Làng ven sông

LÊ TRÂM 11/03/2017 08:44

Xóm tôi ở giữa hai con đập bổi Trà Đình và An Lạc (xã Quế Phú, Quế Sơn). Xóm được lập nên khoảng trong thời điểm mọi người chạy Tây về. Trước, chỉ là những cái chòi nhỏ để cho người ta nghỉ lại khi làm ruộng ở cánh đồng “Đông Trại hiệp Đồng Tre Bến Lé xứ” ấy. Sau, lập hẳn thành làng. Con đường chạy từ đầu tới cuối xóm nối với làng An Lạc ở phía bắc vốn cực thịnh từ bao đời. Còn phía nam thì gối vào bờ đê Cá Nhám chạy dọc sông vốn được người dân tự huy động công đắp nên để bảo vệ cả cánh đồng phía trong và bảo vệ nhà cửa trong xóm mỗi mùa lũ lụt về. Mộ thành hoàng nằm giữa làng. Hồi chiến sự ác liệt dân cả xóm phải dời hết qua phía bờ sông bên kia có xây thêm cái miếu thờ thành hoàng, gọi là miếu Ông Tây Trại. Miếu ở xóm cũ thành miếu Ông Đông Trại. Cái kiểu chia đôi thành hoàng chỉ có chiến tranh mới làm được, thật kỳ quặc.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Để tưới cánh đồng có cái tên dài dằng dặc trong bài cúng hằng năm ấy, nội tôi và mấy người bà con đã dựng cái trạm bơm đầu xóm gần bờ đê Cá Nhám. Tôi nhớ hình như là cái máy Kubota của Nhật Bản thì phải. Tiếng máy bơm nước - hiện thân đầu tiên của văn minh phương Tây đến với cái xóm nghèo – vang lên đã làm cả xóm ngơ ngác. Rồi nước chảy hết đồng cạn đến ruộng sâu. Ban đêm, ánh điện được “chiết xuất” ra từ máy bơm nước thắp lên lung linh một góc quê! Ở đó, những người thợ sửa máy, vận hành máy đến, rồi đi, để lại bao mối tình úp úp mở mở không thể nói hết. Có người ở lại hẳn làm cư dân của xóm đến tận bây giờ.  

Sau mười lăm năm yên ổn, xóm bắt đầu “chịu trận”. Sự đầu tiên là cơn bão rồi lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964. Một nửa số nhà ngói trong xóm sụp đổ! Tất cả nhà tranh bay tan hoang. Hơn một nửa làng bị đói sau cơn bão lụt dữ dằn năm ấy. Một số nhà đã bắt đầu dợm ra đi từ đó. Về nam. Từng nhà một. Cái nhà cuối xóm cũng ra đi để lại một khoảng trống mênh mông. Tiếp theo là những trận giao tranh ác liệt hồi 69-70. Ca nông rồi bom, hầu như ngày nào cũng có. Chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bị bắn rơi bên bãi sông Trại hình như là sự khởi đầu của các đợt không kích ác liệt kéo dài mấy tháng trời. Nhà tôi, nhà nội, nhà hàng xóm… oằn trong những đợt bom.  Xóm bắt đầu trắng từ đầu đến cuối. Dân xóm bật khỏi nhà của mình mỗi người mỗi phương.

Mãi đến tháng 3.1975, khi tiếng súng đã yên mọi người mới lục tục trở về. Những tiếng nói cười bắt đầu râm ran đầu trên, ngõ dưới. Chừng như đây là đợt lập làng lần thứ hai bởi hầu như đều bắt đầu từ số không trên những mảnh vườn cũ. Là sự bắt đầu của một thời hợp tác xã đầy khó khăn. Là một thời của giai đoạn khoán 10 ai cũng phấn khởi. Xóm khởi sắc thấy rõ. Những đứa trẻ sinh ra lớn lên, đi học phổ thông rồi đại học. Một số đi tận Tiệp Khắc, Bun-ga-ri… Số khác vào bộ đội và chiến đấu ngay những ngày mở ra mặt trận phía Tây Nam… Như khao khát của những vị tiền bối thời lập làng, những người chủ của hơn hai chục gia đình được sum họp và “tách hộ” ra những ngày “hậu chiến”, xây dựng hợp tác xã, khoán 10 rồi Đổi Mới, nhiều ngôi nhà được dựng nên, càng ngày càng thêm kiên cố.

Nhưng bão lụt như con nợ truyền đời bám theo xóm, bám theo số phận bao nhiêu con người. Là dải đất nhỏ hẹp nằm ven sông, cách sông trở đò, tách biệt hẳn với phố thị và làng xóm khác, muốn tới xóm Trại phải qua một cây cầu tre tạm bợ, thường được dựng lên từ mùng Mười tháng Chạp đến… khi bắt đầu mùa lụt năm sau. Nghĩa là ngày tháo dỡ cây cầu đem cất tùy thuộc vào… con nước mỗi năm. Thời gian còn lại chỉ còn cách qua sông bằng ghe. Có năm, có người nhận đưa đò. Có năm, không ai nhận bởi sự “cách rách” của việc đưa đò, vốn ít người qua lại, tiền thu không được bao nhiêu, lại vô chừng. Mà ruộng thì nhà nào cũng một nửa bên này sông nửa bên tê sông, không thể không qua sông mỗi ngày được! Lại còn bao chuyện của đời người nữa, bao chuyện “phải không” khác. Có năm con nước chỉ hiền lành trôi xuôi, thổi đi một ít cát bãi ven sông, bên này một ít, bên kia một ít. Có năm chỉ làm sụp các gành phía bên tê sông. Có năm, lũ quét dọc bờ sông, chỗ nào cũng lở. Xóm như cô gái hiền lành trước thói sàm sỡ của gã dở hơi cứ co người lại mãi. Lở từ những hàng tre trồng dọc bờ sông đến con đường chạy dọc xóm. Lũ lụt đã thật sự đe doạ đến cả làng. Cuối cùng, một số người rục rịch bỏ xóm đi làm nhà nơi khác. Có nhà, đương nửa đêm dỡ nhà đội qua sông. Sáng ra cả xóm mới ngã ngửa khi biết nhà ông ấy biến mất! Người ta bắt đầu nghe đồn về dự án di dời cả làng. Nửa mừng, vì sự an toàn của cả xóm, nửa tiếc vì cả đời, cả cơ nghiệp đã được xây dựng, bao nhiêu công sức đã đổ vào đó. Người tiếc nhất có lẽ  là những người già cả, họ hiểu hơn ai hết giá trị của cả đời mình đã đổ ra. Người ta ngó nhau, dùng dằng chưa muốn rời đi. Nhưng có tiếc nuối rồi cũng phải đi thôi…

Bây giờ, xóm đã dời hẳn qua phía tây sông Ly Ly. Đó là một xóm mới được xây dựng kiên cố, khá đầy đủ tiện nghi. Nhưng, ruộng đất thì vẫn còn ở xóm cũ. Bây giờ, họ vẫn phải quay về xóm cũ để chăm sóc ruộng vườn. Lại phải làm thêm chiếc cầu tre. Lại phải để tạm căn chòi để nghỉ lại mỗi trưa. Có nhà để nguyên căn nhà cũ, làm nhà mới ở khu tái định cư. Mọi thứ chừng như còn đang nửa vời theo kiểu “dời làng nhưng không… dời đất sản xuất” từng tồn tại nơi này nơi khác…

Bây giờ, mỗi lần về lại căn nhà xưa đầu xóm tôi cứ tần ngần mãi, không muốn rời đi. Đã bỏ lại ở đó một trời tuổi thơ của mình. Ở đó, đã từng sống bao nhiêu năm, từng lớn lên, vui cái vui của xóm, buồn cái buồn của cả xóm. Những tiếng cười nói từng vang lên đầu xóm đến cuối xóm mỗi ngày giờ vắng hẳn. Ngôi mộ thành hoàng được tu sửa khá hoành tráng cách đây vài năm, bây giờ vắng đến lạnh người. Đã dạt đi hết rồi những người bao nhiêu tháng năm từng sống ở đó, trong ấy có tôi!

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM