Bộ tư liệu của tộc Đống ở Phú Ninh

PHÚ BÌNH 04/03/2017 09:58

Nhà thờ tộc Đống (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu có liên quan về nguồn gốc tộc họ cũng như về các nhân vật lịch sử của gia tộc này. Qua đó, có thể ghi nhận thêm một số thông tin về lịch sử di dân ở Quảng Nam.

Tấm hoành “Đống từ đường” treo trên gian giữa nhà thờ tộc Đống - Tam Đàn,  Phú Ninh. ảnh: PB
Tấm hoành “Đống từ đường” treo trên gian giữa nhà thờ tộc Đống - Tam Đàn, Phú Ninh. ảnh: PB

Vào giữa thế kỷ 20, trong gia tộc họ Đống có hai anh em ruột tham gia cách mạng rồi tập kết ra miền Bắc được nhiều người biết tiếng, đó là ông Đống Lương (chồng bà Phan Thị Mỹ Khanh - con gái cụ Phan Khôi) và ông Đống Ngạc (từng là thư ký riêng của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn). Sau ngày đất nước thống nhất, do có điều kiện thuận lợi, hai ông đã cùng các vị cao niên trong thân tộc trực hệ sưu tầm các tư liệu thành văn và bất thành văn của gia tộc hiện còn truyền để viết nên phần Phụ lục của “Tộc phổ họ Đống”, trong đó có nhiều chi tiết rất đáng được tìm hiểu.

Đầu tiên là nguồn gốc của tộc Đống làng Chiên Đàn xưa: Theo truyền khẩu trong gia tộc và căn cứ vào tên đất “làng Chiên Đàn” - là vùng mà tổ tiên tộc họ này từ miền Bắc vào định cư - các vị soạn bản Phụ lục nói trên đã có một nghiên cứu công phu để gợi ý cho con cháu thử tìm hiểu gốc gác của tộc Đống có thể là ở vùng Việt Trì, Lâm Thao, Bạch Hạc của tỉnh Phú Thọ hay chăng? Bằng những lời lẽ hết sức dè dặt cùng với những chứng cứ phong phú tham khảo từ sách vở, gốc gác quê xứ của tộc Đống làng Chiên Đàn được nêu ra khá thuyết phục. Nếu những nghiên cứu trên đây được chấp nhận thì lịch sử di dân của vùng nam Quảng Nam xưa có thể ghi nhận thêm về những cư dân ở xa hơn - phía bắc thành Thăng Long - đến lập nghiệp - khác với những kết quả tìm hiểu lâu nay: xa nhất là từ vùng Hà Đông, Hải Dương…

Thứ đến, các vị của tộc Đống làng Chiên Đàn đã tìm về lịch sử thời Tây Sơn để khảo sát hai bản sắc phong ra đời từ các thời vua Quang Trung và Cảnh Thịnh còn lưu ở nhà thờ chính của tộc. Sắc phong đầu được cấp vào ngày 21 tháng 12 âm lịch năm Quang Trung thứ hai (1789) đã bị mối mọt làm hỏng 10/13 chữ dòng đầu (chỉ còn ba chữ “úy” “miên” và “Đống” - tức họ Đống) nên không còn nhận được tên, chức vụ và quê quán của người được ban sắc. Nhưng nội dung bản sắc này đã tỏ rõ sự nhất quán với Sắc phong thứ hai được ban vào ngày mùng 2 tháng 10 âm lịch năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Sắc phong thứ nhất đã được ông Đống Ngạc nhờ ông Ngô Phương Bá ở Viện Sử học (số 38 Hàng Chuối, Hà Nội) chuyển đến Tổ phiên dịch của viện này nhờ dịch. Bản  dịch ấy lưu như sau:

“… Hùng mạnh, oai phong, … Một lòng một dạ, gắng sức mạnh mẽ, như bờ ngăn đá chắn, là nanh vuốt của vua, công lao đã rõ! Sao chẳng hậu thưởng? Đáng thăng làm Cai cơ, tước Miên trường hầu, người đã đi đầu, quả cảm cương nghị, rong ruổi vất vả. Ô hô! Như tơ như chỉ (ý nói sự lớn lao của lời khen tặng này - NV), đã vinh hiển, lệnh cho được cùng hàng áo mão, cùng ở (nguyên văn “đồng trạch”, ý nói cùng được hưởng ân huệ của nhà vua - NV). Ngươi phải gắng gỏi để tỏ lòng trung. Kính thay! Ban cho sắc này! Ngày 21 tháng 12 năm Quang Trung thứ 2.

(Nguyên văn: (Mất 10/13 chữ dòng đầu) … úy miên Đống… củ, hùng phong oai dương, hảm hổ hoàng  thái,  nhất nãi tâm, (mất 1 chữ) miễn dõng cổ, siêu cừ đầu thạch, vi vương trảo nha, hàm lệ ký trứ phỉ lao sư tích gia mậu thưởng, khả thăng vi cai cơ Miên trường hầu. Nhĩ kỳ khắc địch quả nghị, phỉ giải trì khu. Ô hô! Như ty như luân, tư ký vinh tích. Mệnh đồng thường đồng trạch. Nhĩ miễn đáo đương trung. Khâm tai! Cố sắc. Quang Trung nhị niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhất nhật (ấn Sắc mệnh chi bửu).

Sắc phong thứ hai, nội dung rõ ràng hơn, đã được Gia tộc dịch như sau:

“Sắc cho Đống Công Trường, quê ở thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, phủ Thăng Ba là Cai cơ của Tiền cơ Trung Nghĩa thuộc đạo quân Trung Thành, đã từng chiến trận, có công lao cần mẫn, đáng thưởng (danh hiệu) Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ (tước) Miên tài bá. (Người phải) đốc suất các bộ phận quân dưới quyền mình sai bát cho tốt. Nếu trễ lười, không tròn chức trách, thì có ngay khuôn phép triều đình. Kính đấy! Nay sắc. Ngày mùng 2 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ nhất”.

(Nguyên văn: Sắc Thăng Hoa phủ, Kim hộ thuộc, Đức Hòa xã, A Vó thôn, Trung Thành đạo, Trung Nghĩa tiền cơ Cai cơ Đống Công Trường lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao, khả gia Anh Liệt tướng quân Chỉ huy sứ (tước) Miên Tài bá suất bổn quân phân sai bạc. Thảng quyết chức phất cần, triều chương cụ tại. Khâm tai! Cố sắc! Cảnh Thịnh nguyên niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật (ấn: Sắc mệnh chi bửu).

Nghiên cứu của Gia tộc Đống làng Chiên Đàn đã chứng minh các vua thời Tây Sơn đã cấp hai đạo sắc trên cho người duy nhất là ông Đống Công Trường, và cho biết thân phụ của ông Trường là ông Đống Công Chí đã rời làng Chiên Đàn đến định cư tại thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc (tương đương đơn vị tổng) Kim hộ, phủ Thăng Hoa (nay một phần là đất thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) lập thành chi phái Đức Hòa - Tam Xuân hiện nay. Điều này phù hợp với thực tế được ghi trong nhiều gia phả tộc họ vùng Tam Kỳ xưa, là nhiều dân làm vàng (Kim hộ), thời các chúa Nguyễn, đã rời vùng Chiên Đàn đến lập nghiệp ở các làng Thạch Kiều, Đức Bố (ven sông Trúc Tân còn gọi là sông Bến Trảy - là quãng thượng nguồn của sông Bầu Bầu) để gần với chỗ khai thác vàng Bồng Miêu (vùng Tam Lãnh hiện nay).

Hiện mộ ông võ tướng thời Tây Sơn Đống Công Trường vẫn còn tại khu nghĩa địa có tên xưa là Rừng Mộng (nằm ngay phía sau khuôn viên trường tiểu học Đỗ Thế Chấp - cơ sở 2, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) và được con cháu tộc Đống - chi phái Đức Hòa - Tam Xuân hương khói phụng thờ qua nhiều đời. Gần mộ có một địa danh gọi là “Vườn voi” được người địa phương nghe kể (từ xưa) là chỗ để voi trận nghỉ chân mỗi khi ông tướng ghé về làng.

Trong bộ tư liệu còn lưu tại nhà thờ tộc Đống còn một bộ giấy tờ chữ Nho (đóng dấu Sắc mệnh chi bửu - dùng cho bằng sắc được vua cấp) đã bị thấm nước nên bị hỏng các chữ đầu (ở tất cả các dòng) nên không còn nhận ra niên hiệu. Nhưng, căn cứ nội dung chính còn lại, có thể biết tộc này có một thành viên tên là Đống Công Điều đã từng dạy học trong cung vua triều Nguyễn với các chức/hàm được giao như Hàn lâm viện tu soạn sung Hoàng tử phủ giảng tập và Hàn lâm viện kiểm thảo sung Hoàng tử phủ giảng tập. Những bằng sắc về nhân vật này chưa được bản nghiên cứu của gia tộc họ Đống làng Chiên Đàn (soạn năm 1988) đề cập.

Ngoài ra, trong bộ tư liệu này còn có mấy tờ sắc, tờ cáo lão và trát sức có liên quan đến 2 nhân vật: Trần Văn Quyền (đời Gia Long) và Trần Văn Thành (đời Tự Đức). Họ Đống (凍)và họ Trần (陳) có nét giống về tự dạng chữ Nho. Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội thông tin thêm vào lần sau về những giấy tờ này.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH