Trả lời kiến nghị cử tri những vấn đề quan trọng
Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề nợ thuế của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (viết tắt: Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu) và Đề án quốc gia về bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT có văn bản trả lời cụ thể.
Cưỡng chế thuế, đóng cửa mỏ
Thời gian qua, trước tình trạng nợ thuế của Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, Cục thuế Quảng Nam đã thực hiện nhiều biện pháp như đôn đốc trả nợ, cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định để thu hồi nợ.
Về phía trung ương, Bộ Tài chính có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý thuế đối với hai công ty nêu trên. Sau đó, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có công văn gửi Cục Thuế tỉnh yêu cầu các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, Cục Thuế tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
Phát triển vùng dược liệu sâm Ngọc Linh nhằm bảo tồn nguồn gen quý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My.Trong ảnh: Trồng sâm ở Nam Trà My. Ảnh: V.LỘC |
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh thực hiện cưỡng chế đối với hai công ty như: trích tiền từ tài khoản công ty tại các tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng… Tổng cục thuế cũng đã có công văn yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu phải thực hiện nộp đầy đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp và ngân sách nhà nước thì quyết định cưỡng chế mới chấm dứt hiệu lực. Từ thời điểm giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty vàng Bồng Miêu hết hạn (ngày 5.3.2016), UBND tỉnh đã ban hành công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường yêu cầu công ty dừng hoạt động khai thác vàng; khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định và bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý vào cuối tháng 9.2016.
Đối với Công ty vàng Phước Sơn, Cục Thuế tỉnh ban hành công văn về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty vàng Phước Sơn. Theo đó, Sở KH-ĐT đã ban hành quyết định thu hồi vào tháng 7.2016. Trước quyết định này, Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Đà Nẵng phát thư bảo lãnh, cam kết nộp dần tiền thuế nợ cho Công ty vàng Phước Sơn. Cục Thuế tỉnh cũng ban hành quyết định về nộp dần tiền thuế, tiền chậm nộp thuế với thời gian nộp dần là 11 tháng (kể từ tháng 8.2016 - 6.2017), với số tiền nộp dần mỗi tháng xấp xỉ 30,45 tỷ đồng; đồng thời đề nghị tạm dừng cưỡng chế.
Đến nay, Công ty vàng Phước Sơn đã thực hiện nộp được 121,8 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và ngân sách nhà nước theo đúng quyết định ban hành.
Đồng ý triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh
Một trong những kiến nghị đáng chú ý của cử tri tỉnh là sớm xem xét Đề án quốc gia về bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng sâm Ngọc Linh (khoảng 2.000ha) và bảo tồn giống sâm Ngọc Linh gốc (khoảng 100ha) tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nhà nước cần có chương trình trọng điểm về phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nhằm giảm phá rừng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững cho huyện miền núi. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho hay, tháng 9.2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Cụ thể: đồng ý cho phép UBND tỉnh triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. UBND tỉnh lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc Đề án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào các nội dung thiết yếu không có khả năng xã hội hóa, gửi Bộ kế hoạch - đầu tư thẩm định theo quy định.
Về chương trình trọng điểm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và thu hút đầu tư, tháng 10.2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, loài sâm Ngọc Linh đã được đưa vào danh mục các loài dược liệu tập trung phát triển ở quy mô lớn và được ưu đãi đầu tư.
TÂY BÌNH (tổng hợp)