Giảm sút chất lượng môi trường biển

TRẦN HỮU 02/03/2017 08:34

Vùng biển và bờ biển Quảng Nam đã, đang bị đe dọa trước những diễn biến ô nhiễm môi trường phức tạp, nơi gián tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ đất liền.

Sự cố dầu vón cục cùng vỏ chai có in nhãn mác nước ngoài trôi dạt vào bờ biển Núi Thành kéo dài hơn 5km hồi giữa tháng 2.2017, lại một lần nữa cho thấy vùng biển từ Hội An đến Núi Thành những năm qua dễ trở thành “vịnh” chứa rác thải, chất thải nguy hại. Thời điểm này, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - đơn vị ký hợp đồng với UBND huyện Núi Thành đã tổ chức, thu gom và xử lý hàng chục tấn dầu vón cục, rác thải ứ đọng dạt lên bờ biển. Theo ông Nguyễn Ngọ - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, đến nay doanh nghiệp đã chấm dứt thời gian thu gom dầu vón cục và rác thải.  Riêng 9 tấn rác thải gồm dầu và dầu vón cục, đơn vị xác định ban đầu là chất thải nguy hại nên đưa vào lò đốt xử lý tại bãi chứa rác xã Tam Xuân 2 (Núi Thành).

Công nhân môi trường xử lý hiện tượng dầu vón cục tại bãi biển Núi Thành. Ảnh: T.H
Công nhân môi trường xử lý hiện tượng dầu vón cục tại bãi biển Núi Thành. Ảnh: T.H

Còn 30m3 rác thải sinh hoạt thông thường sẽ đưa về xử lý theo quy trình, quy định đảm bảo môi trường. Việc dầu vón cục xuất hiện ở vùng biển, rồi dạt lên bãi biển rất thường xảy ra, nhưng với người dân địa phương thì đó là điều bất thường bởi thời điểm xảy ra sự cố. Thông thường, các năm trước khi mùa mưa lũ đến sẽ cuốn trôi các loại rác thải tại khu vực bờ biển Rạng (Núi Thành) đến vùng biển khác. Khi mùa lũ kết thúc, bãi Rạng là bãi biển sạch, nhưng năm nay rác vẫn dạt vào bãi biển huyện Núi Thành mà không bị cuốn đi. Bộ Tài nguyên - môi trường đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến sự cố khác thường trên.

Quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) mấy năm gần đây cho thấy, vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ nguồn đất liền nhất, là một trong những “điểm nóng” ô nhiễm trong cả nước. TS.Chu Mạnh Trinh, chuyên gia môi trường (công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cảnh báo,  phát triển ồ ạt các nhà máy công nghiệp, phong trào nuôi trồng thủy sản dọc sông Trường Giang, nuôi tôm lót bạt trên đất cát ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình tràn lan đã tàn phá ghê gớm môi trường nước biển. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi héc ta nuôi tôm thải ra môi trường hơn 3.000m3 nước thải/năm (tương đương tổng lượng thải toàn tỉnh mỗi năm là 6 triệu mét khối). Nuôi tôm lót bạt thời gian qua hầu như xả thẳng ra biển. Tại xã Tam Tiến (Núi Thành) vào thời điểm người nuôi tôm xả nước thải ra biển, thậm chí không ai dám tắm biển vì nguồn nước bốc mùi hôi.

Theo TS.Chu Mạnh Trinh, không khó để xác định nguồn nhiễm độc cho vùng biển nhờ tìm ra mối liên hệ giữa xả thải trực tiếp ra biển từ các hoạt động phát triển trên đất liền. Ở các bãi tắm Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ) và bãi Rạng (Núi Thành), các chỉ số quan trắc đều đảm bảo môi trường, ngoại trừ ô nhiễm dầu mỡ, sắt vượt giới hạn cho phép. Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, kim loại sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép. Các dự án động lực vùng đông đang triển khai chắc chắn sẽ khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm ven biển nên dự báo gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ môi trường biển.

Vùng biển Quảng Nam thời gian gầy đây ô nhiễm nặng do các sự cố tràn dầu. Vùng bờ biển có chiều dài 125km, đang có nhiều hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Phía nam của tỉnh có nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), phía bắc có kho xăng dầu Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), trên địa bàn tỉnh có nhiều cảng tàu chở hàng hóa liên tục ra vào nên nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu rất cao, đe dọa ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch. Nước biển của một số khu vực có biểu hiện bị axit hóa do độ pH trong nước tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật... Chính vì vậy, để đối phó với sự cố ô nhiễm môi trường, lực lượng chức năng của tỉnh và cảng Chu Lai - Trường Hải phải xây dựng kế hoạch, kịch bản và diễn tập sự cố tràn dầu hàng năm.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU