Quân dân một lòng

ALĂNG NGƯỚC 03/03/2017 08:39

Nụ cười lấp lánh sau câu chuyện nơi gươl làng, là niềm vui và lòng tin yêu của đồng bào vùng cao dành cho các chiến sĩ biên phòng về hành trình giảm nghèo và những đổi thay trong cuộc sống.

1. “Ruộng lúa ni, ngày trước cũng nhờ Bộ đội biên phòng (BĐBP) hướng dẫn, bày cách chăm sóc nên người dân mới biết cách làm. Chừ cả vùng, ruộng lúa nước còn nhiều hơn lúa rẫy, người dân có cái ăn từ ruộng, nên biết ơn các chú bộ đội lắm!” - cụ Arâl Đúch, ở làng Anoonh (xã A Nông, huyện Tây Giang) chỉ tay về phía những cánh đồng lúa nước xanh mởn, nói với chúng tôi. Hơn 80 năm dõi theo bước đi của làng, già Đúch bảo đã chứng kiến không ít những đổi thay của vùng đất đầy nắng và gió A Nông. Đến độ, ông có thể kể rành rọt từng câu chuyện của làng, của cộng đồng  gắn với hành trình “khai mở”, mà có không ít câu chuyện qua lời kể của ông chất chứa dấu ấn của các chiến sĩ biên phòng. Là khi, ông nhìn thấy lợi ích thực sự từ cánh đồng lúa nước mang lại. Cái ăn không còn tính từng ngày, nỗi ám ảnh về mùa giáp hạt cũng dần trôi theo dòng nước lũ, chìm vào quá khứ xa xưa của đồng bào. “Hồi đó nghèo khổ. Cơm ăn còn lo thiếu đói, lấy đâu ra tiền dựng nhà, làm cửa đẹp như bây giờ. Mà ngày trước, trong số hàng chục ngôi nhà của người dân trong làng này, có nhiều ngôi nhà cũng nhờ chính tay các chú bộ đội dựng giúp. Bởi thế, đồng bào trên này coi bộ đội như con em trong nhà, quý lắm” - già Đúch bộc bạch.

Chiến sĩ biên phòng giúp người dân vùng cao làm ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chiến sĩ biên phòng giúp người dân vùng cao làm ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chủ tịch UBND xã A Nông - ông Yđêl Bốn nói rằng, ở vùng biên giới vốn còn nhiều khó khăn như A Nông, vai trò của cán bộ, chiến sĩ BĐBP hết sức quan trọng. Từ công tác nội biên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng khu vực biên giới, giúp nhân dân biết cách làm ruộng lúa nước, vận động con em đồng bào học chữ, nâng cao dân trí,… cho đến cùng người dân dựng nhà, dựng cửa, chung tay xây dựng nông thôn mới, đều có sự góp sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Đó là chưa kể đến nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế của các “chiến sĩ quân hàm xanh” được đồng bào áp dụng hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. “Nhiều hộ dân tại địa phương, cũng nhận được sự đỡ đầu của BĐBP trong phát triển kinh tế - xã hội, thông qua mô hình kết nghĩa nông thôn mới. Từ sự liên kết chặt chẽ giữa quân và dân, bây giờ nhiều làng bản vùng cao cũng đã tích cực cùng BĐBP tham gia bảo vệ cột mốc chủ quyền, xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ biên giới và đảm bảo an toàn an ninh trật tự khu vực này” - ông Bốn nói.

2. Thượng tá Dương Đệ Châu - Chính trị viên Đồn biên phòng Ga Ry (Tây Giang) nói rằng, không phải sau chương trình đăng ký “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được phát động, đồng bào Cơ Tu tại các xã biên giới Ga Ry và Ch’Ơm mới vào cuộc, mà sự “cộng hưởng” đã có từ rất lâu. Minh chứng, bên cạnh tình hình an ninh tại các làng bản khu vực biên giới luôn đảm bảo và giữ vững, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao, tiến bộ hơn trước. Như thôn Ch’nốc (xã Ch’Ơm), sau gần một năm triển khai đăng ký cùng lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ tự quản đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, đã đẩy lùi được tình trạng vi phạm trong khai thác lâm - khoáng sản, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự tại khu vực biên giới. Hơn 4,5km đường biên giới, từ cột mốc 692 đến cột mốc 695 được 26 hộ đồng bào Cơ Tu ở thôn Ch’nốc nhận tham gia tự quản, nay cũng đang dần đi vào nền nếp. Họ thường xuyên phối hợp với BĐBP trong công tác tuần tra, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ biên giới.

Ông Riah Nhênh - Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho hay, có không ít chương trình phối hợp giữa Đồn biên phòng Ga Ry đóng chân trên địa bàn với chính quyền địa phương đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Tại nhiều điểm thôn khó khăn như Glao, Atu,… bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, Đồn biên phòng Ga Ry còn cắt cử các chiến sĩ “cắm bản”, nhằm bám sát với cuộc sống của đồng bào, trực tiếp tham gia và hướng dẫn cách làm hay trong làm ăn kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, cùng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng giáp ranh. “Nhiều tập tục lạc hậu, lễ nghi cưới hỏi rườm rà nay cũng được đồng bào Cơ Tu bỏ dần, sau thời gian đến tận làng vận động, tuyên truyền của cán bộ chiến sĩ biên phòng. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Bây giờ, đau ốm, bệnh tật, sinh nở gì đồng bào cũng đã tự biết đến trạm y tế của xã để khám, điều trị, không còn quan niệm “con ma rừng” nữa. Cuộc sống của đồng bào vùng biên giới đã đổi thay rất nhiều, nhất là trong tư duy nhận thức” - ông Nhênh cho biết thêm.

“Hồi đó nghèo khổ. Cơm ăn còn lo thiếu đói, lấy đâu ra tiền dựng nhà, làm cửa đẹp như bây giờ. Mà ngày trước, trong số hàng chục ngôi nhà của người dân trong làng này, có nhiều ngôi nhà cũng nhờ chính tay các chú bộ đội dựng giúp. Bởi thế, đồng bào trên này coi bộ đội như con em trong nhà, quý lắm”.
(Cụ Arâl Đúch, ở làng Anoonh, xã A Nông, huyện Tây Giang)

3. Hàng chục năm đóng chân trên địa bàn biên giới, Đồn biên phòng A Xan được xem như “cánh chim đầu đàn”, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của miền núi Tây Giang và xã A Xan. Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào vùng biên đã dần đổi thay, đường sá thôi cách trở, những cuộc đi bộ vài ngày đường rừng chỉ còn ký ức. Chủ tịch UBND xã A Xan - Hồ Văn Nhia chia sẻ, góp phần vào thành quả chung đó phải kể đến những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng chân trên địa bàn. Không chỉ giúp dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những người lính biên phòng còn là “thầy thuốc”, là những “giáo viên cắm bản” của đồng bào vùng cao, thông qua các mô hình ý nghĩa và thiết thực, như: góc học tập, gia đình hành phúc, không sinh con thứ 3...

Rồi những cuộc hành quân sang tận các cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) giúp người dân sản xuất, khám chữa bệnh và phối hợp tuần tra bảo vệ cột mốc của các chiến sĩ Đồn biên phòng A Xan cũng khiến nhiều người cảm động. Thượng úy Phạm Trường Vân - y sĩ Trạm Quân dân y kết hợp xã A Xan kể, mỗi năm đơn vị tiếp nhận và thăm khám, cứu chữa cho hàng trăm trường hợp bệnh nhân từ nước bạn Lào. Trước những sự tận tình của các y - bác sĩ tại trạm, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi và không quên mang ơn các bác sĩ quân y ở vùng biên giới. Những nải chuối, vài cây mía, của khoai,… thỉnh thoảng được đồng bào mang tặng các cán bộ, y - bác sĩ của trạm, càng khiến tình cảm quân dân ở vùng cao thêm được thắt chặt. “Bà con vùng cao đều rất tin tưởng vào cán bộ, nhân viên của trạm và không còn nghĩ đến chuyện ốm đau là do con ma rừng bắt, sức khỏe của họ ngày càng được nâng cao hơn” - Thượng úy Phạm Trường Vân chia sẻ.

 ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC