Trẩy hội Bà Chúa Xứ
Đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, hàng nghìn du khách lại nô nức trẩy hội Bà Chúa Xứ. Chuyến đi không đơn thuần chỉ là viếng thăm, dâng lễ cầu tài lộc, may mắn cho gia đạo mà còn là cơ hội của sự trải nghiệm văn hóa, chiêm ngưỡng thiên nhiên An Giang tươi đẹp.
Lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam luôn hấp dẫn du khách gần xa. |
Châu Đốc chào đón lữ khách bằng hình ảnh những đoàn người hành hương về vùng đất bán sơn địa, nơi có ngôi miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam, từ lâu đã là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Trong tín ngưỡng của người Việt, Bà Chúa Xứ rất được tôn kính. Tương truyền, cách đây khoảng 200 năm, tượng bà được cư dân địa phương phát hiện, chín cô gái đồng trinh đã được dân làng huy động nhằm di chuyển tượng xuống từ đỉnh núi Sam huyền thoại. Khi khiêng đến vị trí miếu bà ngày nay thì bức tượng bỗng trở nên nặng nề và không thể di chuyển được. Thấy vậy, người dân đã xây miếu thờ với ý niệm về một sự bảo hộ cho vùng đất này, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thực hư truyền thuyết chưa biết thế nào nhưng niềm tin của người dân vào Bà Chúa Xứ là hoàn toàn có thật.
Lễ hội Bà Chúa Xứ gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ có các hoạt động chính như lễ tắm bà; lễ thỉnh sắc: rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn lăng về miếu bà; lễ túc yết: dâng lễ vật và tiến hành nghi thức cúng bà; lễ xây chầu: mở đầu cho việc hát bội tại Võ ca của miếu; lễ chánh tế; lễ hồi sắc: đưa sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng. Đến Châu Đốc vào những ngày này, du khách sẽ hòa mình vào không khí lễ hội rộn ràng, cùng với nghi thức phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam. Một đoàn người trong trang phục lễ cùng cờ phướn tái hiện cảnh rước tượng cách đây gần 200 năm. Hòa cùng lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được sự tôn kính mà người dân trong vùng dành cho Mẹ Đất, người đã ra công bảo vệ cho dân làng trước bao biến cố, thiên tai. Phần hội là những hoạt động vui chơi, thể hiện đậm nét đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm cùng giao thoa, hòa hợp trên mảnh đất An Giang trù phú. Mỗi năm lễ hội đón khoảng 4 triệu lượt khách hành hương, nhưng nhiều nhất là từ dịp Tết cổ truyền kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Lễ hội chính diễn ra từ ngày 22 đến 27.4 âm lịch hằng năm. Năm 2015, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trẩy hội Bà Chúa Xứ, du khách còn có cơ hội khám phá các di tích, danh thắng núi Sam, An Giang như Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu. Làng nổi Châu Đốc, làng Chăm Châu Giang, kênh Vĩnh Tế, chùa Hang... Trong đó, làng nổi Châu Đốc là điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc, thể hiện nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Tại đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông nên xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình trên những làng nổi này. Thông thường một chủ bè có ít nhất 3 - 4 chiếc bè. Gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư, cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7 - 8m.
Muốn khám phá đời sống văn hóa người dân nơi đây, khách có thể ghé thăm làng Chăm Châu Giang tại Cồn Tiên, nơi có đông người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây. Ngoài ra, còn có thể kể núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền Tây Nam Bộ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên người dân từ khắp nơi thường về cúng lễ rất đông. Tại núi có gần 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi đến sườn và đỉnh núi. Đặc biệt, trên đỉnh núi Sam còn lưu giữ một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp trông rất ấn tượng.
Tham quan Châu Đốc còn có chùa Hang, đây là một thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Nằm tách rời với cụm di tích núi Sam, trên độ cao hàng trăm mét, chùa Hang là nơi trang nghiêm cổ kính với nhiều huyền thoại, truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo sức hấp dẫn với du khách. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1840 – 1845. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, lại được con người vun đắp, chùa Hang ngày nay đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch gần xa.
LỘC HUYỀN