nghĩ mình già bởi sắp về hưu. Mà mình đã và đang, cũng như sẽ đi tiếp một con đường vun đầy bởi sự dày dặn trầm tích, muốn nó có dấu ấn thì đầu tiên nó phải đi lên từ một bờ móng lâu bền.

Và rồi tuổi tác cũng đôi lần cáo buộc người ta khi cứ dùng dằng câu chuyện giữa cũ và mới, giữa phát triển và bảo tồn, giữa lúc phải mạnh mẽ thay vì cứ ôn hòa. Nhưng thôi, ông nói, cuộc đời này kỳ lạ lắm, khi anh đã bước chân trên con đường nào, thì cứ mặc nhiên phải chịu những gập ghềnh, đôi lúc tự mình huyễn ra. Như ngày còn ở vai quản lý chỉ riêng ngành du lịch, những năm 2002, thay vì cứ gật đầu chấp nhận sẽ có một công ty lo từ A đến Z cho một ngôi làng của đồng bào thành làng du lịch, thì phải tìm cách tự xoay để giữ cái chất của vùng miền mà vẫn dụng làm du lịch. Để cái ngôi làng đó vẫn là của đồng bào chứ không phải là sân khấu được dàn dựng bởi một bàn tay ưa bày vẽ nào đó. Ngày nay thì chuyện đó đơn giản nhưng hơn chục năm trước, đó là điều tưởng hái sao trên trời. Nhưng vẫn làm được, đó là làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng ra đời năm 2008, từ ý tưởng và lẫn kinh phí của Sở Du lịch do ông Hài quản lý. Cả những câu chuyện lễ hội mà bây giờ nghĩ lại, sức vóc của một tỉnh mới tách vẫn làm được, làm tốt, thì hay cho rằng, những con người của buổi đầu Quảng Nam, đã nỗ lực trên cả sức vóc của mình.

Lại phải dùng kiểu “nhìn lại”, để nói với người đi xuyên suốt hành trình phát triển văn hóa, du lịch Quảng Nam rằng, 20 năm qua, đất này đã có những bước đi như thế nào, đã viết nên câu chuyện gì, đã vẽ thành bức tranh kinh tế xã hội ra sao. Tầm nhìn văn hóa đã thấy, nhưng để khẳng khái rằng từ bản sắc ấy anh dựng nên dáng vóc đô thị, thôn quê, thì khó để đi đến cùng. Ít ra ở ngay vào dấu mốc 20 năm. Vì ngoài hai vùng đất đã định danh, gọi đến mòn mỏi Mỹ Sơn, Hội An, thì xứ Quảng mình, tuy rất nhiều những tiềm năng, nhưng vẫn chưa, hoặc thậm chí không thể, cất cánh thành một tên gọi quen. Hay vẫn còn đó, những lôm côm về câu chuyện đẩy du lịch văn hóa – sinh thái thành một mũi nhọn trong đầu tàu phát triển của vùng ven biển. Những thách thức chưa biết bao giờ thì vơi đi chút ít về cái gọi là phát triển du lịch vùng cao. Nhắc chuyện du lịch xứ Quảng, thì như chạm vào một nỗi buồn sâu, hẳn nhiên, của một người đã gắn mác đời mình với cả hành trình này, đến nay. Ông nói, một câu chuyện phải nhìn từ hai phía, nhìn cả cái được và chưa, để cặn kẽ đi tìm lý do. Hai mươi năm qua, từ không có gì, du lịch Quảng Nam đã thành một con đường phát triển để đưa rất nhiều vùng đất đi lên, kể được khá lớn những dấu nhấn của vùng trung lộ Bắc - Nam. Điều này đã được công nhận, bằng những con số về lượt khách đưa đón hàng năm, về số lợi nhuận thu được… Nhưng cái chưa được, cái còn lấn cấn, thì cũng không ít. Từ câu chuyện lưu trú, phát triển du lịch không định hướng hay những mâu thuẫn giữa nhà máy và cảnh quan… thì khó thể nào dài dòng diễn giải.

2. Thoát ra ngoài những con số, để bình tĩnh nhìn lại chặng đường đã đi, nhất là với người quản lý lâu năm, như ông, thì hẳn không dễ. Nhưng ông nói rằng, nếu có những người say sưa thì phải tồn tại những người đằm sâu, nhất là trong các dịp kỷ niệm, như buổi hôm nay. Bên dòng thời gian đầy rẫy dấu mốc, sự kiện, tràn trề những cuộc đổi thay, thì phải có người tách ra ngồi vệ đường, để quan sát rằng, thứ gì thừa sót phía sau kia để bổ khuyết cho con đường sắp tới. Nhất là với những người làm văn hóa, những người giữ chức phận bảo tồn thứ không phải chỉ cho riêng quá khứ hay hiện tại. Ông Hài nói, bao giờ, trong mục tiêu làm việc của mình, ông để dành chỗ nhiều hơn cho ý niệm “bảo tồn”. Phải giữ được thì mới phát triển được. Những gì căn cốt thuộc về lịch sử, về nghệ thuật, về dân gian, thì càng cần phải trân quý giữ gìn hơn nữa. Có lẽ đôi phần, theo lời ông Hài, nó xuất phát từ tính cách của người Quảng Nam. Nghĩa là nhất mực đi theo làm theo thứ mình cho là đúng, quyết liệt ngang bằng với sự khám phá. Nghĩa là đối với văn hóa, thì bảo tồn được coi là mệnh lệnh để bảo vệ bản sắc dân tộc, trước một thời kỳ hội nhập lớn. “Nếu muốn, trong bảo tồn và phát triển, thì tôi nghiêng về xu thế bảo tồn nhiều hơn. Có bảo tồn mới phát triển. Kể cả trong quá trình làm du lịch, vị thế của bảo tồn cũng ở cao hơn” - ông nói.

Vậy nên trong từng ấy năm, may thay, Quảng Nam chưa có dỡ ra xây mới, chưa có lời ra tiếng vào về những xu hướng này kia. Nhưng cũng có vài điều, mà chưa chắc gì người trong cuộc nhìn ra. Là trào lưu bảo tồn tràn lan, các di tích cấp tỉnh, cấp thành phố đều có xu hướng xin được nâng lên cấp quốc gia. Rồi chạy đua để thành di tích quốc gia đặc biệt, thành di sản của UNESCO nữa. Liệu ở vai một người quản lý những gì thuộc về di tích, di sản, ông có quá bảo thủ nguyên tắc làm việc “nhất mực bảo tồn” của mình không? Ông Hài nói một tràng dài, về câu chuyện của nhà bảo tồn di tích Hoàng Đạo Kính. Ông nói, ông Kính từng cho rằng có một cuộc chạy đua vô hình đang đi ngược lại cơ may mà thế hệ này đang cố làm trong khả năng của mình: giữ cho được, duy trì cho được, bênh vực cho được những tinh hoa thật sự. Và cuộc rượt đuổi quanh vấn đề bảo tồn sẽ cứ tiếp diễn như vậy. Bởi càng giữ tràn lan, lại càng gặp nhiều thách thức và càng dễ bỏ qua, không tập trung bảo tồn những gì bức thiết nhất. Vì cuộc sống là sự đào thải dần những gì không phù hợp với quy luật vận động của nó. Nhưng cũng như câu chuyện, sẽ không có Hội An, Mỹ Sơn là di sản nếu như không nhất mực một hai về nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng. Sẽ có nhiều cách để thích ứng với cuộc đời theo kiểu tiện nghi, chứ không phải nhất mực đập đi làm lại mới ổn. Và dĩ nhiên, bảo tồn có chọn lọc, là thứ mà những người làm văn hóa, những nhà quản lý văn hóa như ông phải cân đo đong đếm.

Bây giờ thì, người đàn ông này lại đang tất bật cho một cuộc hội mới – có thể là cuối cùng, ở vị trí người quản lý. Quảng Nam - hành trình di sản khởi đầu từ chính những thúc giục của một người yêu quê xứ mình, và phải làm gì để một Quảng Nam còn mới toanh và xa lạ chuyện lễ lạt khi ấy, được nhắc đến từ sự kiện này. Mới đó, mà chặng đường của cuộc hội này đã đi đến lần thứ 6. Mỗi một lần, lại dày dặn thêm những chuyện kể về bản sắc văn hóa xứ Quảng. Và hẳn nhiên, người quản lý văn hóa như ông Hài, đang vui với những rộng mở này.

Có lẽ một vùng đất, giàu có không chỉ vì sự phát triển. Một vùng đất giữ lại được nhiều trầm tích quá khứ, chỉ dấu văn hóa sẽ khiến người đến muốn ở lại lâu hơn. Tôi thì nghĩ, hẳn ông Hài chỉ cần vun vén cho đầy đặn trách nhiệm, tròn trịa với chức phận mình nhận lãnh trong lĩnh vực văn hóa, đã đủ để vươn vai thẳng lưng nghĩ tới ngày sống cho mình.

THƯ QUÂN

THƯ QUÂN