Thắm tình quân dân vùng biển
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) còn được xem là “điểm tựa” vững chắc giúp ngư dân vươn khơi bám biển, tô thắm tình quân dân ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”.
Tiếp sức cho ngư dân
Với nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển dài hơn 25km từ Cửa Lở (huyện Núi Thành) đến giáp Khe Cả (Quảng Ngãi), Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (CKCKH) luôn xác định phải dựa vào chính quyền và nhân dân để bám sát địa bàn, xây dựng phòng tuyến vững chắc. Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, Đồn Biên phòng CKCKH đã trở thành “điểm tựa” vững chắc, tiếp sức cho ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển, nhất là từ khi mô hình “tổ tàu thuyền đoàn kết” được hình thành và đi vào hoạt động.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà thông tin về chủ quyền vùng biển cho ngư dân trước ngày ra khơi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Búp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKCKH, tại địa phương hiện có khoảng hơn 200 tàu cá đánh bắt xa bờ. Do vậy, nhân dân giữ vai trò rất quan trọng, trở thành “tai mắt” cung cấp hàng nghìn thông tin cho lực lượng bộ đội biên phòng, giúp đơn vị làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh việc cấp phát các máy định vị, các tàu cá hoạt động trên biển còn được hỗ trợ máy thông tin, nhằm thường xuyên cung cấp thông tin về đăng ký tần số, cũng như kịp thời trao đổi mọi thông tin với các chiến sĩ biên phòng. “Đối với các ngư dân đi biển, mối quan tâm nhất chính là những thông tin về tình hình thời tiết trên biển. Do vậy, việc trang bị và đầu tư máy móc thông tin cho các tổ tàu thuyền là hết sức cần thiết. Ngoài ra, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình trên biển, cũng như sẵn sàng ứng cứu cho ngư dân khi gặp nạn, tại các trạm kiểm soát của đồn biên phòng luôn có cán bộ trực canh 24/24. Lực lượng này cũng làm nhiệm vụ thu nhận mọi thông tin từ tàu cá đang sản xuất trên biển, từ đó thông báo lại cho người thân của họ và tham mưu với cấp trên để hướng dẫn ngư dân xử lý nhanh gọn, chính xác tình huống trên biển” - Thượng tá Nguyễn Văn Búp cho biết thêm.
Với hơn 10 năm gắn bó nghề đi biển, trước mỗi lần chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày, anh Võ Công Thái - chủ tàu QNa1010, đều được các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng CKCKH và các ban ngành địa phương tới thăm hỏi, động viên, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến ngư trường mà tàu của anh sắp tới. “Không chỉ đơn thuần tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hay các quy định khi hành nghề trên biển, chủ quyền của vùng biển các nước trong khu vực… các chiến sĩ đồn biên phòng còn hướng dẫn cho ngư dân cách kết nối thông tin liên lạc, cách xử lý tình huống gặp nguy hiểm, cũng như cách phát hiện, đấu tranh ngăn cản tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi” - anh Thái chia sẻ.
Nồi cháo của biên phòng
Đến với Đồn Biên phòng CKCKH, chúng tôi còn được chứng kiến những việc làm mang nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ đối với bà con nhân dân tại địa phương, thông qua chương trình “bát cháo tình thương”. Cứ đều đặn vào trưa thứ Sáu hàng tuần, các chiến sĩ trẻ lại đến tận tiền sảnh của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để thực hiện chương trình thiện nguyện, mang những bát cháo để cấp phát cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Những bát cháo này do chính tay các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Đồn Biên phòng CKCKH trực tiếp nấu và mang tặng. Cầm bát cháo trên tay, cụ Nguyễn Hữu (80 tuổi, ở xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) cảm động nói: “Cháo của các chú bộ đội nấu rất ngon. Cảm ơn các chú đã quan tâm giúp bệnh nhân chúng tôi an tâm điều trị tại bệnh viện”. Còn bà Đinh Thị Hu (dân tộc H’rê, quê tỉnh Quảng Ngãi) thật thà bảo: “Nhà mình nghèo, lại ở miền núi của tỉnh khác đến chữa bệnh, chi phí tốn kém lắm. Có tô cháo của các chiến sĩ bộ đội biên phòng cũng đỡ phần nào cho chi phí của gia đình”.
Thượng tá Đình Đức Liên - Chính trị viên Đồn Biên phòng CKCKH cho hay, hầu hết bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Quảng Nam đều ở các xã miền núi của Núi Thành, hoặc có khi ở tận Quảng Ngãi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do vậy, chương trình “bát cháo tình thương” cũng nhằm sẻ chia với các bệnh nhân nghèo, giúp họ yên tâm điều trị bệnh, vững tin vào cuộc sống. Để có được những bát cháo thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng, đơn vị đã phân công từng cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến, tạo hương vị đậm đà, bổ dưỡng. Theo đó, nguồn kinh phí duy trì cho chương trình này được trích từ một phần lương của mỗi cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp. “Mỗi lần trực tiếp trao các bát cháo cho bà con, thấy niềm vui hiện hữu trên gương mặt của họ, anh em chiến sĩ chúng tôi cũng vui theo. Nhiều lúc, các chiến sĩ biên phòng còn đến tận phòng điều trị thăm hỏi và mang theo những bát cháo tình thương để trao tận tay các bệnh nhân không thể đến nhận được, khiến nhiều người cảm động” - Thượng tá Đình Đức Liên chia sẻ.
ALĂNG NGƯỚC