Khi ảnh bất lực, Đan lên tiếng
Đan - bút danh của họa sĩ Hoàng Đặng (Đà Nẵng) - là một trong những trường hợp đặc biệt của làng báo. Cứ tòa soạn nào không “sản xuất” được ảnh đẹp cho bài chính trang một, thậm chí cả bài trang trong cho số báo hôm sau là lập tức Đan có mặt nếu được “cầu cứu” để vẽ tranh minh họa. Thường những cuộc gọi như vậy diễn ra lúc 8 giờ tối, nhưng bao giờ Đan cũng “ok” bằng những hý họa làm vừa lòng những người khó tính nhất trong tòa soạn. Đan là vậy, là họa sĩ thứ thiệt, thích tự do phóng túng nhưng cũng là họa - sĩ - báo - chí không thể nào chuyên nghiệp hơn!
Họa sĩ Đan. |
Nhớ dạo cách đây khoảng 15 năm, lúc tôi và Đan vẫn “nghe tên chưa thấy người”. Khoảng 8 giờ tối thì tôi nhận một cuộc gọi xưng là họa sĩ Đan, hỏi “ở Huế chỗ nào bán màu và cọ? Tòa soạn vừa gọi tui đặt vẽ một bức hý họa cho bài cover, tui đang ở Huế, vừa say rượu vừa không mang theo đồ nghề, chừ không biết làm răng…”. Hồi đó mạng miết không như bây giờ nên tối đó, Đan phải vật vã chạy quanh TP.Huế để tìm cách gửi tranh ra tòa soạn sau một lúc “điêu đứng” với việc đi tìm mua cọ và màu.
Hỏi, những lúc như thế này ông có thể từ chối nhưng sao lại không? Đan cười: “Tui chưa bao giờ nói không với các tòa soạn cần mình, dù bất kỳ hoàn cảnh nào”. Sau này quen thân với ông mới biết, Đan không chỉ rất chuyên nghiệp với nghề báo mà còn chuyên nghiệp cả với việc vẽ tranh: “Tui không có khái niệm vẽ theo cảm hứng. Vẽ với tui là công việc hàng ngày, hôm nay vẽ xấu thì mai xóa vẽ lại cho đẹp. Tui quan niệm bức tranh của họa sĩ cũng như thửa ruộng của người nông dân, ngày nào cũng phải cày xới trên đó thì mới thu được thành quả…”.
Ngủ khi đi… xin việc
Thi thoảng tôi hầu rượu họa sĩ Đan cùng với nhà văn Vĩnh Quyền. Và đó luôn là những cuộc rất thú vị, trước hết từ sự đối lập, tương phản của hai người. Trong khi Vĩnh Quyền phương phi, luôn ý thức về hình thức thì Đan lại mảnh mai, nhàu nhĩ. Vĩnh Quyền nói nhiều, nói hết chuyện của người khác thì Đan luôn lặng lẽ, chỉ ậm ừ lơ ngơ như người cõi trên, thi thoảng lên tiếng lại gần như lạc lõng, chẳng ăn nhập gì với “thời sự chủ lưu”. Ấy vậy mà bữa rượu vắng Đan, tôi lại thấy thiếu thiếu một điều gì đó không cắt nghĩa được.
Hôm nọ thắc mắc về chuyện “người cõi trên”, Đan cười một lúc rồi kể một chuyện đã thành giai thoại: Một lần Đan đang ăn sáng bằng xôi gà ở một quán quen tại Đà Nẵng. Đang ăn thì thấy ai đó dùng đũa bỏ vào đĩa xôi của mình mấy miếng thịt. Có chút ngạc nhiên nhưng Đan cũng không ngước nhìn và cứ thế ăn, xong như mọi khi, Đan đứng dậy tính tiền rồi đi thẳng một mạch không ngó nghiêng. Mấy hôm sau trong một quán cà phê, Đan tình cờ gặp chị Bích Hường, cán bộ công an TP.Đà Nẵng vốn là người quen lâu năm. Chị Hường thắc mắc “hôm bữa ngồi ăn sáng trước mặt anh, em bỏ thêm cho anh mấy miếng thịt vào đĩa xôi, nhưng anh cứ đương nhiên ăn và không thèm nhìn xem ai bỏ thịt cho mình là răng?”. Đan lúc đó mới gãi gãi đầu cười: “Anh tưởng là chủ quán bỏ!”.
“Tái định cư” - biếm họa của Đan. (Giải ba cuộc thi “Biếm họa Báo chí Việt Nam lần Thứ nhất 2008” của Hội Nhà báo VN). |
“Nhưng chuyện ni mới vui” - Đan kể tiếp. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó Đan thất nghiệp và nhà văn Vĩnh Quyền dẫn ông đến gặp Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) để xin việc. Trong lúc nhà văn Vĩnh Quyền say sưa “thuyết minh” về sở trường, năng lực làm việc… của Đan với ông chủ tịch hội thì Đan ngồi… ngủ! Nhà văn Vĩnh Quyền phải đạp đạp mấy cái vào chân, Đan mới giật mình mở mắt. Không hiểu nổi “sao ông lại có thể ngồi ngủ trong giờ phút trọng đại như vậy?” thì Đan cười: “Thấy hai ông nhà văn nói qua nói lại nghe mệt quá nên tui buồn ngủ và ngủ lúc mô không biết!”.
Thấy Đan luôn trong trạng thái lơ mơ, ngái ngủ, cứ tưởng ông chẳng biết gì về đời sống chung quanh, nhưng ngạc nhiên là chuyện gì trên đời Đan cũng biết. Và lạ nữa là Đan không những quan tâm mà còn rất am tường thời sự đất nước và thế giới. Suốt hơn 10 năm liền kể từ năm 1998, ngày nào trên báo Lao Động, họa sĩ Đan cũng “làm 2 nhát” gồm một bức tranh liên hoàn (4 tấm) ở chân trang 1 và một biếm họa ở góc trang 7. Đó là chưa nói đến việc thường xuyên phải “cấp cứu” một bức hý họa cho bài cover trang một khi ảnh bất lực. Ngay cả những lúc Đan ở nước ngoài (đi vẽ gần 3 tháng ở Ireland năm 2006 và đi Mỹ triển lãm tranh hơn 1 tháng năm 2009) nhưng biếm họa của Đan vẫn xuất hiện đều đặn như ông đang ở nhà.
Tôi chơi với rất nhiều họa sĩ có mon men đến biếm, hý họa, nhưng ông bà nào cũng chỉ vẽ được chục bức, loanh quanh với các chủ đề tham nhũng, lãng phí, tàn phá rừng… là treo cọ vì bí đề tài. Hỏi Đan làm cách nào mà ngày nào cũng có chất liệu để sản xuất đến 2 - 3 biếm, hý họa thời sự không lặp lại như vậy? Ông bảo “tui đến với biếm họa là từ gợi ý và khuyến khích của Chóe (họa sĩ Chóe - một cây biếm họa nổi tiếng của Việt Nam xuất hiện trước Đan) và chính Chóe cũng là thầy của tui về cách nuôi dưỡng và phát hiện đề tài thời sự hàng ngày”. Tuy nhiên, hỏi tiếp ông đã học Chóe như thế nào thì Đan lại trả lời kiểu… ngơ ngác, tóm lại là vẫn không biết được ông học như thế nào!
“Tôi nghiêng về phía nước mắt…”
Biếm họa có mặt trên báo chí Việt Nam từ mới khai sinh. Tuy nhiên sau 1975, đặc biệt là giai đoạn đổi mới, Lao Động là một trong số không nhiều tờ báo ở Việt Nam duy trì hàng ngày chuyên mục biếm họa, dùng hý họa thay ảnh và tranh liên hoàn… trong thời gian dài. Như một sự cộng sinh, họa sĩ Đan đã giúp Lao Động tạo được dấu ấn riêng với bạn đọc và ngược lại, Lao Động cũng đã chắp cánh để Đan bay cao hơn với lối rẽ biếm họa. Mấy năm trở lại đây, trên một số báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ… vẫn duy trì biếm họa hoặc thường xuyên sử dụng hý họa thay ảnh. Ở Việt Nam hiện cũng có không ít họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp thuộc nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nói không ngoa thì Đan vẫn ở một chiếu riêng, không lẫn với ai từ nét vẽ, kỹ thuật, bố cục, mảng khối cho đến đề tài. Nếu như với phóng sự, có những tác giả chỉ cần đọc chapeau, không cần nhìn tên thì vẫn biết đó là bài của ai thì với biếm họa của Đan cũng như vậy: không cần nhìn chữ ký, chỉ cần nhìn màu và khối là biết ngay của Đan!
Đan sinh 1951 tại Huế. Trước 1975, ông từng gắn bó với nghề báo khi vẽ tranh minh họa trên các tờ Tuổi Ngọc, Văn... trước khi vào học Trường Mỹ thuật Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, khoảng năm 1977, do tranh chưa có thị trường nên để kiếm sống, Đan sống bằng nghề trang trí triển lãm và áp-phích tranh cổ động. Một lần, Đan được bác sĩ Hoàng Thao, nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng và bác sĩ Hà Văn Kỉnh, nguyên Trưởng trạm Sinh đẻ và kế hoạch TP.Đà Nẵng mời đến giúp tuyên truyền cổ động về đề tài sinh đẻ có kế hoạch. “Thời gian này, tui phải đến từng huyện, xã ở khắp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để vận động bà con hưởng ứng phong trào sinh đẻ có kế hoạch. Ngoài tranh cổ động, tui còn biên đạo kịch nói và sáng tác... nhạc”.
Họa sĩ Đan còn sáng tác cả nhạc? Ông cười cười xác nhận: “Chính xác” rồi kể: “Lúc đó, do yêu cầu của công việc, cộng với cảm hứng đến từ một nữ nhân viên trong ngành mà bây giờ là vợ tui, nên tui đã liều mình sáng tác một ca khúc có tên là “Tình khúc” để phục vụ cho việc tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch”. Rồi ông nghêu ngao hát: “Thương em đôi tay ngọc/Thương em đôi chân ngà/Đường xa dù mưa nắng em vẫn bền lòng qua/Xuân qua, đông tàn, em vẫn miệt mài đi/Nay xuân về trên đồng xanh/Hoa nở thắm trên cành/Me ra đồng không còn bồng con trên tay/Chị ra đồng không còn quàng em trên vai/Và cha đã yên lòng bên luống cày…”. Đan bảo “thú vị là đã gần 40 năm, nhưng bây giờ “Tình khúc” vẫn còn được ngành sinh đẻ có kế hoạch TP.Đà Nẵng sử dụng để làm nhạc hiệu tuyên truyền”.
Có lẽ việc xuất thân từ giới cần lao đã có ảnh hưởng lớn đến cách chọn đề tài của Đan trong biếm họa. Bởi trong khi nhiều họa sĩ biếm họa chọn đề tài theo kiểu đơn thuần là kể một câu chuyện hoặc luôn ý thức về việc chống tiêu cực, nêu mặt trái của xã hội và cuộc sống thì Đan lại tuyên ngôn kiểu như nhà thơ Phùng Quán: “Biếm họa của tui nghiêng về phía nước mắt. Tui luôn đi tìm và nói lên tiếng nói của những người yếu thế bị đối xử bất công, chịu nhiều ấm ức trong xã hội”.
HOÀNG VĂN MINH