Làm mới sản phẩm du lịch Hội An: Cần thiết, nhưng phải phù hợp

VĨNH LỘC 01/03/2017 09:46

Dù lượng khách tham quan vẫn tăng nhưng những cảnh báo gần đây cho thấy du lịch Hội An đang có nguy cơ chững lại. Có nhiều nguyên nhân như môi trường du lịch xuống cấp; sự cạnh tranh với các trung tâm du lịch lân cận ngày càng khốc liệt…; thêm một điều không thể phủ nhận là những sản phẩm du lịch Hội An đã quá cũ, đến lúc cần làm mới để hấp dẫn trong mắt du khách.

Chơi bài chòi, một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc ở Hội An. Ảnh: S.A
Chơi bài chòi, một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc ở Hội An. Ảnh: S.A

Không để nhàm chán

Theo thống kê, năm 2016 lượng khách tham quan Hội An tiếp tục tăng cao, đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng gần 18% so với năm 2015, nhiều sản phẩm du lịch vẫn giữ được thương hiệu như “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ và dành cho người đi bộ”, “Phố đêm”, “Sông xưa thuyền cổ”, hay các sản phẩm du lịch sinh thái, làng nghề; khám phá biển đảo... vẫn hấp dẫn du khách tham gia. Thậm chí, một số sản phẩm nghệ thuật cổ truyền như múa rối nước; khám phá rừng dừa nước Cẩm Thanh; trải nghiệm Cù Lao Chàm... không những thu hút khách và còn có tốc độ tăng trưởng cao. Riêng tại phố cổ, doanh thu từ bán vé tham quan năm 2016 đã vượt con số 172,5 tỷ đồng, bỏ xa nguồn thu từ khai thác yến sào - nguồn thu chủ yếu của Hội An trong nhiều năm qua.

Tuy vậy, thời gian qua nhiều sản phẩm du lịch Hội An, nhất là khu vực phố cổ và các làng nghề đã trở nên cũ kỹ cần được bổ sung, đổi mới. Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi một số sản phẩm du lịch tại phố cổ để nâng thương hiệu di sản lên tốt hơn. “Dù phố cổ Hội An khá đặc thù, nhưng vẫn có nhiều vấn đề hạn chế, từ áp lực khách quá đông đến các sản phẩm dịch vụ đã trở nên nhàm chán… Nên ngoài việc phát triển không gian du lịch ra bên ngoài phố cổ, các sản phẩm dịch vụ nơi đây cũng cần luôn được làm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của khách, nhất là những người yêu mến Hội An muốn quay lại nhiều lần” - ông Lực nhìn nhận.

Theo ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An, đổi mới các hoạt động, sản phẩm du lịch luôn là chủ trương xuyên suốt của thành phố nhằm tạo sự đa dạng cũng như tránh nhàm chán cho khách. Tuy vậy, việc đổi mới ngoài chủ trương của Nhà nước thì từng doanh nghiệp cũng phải góp sức tạo ra sản phẩm để cùng hưởng lợi và góp phần mang đến sự hấp dẫn chung cho Hội An.  Ông Trần Ánh nói: “Phải đổi mới, kể cả sản phẩm “Đêm phố cổ” cũng phải đổi mới nội dung và hình thức chứ không thể mãi như vậy được. Tất nhiên, việc thay đổi không vượt quá đặc trưng văn hóa của Hội An. Đơn cử, hoạt động nghệ thuật hô hát bài chòi cũng phải đổi mới về nội dung hô hát, như biên soạn lại câu chữ bài hát, thậm chí cũng phải xây dựng quỹ lời hát bài chòi phong phú hơn. Riêng với các địa phương, hiện nay nơi nào chưa tổ chức được hoạt động mang tính đặc trưng thì thành phố đều đề nghị các đồng chí lãnh đạo ở đó phải suy nghĩ để tạo ra các sản phẩm mang nét riêng của địa phương mình, kể cả những địa phương đã có sản phẩm rồi cũng phải phát triển thêm các sản phẩm cho phong phú, đa dạng hơn”.      

Thay đổi từ từ

Việc làm mới sản phẩm du lịch, dịch vụ là cần thiết, nhằm không chỉ tạo sự hấp dẫn hơn mà còn giúp bổ sung đa dạng sản phẩm du lịch cho khách lựa chọn. Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, việc đổi mới phải có chọn lọc và phù hợp với đặc thù Hội An cũng như khu vực phố cổ. “Chuyển đổi nhưng phải từ từ chứ không thể làm ào ào được. Bình cũ nhưng rượu phải mới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hiện nay lượng khách quay lại Hội An không phải cao nên đôi khi cũ mình nhưng mới người. Tất nhiên, thời gian qua chúng tôi cũng đã và đang làm mới thông qua các hoạt động giao lưu tiếp biến có chọn lọc, vì bản thân Hội An từ xưa đến nay luôn là một thành phố mở, thành phố của giao lưu với các giá trị văn hóa rất rõ mà ngày nay vẫn còn hiện diện như Pháp, Nhật, Trung Quốc” - ông Phùng nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, phố cổ Hội An là một Di sản văn hóa thế giới nên sản phẩm du lịch Hội An là những sản phẩm truyền thống, mà đã truyền thống thì không thể thay đổi ngay được. Như đối với “Đêm phố cổ”, vì nó tái hiện không gian đầu thế kỷ, nên chỉ những nội dung mang tính chất mở chúng ta mới tiếp biến, làm mới cho phù hợp. Một số sản phẩm du lịch như phố đi bộ thì chắc chắn chúng ta phải thay đổi vì hiện nay không gian đã quá hẹp nên cần mở rộng. Từ đường Lê Lợi trở xuống thì quá buồn, còn khu vực ngược lại thì quá tải, nên phải tính các hoạt động về phía đông của khu phố cổ kết hợp với việc mở rộng phố đi bộ để đảm bảo sự cân bằng” - ông Sơn diễn giải.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay một số khu vực vẫn chưa được phát huy đúng giá trị, điển hình như phố Phan Bội Châu là một quần thể kiến trúc Pháp rất đẹp nhưng hầu như chưa có hoạt động gì, dù vẫn là khu vực I, do đó cần phải được xem xét phát triển các sản phẩm phù hợp. “Sắp đến Hội An sẽ cùng với phía Đại sứ quán Pháp và Cơ quan văn hóa Pháp nghiên cứu tổ chức một số hoạt động tại phố Phan Bội Châu, biến nó trở thành nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật của châu Âu, trong đó nền tảng vẫn là văn hóa Pháp, như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… Hội An sẽ làm mới, nhưng làm phù hợp và tùy theo loại hình, những gì mang tính chất truyền thống sẽ không thể thay đổi” - ông Sơn nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC