Bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ ven biển

TRẦN NGUYỄN 02/03/2017 08:31

Cùng với việc triển khai một số dự án trọng điểm vùng đông nam, ngành lâm nghiệp cũng đang phấn đấu phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng dặm những nơi nghèo nàn hệ sinh thái.

CHỈ tính riêng khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An đã có đến 34 dự án đầu tư phát triển du lịch. Để cho ra đời các tòa nhà, resort cao tầng, đồng nghĩa với việc phải đánh đổi rừng phòng hộ. Mấy năm nay, bãi biển Cửa Đại liên tục bị xói lở, bất chấp các giải pháp kè mềm, kè cứng của chính quyền địa phương. Các phường Cửa Đại, Cẩm An... cố giữ từng gốc thông thưa thớt trước họng gió nhưng vẫn “chào thua” trước nhân tai và thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An nhìn nhận, vì cơ sở quản lý lỏng lẻo nên nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị biến mất và trước đây có tình trạng chuyển sang mục đích sử dụng là rừng sản xuất. Để “chữa cháy”, chính quyền TP.Hội An bất đắc dĩ phải nghĩ ra phương cách chưa từng có trong tiền lệ là mua lại các diện tích rừng sản xuất trong dân để triển khai trồng và phục hồi diện tích rừng phòng hộ bị xóa sổ. Trong khi đồng vốn ngân sách eo hẹp không dễ gì thực hiện được mục tiêu trồng rừng khép kín. Điển hình như ở phường Cửa Đại - nơi bức thiết nhất phải đầu tư “bức tường xanh” ven biển, thì nhiều năm mới có 1 tỷ đồng trồng mới rừng phòng hộ.  Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng cho rằng, trước tình trạng người dân tự ý chặt phá rừng ven biển, rừng phòng hộ thu hẹp dần do tác động du lịch, chính quyền sẽ chú trọng tuyên truyền, thực hiện các quy ước cộng đồng bảo vệ rừng, đồng thời ra chỉ thị giữ rừng nghiêm ngặt. Theo đó, chỉ đạo chủ tịch các xã, phường, các cơ quan ban ngành lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, mặt khác thống kê rà soát toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm trái phép để xử lý theo thẩm quyền.

Còn tại vùng ven biển phía nam của tỉnh, rừng phòng hộ ven biển biến mất từ ngày rộ lên phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt. Theo chính quyền xã Tam Tiến (Núi Thành), ngoài 102ha rừng dự án PACSA phủ xanh trên đất trống đồi trọc của xã ở phía tây đường Thanh niên ven biển, địa phương không có diện tích đất nào được quy hoạch cho rừng phòng hộ. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đang quản lý 1.110ha đất của xã. Thiếu đất để phát triển rừng phòng hộ tập trung là tình trạng chung của các địa phương ven biển đang vấp phải. Hơn 10 năm qua, các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ chỉ mới trồng lại hơn 1.000ha (bình quân hơn 100ha/năm). Theo quan sát, vùng ven biển qua các xã Tam Phú, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), các xã Bình Nam, Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình), các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) đã triển khai trồng mới, trồng dặm cây keo lá tràm bên rừng trồng dự án PACSA do Chính phủ Nhật tài trợ trước đây. Tuy nhiên, cây trồng phát triển chậm, thậm chí bị trâu bò thả rông tàn phá.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, UBND tỉnh vừa giao nhiệm vụ cho ngành chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các địa phương khảo sát, triển khai việc trồng rừng chắn gió, chắn cát bay, chống sa mạc hóa trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở vùng ven biển, nhất là ở xung quanh các khu vực có khu dân cư hoặc quy hoạch khu dân cư tập trung, xung quanh những khu vực quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, dọc theo hai bên tuyến đường ven biển (tuyến đường cứu hộ, cứu nạn từ Núi Thành đến cầu Cửa Đại, Hội An). Vấn đề là ngành đang lựa chọn loại cây trồng phù hợp, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt. “Ngành nông nghiệp sẽ kiên quyết bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện còn; thường xuyên giám sát và yêu cầu các địa phương không triển khai quy hoạch, xây dựng các công trình, các hoạt động phi lâm nghiệp trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, nhất là quy hoạch rừng phòng hộ thuộc địa bàn quản lý” - ông Hưng nói.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN