Trả lại lối đi trên vỉa hè
Chính quyền các đô thị lớn của tỉnh một mặt vừa “tuyên chiến” với thực trạng cơi nới, buôn bán, lấn chiếm vỉa hè trái phép nhằm trả lại lối đi cho người đi bộ, vừa sắp xếp lại kinh doanh ở các khu phố theo quy hoạch.
Tam Kỳ: Tháng cao điểm về trật tự đô thị
Tại đô thị Tam Kỳ, không ít lần triển khai sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch vỉa hè cho phù hợp, nhằm vừa đưa vỉa hè về với công năng sử dụng của nó, vừa tạo công ăn việc làm cho người kinh doanh, buôn bán. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều nơi đã lạm dụng vỉa hè, tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng, vượt tầm kiểm soát của địa phương. Đội ngũ làm công việc dọn dẹp trật tự đô thị ngày một “phình” ra, nhưng vẫn không giải quyết tận gốc, để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè liên tục tái diễn.
Lực lượng chức năng của TP. Tam Kỳ tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm. Ảnh: VINH ANH |
Sáng 6.3, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam dẫn đầu đoàn liên ngành của thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Theo ghi nhận của phóng viên, việc lập lại trật tự đô thị được thực hiện khá quyết liệt, có sự huy động của nhiều lực lượng và các phương tiện chuyên dụng. Tại những nơi vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản tạm giữ phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính. Các cá nhân, đơn vị vi phạm đều chấp hành việc xử phạt và tự giác tháo dỡ, thu dọn vật dụng, hàng hóa, biển quảng cáo. Được biết, sau ngày đầu ra quân lập lại trật tự vỉa hè, TP.Tam Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp nhằm rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Chiến dịch sẽ kết thúc vào ngày 31.3.
Trước đó, tại phường An Phú, lực lượng chức năng mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên Đội quy tắc đô thị TP.Tam Kỳ và chính quyền phường An Phú đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng giúp nhân dân nhận thức đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trả lại mỹ quan cho đô thị. Chỉ sau vài ngày, vỉa hè, lòng đường các tuyến ĐT616, đường Tam Kỳ - Tam Thanh, Lê Thánh Tông, đường Nguyễn Văn Trỗi, cầu Kỳ Phú 2… đã trở nên thông thoáng, ít xuất hiện cảnh buôn bán lộn xộn. Để lãnh đạo chính quyền siết chặt kỹ cương quản lý nhà nước, cuối năm 2016, Thành ủy Tam Kỳ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với trật tự đô thị và xây dựng tuyến phố văn minh. Tinh thần của chỉ thị đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, hạn chế, nhất là vai trò chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền chưa thực sự quyết liệt.
Theo ông Nguyễn Minh Nam, tháng 3.2017 diễn ra kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của tỉnh tại địa bàn nên địa phương sẽ cứng rắn với các trường hợp đã nhắc nhở nhưng tái phạm. Đồng thời sau khi kết thúc chiến dịch cao điểm, thành phố cũng tính toán, lên phương án bảo vệ vỉa hè, lòng đường lâu dài hơn. Khảo sát, chấm dứt việc cho thuê vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh ở một số tuyến đường. Song hành là quy hoạch, sắp xếp địa điểm buôn bán, kinh doanh phù hợp.
Hội An: Vỉa hè có “đất sống”
Tại Hội An, ẩm thực đường phố sở dĩ có đất sống bền lâu vì ít nhiều mang dấu ấn đặc trưng về bản sắc văn hóa, văn minh “buôn gánh bán bưng” của người phố cổ. Tuy vậy, thời gian qua, “làn sóng” di cư kèm theo số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác tăng nhanh, trong đó có nhiều loại hình buôn bán không phù hợp với cảnh quan khu phố cổ. Hậu quả nhãn tiền thấy rõ là thực trạng chèo kéo khách nước ngoài mua hàng, ô nhiễm môi trường đến mức báo động từ việc vứt, xả rác bừa bãi trong các khu vực buôn bán hàng rong, vỉa hè. Quan điểm của chính quyền TP.Hội An là chỉ những gánh hàng rong, buôn bán những mặt hàng truyền thống tại vỉa hè góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng mới được bố trí lại ở những vị trí góc phố, dưới mái hiên trong khu vực phố cổ. Ngược lại, những mặt hàng không làm nên “thương hiệu” phố cổ gầy dựng nên bao đời thì sẽ sắp xếp, chuyển đi nơi khác theo quy định. Các cá nhân, hộ kinh doanh không được bố trí buôn bán lại tại vỉa hè, hàng rong trong khu vực phố cổ sẽ chuyển đến làm ăn ở khu vực chợ Hội An; khu vực phố đi bộ đường Nguyễn Phúc Chu, chợ đêm Nguyễn Hoàng; khu vực bờ kè Đồng Hiệp, phía tây cầu Quảng trường - đường Cao Hồng Lãnh (đoạn vỉa hè dọc 2 bờ kênh)...
Thời gian qua, tại 2 phường Minh An và Cẩm Phô, chính quyền rất quan tâm bố trí các hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện để họ buôn bán theo trật tự, quy định ở khu vực phố cổ. Đến nay, 2 địa phương này sắp xếp lại 40 điểm với 62 hộ kinh doanh hàng rong, vỉa hè. Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết, đặc thù của phố cổ khác với nhiều nơi, nên bố trí lại hoạt động kinh doanh hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông, gìn giữ văn hóa và tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Xưa nay, không ít du khách trong và ngoài nước thích thú phố cổ bởi cung cách phục vụ, ứng xử văn hóa của những người bán thức ăn đường phố.
Hầu như những đặc sản quê xứ đều được bày bán tại đây. Đầu tháng 1.2017, UBND TP. Hội An đã chính thức triển khai đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An. Theo đó, sẽ sắp xếp, bố trí kinh doanh cho các hộ đang buôn bán hàng rong, vỉa hè ở các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong theo nguyên tắc phù hợp với truyền thống và không gian khu phố cổ, gắn với phát triển du lịch bền vững. Đối tượng ưu tiên là người địa phương có hộ khẩu thường trú tại Hội An, người đã từng tham gia buôn bán trên vỉa hè và đóng lệ phí cho địa phương, người của các gia đình có truyền thống và uy tín về bán hàng rong địa phương, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các hộ ở trong kiệt hẻm Hội An… Các hộ, cá thể tham gia phải cam kết thực hiện đúng các quy định về địa điểm, diện tích, mặt hàng, phương tiện, công cụ, trang phục; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, sản phẩm; được tập huấn về giao tiếp và thực hiện tốt giao tiếp ứng xử với khách và một số quy định khác của địa phương.
TRẦN HỮU - VINH ANH