Cẩn trọng với cháy
Những ngày đầu năm 2017 đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy trên địa bàn tỉnh. Để ngăn ngừa, phòng chống cháy nổ, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhận thức của mỗi người.
HIỂM HỌA TỪ NHIỀU PHÍA
Cháy nổ sẽ vẫn luôn là hiểm họa ở khắp nơi, khi ý thức và cả kiến thức về phòng chống cháy nổ của người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Hiện trường sau vụ cháy tại nhà ông Phạm Nhường (số 68 Ngô Thì Nhậm, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) vào ngày 15.2.2017. Ảnh: T.Đ |
17 ngày, 5 vụ cháy
Ngay từ những ngày đầu năm 2017 đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất xảy ra vào chiều tối 2.2 ở Núi Thành, tại khu vực Nhà máy sản xuất xe buýt (ThacoBus) thuộc Công ty CP Ô tô Trường Hải. Nhờ có đến 30 phương tiện, trong đó 25 xe chuyên dụng chữa cháy, đám cháy nhanh chóng được dập tắt, nhưng nhà máy vẫn bị thiệt hại ước tính lên đến 250 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng loạt vụ cháy khác được ghi nhận từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mà nguyên nhân thì có rất nhiều. Chẳng hạn, chiều ngày 4.2, người dân thôn Nông Sơn 2 hoảng hốt khi thấy lửa khói bốc lên tại khu vực nhà anh Lê Ch. (thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, Điện Bàn), đến nơi thì thấy 2 chiếc xe máy kề nhau trước sân nhà anh Ch. đang bốc cháy dữ dội. Khi mọi người tìm cách dập lửa để tránh cháy lan thì anh Ch. hăm dọa không cho; lúc lực lượng chức năng vào cuộc, 2 chiếc xe máy chỉ còn là đống sắt đen sì. Nguyên nhân được xác định là anh Ch. mâu thuẫn với vợ, trong lúc nổi giận đem xe ra đốt.
Hay như vào lúc 5 giờ 30 phút sáng 15.2, người dân phát hiện khói bốc nghi ngút từ ngôi nhà cổ số 95 Nguyễn Thái Học (phường Minh An, Hội An) nên điện báo cơ quan chức năng, đồng thời tìm cách phá cửa để dập lửa. Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời nên đám cháy chỉ gây thiệt hại nhẹ. Cơ quan chức năng nhận định, khả năng nguyên nhân gây cháy là chập điện ở khu vực cắm tủ lạnh của quầy pha chế. Cũng trong ngày 15.2, vào khoảng 15 giờ, người dân sống ở khối phố Hương Trung (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) phát hiện khói bốc lên từ mái nhà của ông Phạm Nhường (số nhà 68 Ngô Thì Nhậm). Do chủ nhà đi vắng, khóa trái cửa nên người dân đã gọi điện báo cho cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PC66) Công an tỉnh điều động 3 xe chữa cháy đến dập lửa. Do phát hiện kịp thời, cùng sự hỗ trợ tích cực của người dân, khoảng 15 giờ 30 đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Theo nhận định của lực lượng chức năng, ngọn lửa bốc lên từ gian thờ sau đó cháy lan lên trần nhà. Rất may người dân điện báo kịp thời nên ngọn lửa nhanh chóng bị khống chế và dập tắt, hạn chế đáng kể thiệt hại cho chủ nhà. Chỉ 3 ngày sau đó, vào tối 18.2, tại thôn Phái Nhơn, xã Tam Hiệp, Núi Thành xảy ra vụ cháy quán kinh doanh ăn uống của chị V. T. T. Người dân địa phương đã thực hiện chữa cháy tại chỗ, tuy nhiên do quán có diện tích nhỏ lại làm bằng vật liệu tranh tre nên bị thiêu rụi hoàn toàn, rất may là không có thiệt hại về người. Ở Núi Thành, trong năm 2016 còn xảy ra nhiều vụ cháy tàu cá gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hệ thống điện không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến chập điện…
Vẫn nơm nớp lo
Liên tiếp trong nhiều năm, Núi Thành xảy ra tai nạn cháy tàu cá của ngư dân khi đang neo đậu tại các âu thuyền. Các vụ cháy này xảy ra thường gây hư hỏng toàn bộ tàu cùng ngư lưới cụ, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngư dân. Công an huyện Núi Thành cho hay, nguyên nhân gây ra hầu hết là vì hệ thống lưới điện và các thiết bị sử dụng điện công suất lớn lắp trên tàu dùng để đánh bắt được lắp đặt không đảm bảo an toàn. Hầu hết hệ thống điện, thiết bị này được các thợ nghiệp dư lắp đặt, thậm chí do chính chủ tàu tự thực hiện, hoàn toàn không đảm bảo về kỹ thuật, an toàn. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ còn có trữ lượng dầu lớn, nên khi sự cố cháy xảy ra, ngọn lửa bùng phát mạnh mà không có cách nào kiểm soát, dập tắt được lửa. Trung tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an huyện Núi Thành cho hay, để phòng ngừa, cán bộ của đơn vị đã xuống từng tàu cá tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện và ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, phát tài liệu về cách xử lý các sự cố cháy đơn giản để giúp ngư dân có thể ứng phó trong thực tế.
Cuối năm 2016, Công an tỉnh có buổi họp làm việc với chính quyền TP.Hội An nhằm đánh giá nguy cơ cháy và tìm kiếm những giải pháp trước thực trạng này. Lãnh đạo TP.Hội An bày tỏ lo ngại khi khu vực phố cổ tập trung khá đông đúc các quầy kinh doanh, đa số là hàng hóa dễ cháy. Trong khi đó, kiến trúc nhà cổ với phần lớn là gỗ rất dễ bắt lửa, nếu xảy ra cháy, không chỉ làm thiệt hại tài sản của người dân mà còn ảnh hướng tiêu cực đến di sản. Những gian nhà cổ thiếu vắng người trông coi vào ban đêm, khi các quầy hàng đều đóng cửa, sẽ là hiểm họa lớn nếu bùng phát cháy. Trên thực tế, nhiều vụ cháy xảy ra vì nguyên nhân khá đơn giản, như thắp hương trong nhà rồi đóng cửa đi vắng, hoặc chập cháy thiết bị điện. Chính quyền thành phố cũng đã có yêu cầu các gia đình tự trang bị bình chữa cháy, song nếu có cháy lớn, các bình chữa cháy này cũng không phát huy được tác dụng. Trong khi đó, hệ thống cấp nước chữa cháy của thành phố đã cũ, không còn đáp ứng tốt yêu cầu chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra trong khu vực có mật độ dân số rất đông như ở phố cổ.
Ngay cả PC66, đơn vị chuyên nghiệp trong công tác PCCC cũng gặp không ít khó khăn về trang thiết bị. Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng PC66 cho hay, các xe chuyên dụng của đơn vị vừa thiếu so với nhu cầu hoạt động của đơn vị, vừa yếu do đã sử dụng từ rất lâu, dù đơn vị đã tích cực bảo dưỡng định kỳ. “Trong các vụ cháy, cán bộ, chiến sĩ của phòng luôn sẵn sàng, thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả nỗ lực. Tuy nhiên, trang thiết bị chưa đảm bảo, xe chữa cháy ít, công nghệ lạc hậu đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng và chữa cháy. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển, áp lực về PCCC ngày càng lớn, về lâu dài, hệ thống phương tiện của đơn vị khó có thể đảm bảo tốt cho công tác chuyên môn, nhất là khi có cháy xảy ra” - Thượng tá Trần Công Tiết nói.
TẬP TRUNG PHÒNG CHÁY
Theo thống kê của UBND tỉnh tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị 47 của Ban Bí thư về phòng cháy chữa cháy (PCCC), từ 2010 đến năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 259 vụ cháy nổ. Trong các địa bàn trọng điểm, phố cổ Hội An và các khu công nghiệp là nơi có nguy cơ cháy nổ cao nhất. Ngoài ra, do đặc thù tập trung hàng hóa, vật dễ cháy, cũng đã có nhiều vụ cháy xảy ra ở các chợ trên địa bàn tỉnh, gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân.
Diễn tập PCCC do Phòng PC66 phối hợp với UBND TP.Tam Kỳ triển khai tại chợ Tam Kỳ. Ảnh: T.C |
Phòng cháy đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu nguy cơ, hạn chế thiệt hại do các vụ cháy gây ra. Một tháng trước dịp Tết Đinh Dậu, PC66 đã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và khu dân cư về an toàn PCCC. “Chúng tôi đã cho lực lượng kiểm tra 100% các chợ trung tâm về an toàn PCCC, đến các nhà máy, xí nghiệp quán triệt các biện pháp phòng cháy. Đồng thời tại các địa bàn trọng điểm, việc tuyên truyền PCCC được thực hiện đến từng nhà dân. Riêng tại khu vực phố cổ Hội An, cán bộ của phòng đã thực hiện kiểm tra, tuyên truyền cho hơn 200 hộ, sao in các tờ rơi khuyến cáo để người dân nắm rõ cách phòng cháy, đảm bảo an toàn PCCC” - Đại úy Lê Duy Thắng, cán bộ đơn vị PC66 cho hay.
Song song với tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan đơn vị chấp hành quy định về an toàn PCCC, công tác tập huấn nâng cao năng lực cũng được đặc biệt chú trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 1.868 đội PCCC tại chỗ, với gần 18.000 đội viên. Đây là lực lượng đắc lực cho công tác PCCC, đóng vai trò tiên quyết trong hạn chế xảy ra cháy, giảm thiệt hại khi có cháy. Đối với những nhân công làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ, PC66 tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ huấn luyện với số lượng ước tỉnh khoảng 3.500 người. Như sự cố cháy Nhà máy ThacoBus ở Núi Thành vừa qua, sự linh hoạt, cơ động của công nhân và đội PCCC tại chỗ của công ty đã góp phần rất lớn trong việc nhanh chóng khống chế đám cháy, giảm đáng kể thiệt hại.
Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo về an toàn PCCC, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thực sự chú trọng. “Nhận thức của người đứng đầu một số cơ quan, doanh nghiệp và bộ phận nhỏ người dân còn xem nhẹ việc bảo đảm an toàn PCCC, trong khi đó không ít trường hợp có ý thức nhưng lại thiếu kiến thức về PCCC, đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả phòng và chữa cháy trong thực tế. Thời gian đến, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống cháy nổ, nhưng trên hết vẫn là ý thức tự giác và sự cẩn trọng của người dân lẫn các đơn vị, doanh nghiệp” - Thiếu tá Trương Đức Thuận, Phó Trưởng phòng PC66 nói.
DOANH NGHIỆP ỨNG PHÓ
Đối với các doanh nghiệp (DN), công tác phòng cháy bao giờ cũng quan trọng hơn chữa cháy. Bởi phòng ngừa tốt sẽ giảm nguy cơ cháy nổ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản của DN và tính mạng của người lao động.
Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn công tác PCCC trong doanh nghiệp. Ảnh: KCN |
Ưu tiên phòng ngừa
Rất nhiều năm đi cùng các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh kiểm tra về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, chúng tôi đều thấy được sự cố gắng của DN trong đảm bảo an toàn cháy nổ. Phân tích cụ thể ở từng khía cạnh nhỏ của công tác phòng chống cháy nổ thì DN vẫn còn có sai sót, nhưng về tổng quan, mỗi DN đều cố gắng làm sao cho tốt nhất. Đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, lâm sản, khai thác khoáng sản có sử dụng thuốc nổ… Chẳng hạn như ở Công ty CP May Hòa Thọ Quảng Nam (Thăng Bình), vì có nhiều nguyên phụ liệu dễ bắt cháy và dễ cháy lan, cháy nhanh nên vấn đề cẩn trọng với “bà hỏa” luôn được DN ưu tiên hàng đầu. Ở nhà xưởng sản xuất của DN, bên trong lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường và trang bị bình chữa cháy xách tay bố trí phân tán trên các hạng mục công trình. Đối với những phần việc cụ thể, DN đã lập hồ sơ theo dõi quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy (PCCC); xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ. Đội PCCC cơ sở của DN được thành lập gồm 28 đội viên, đều đã được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC. Ở các hạng mục công trình, nội quy, quy định về PCCC được ban hành và dán công khai để tất cả người lao động đều có thể đọc được và thực hiện. Hệ thống chống sét đánh thẳng được lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn và được đo điện trở nối đất. Hệ thống PCCC đều hoạt động tốt và DN đã lưu giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và văn bản xác nhận hoạt động của hệ thống PCCC đảm bảo. Công ty cũng thường xuyên thực hiện tự kiểm tra an toàn về PCCC, đặc biệt kiểm tra hệ thống điện, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vệ sinh công nghiệp làm sạch bụi vải bám trên máy móc thiết bị; vận hành hệ thống chữa cháy để kiểm tra hoạt động của hệ thống.
Hiệu quả với “4 tại chỗ” Khi xảy ra sự cố cháy ở Nhà máy xe buýt, Công ty CP Ô tô Trường Hải đã nỗ lực triển khai chữa cháy, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau sự cố. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, trong sự cố đáng tiếc này, việc phát huy tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ - PV) đã giúp khắc phục hiệu quả, là bài học thiết thực cho các nhà máy, xí nghiệp khác trong toàn tỉnh. “Đầu tiên, tôi đánh giá cao công tác khắc phục sự cố cháy tại nhà máy ThacoBus ở Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải. Qua đó thấy rằng tinh thần “4 tại chỗ” trong PCCC là hết sức cần thiết. Nhờ tinh thần “4 tại chỗ” của Trường Hải đã giúp chữa cháy nhanh nhất trong khi sự cố xảy ra ngoài giờ làm việc, vào ban đêm. Ngay khi xảy ra cháy, những công nhân của công ty đã nỗ lực cứu nhà máy như cứu nhà mình, dù ngoài giờ nhưng vẫn làm việc bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất. Sự phối hợp chặt chẽ của công ty với các cơ quan chức năng trong chữa cháy đã giúp dập tắt đám cháy một cách nhanh nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh. |
Trong phòng chống cháy nổ ở các DN, ngoài việc đầu tư hệ thống PCCC bài bản, việc thường xuyên diễn tập, huấn luyện cũng có vai trò hết sức quan trọng nhằm trang bị khả năng ứng phó với sự cố xảy ra. Những năm gần đây, các DN như Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty TNHH Tuấn Đạt, Công ty CP Than - điện Nông Sơn, Công ty Điện lực Quảng Nam… luân phiên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, diễn tập PCCC. Các đợt huấn luyện, diễn tập đều được đầu tư kỹ càng về con người với những đội PCCC tại cơ sở, có lực lượng PCCC và đội xe chữa cháy chuyên nghiệp của Công an tỉnh. Nhờ vậy, những đội viên ở các đội PCCC cơ sở có thêm được kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó, xử lý tình huống cháy. Như ở Công ty Điện lực Quảng Nam, ngoài việc lập phương án phòng chống cháy nổ và được phê duyệt, công ty còn trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện PCCC tại các vị trí sản xuất theo phương án; thiết bị được tổ chức kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ hàng tháng, đảm bảo dụng cụ, phương tiện sẵn sàng hoạt động tốt khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Gặp khó và đối phó
Là đơn vị trực tiếp và thường xuyên phối hợp với công an trong việc đi thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, vẫn còn nhiều DN có sự lơ là, chủ quan trong đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ vì nhiều lý do. Theo ông Lê Huy Tứ, Trưởng phòng Lao động - việc làm Sở LĐ-TB&XH, có thể DN chưa đủ điều kiện để đầu tư bài bản, hoặc còn yếu tố chủ quan vì cho rằng sự việc chưa xảy ra thì không lo. Phổ biến nhất là công tác huấn luyện an toàn DN chưa tổ chức, kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn chưa đúng quy định, hệ thống phòng chống cháy nổ có đầu tư nhưng lâu ngày không vận hành nên để xảy ra hư hỏng mà không kiểm tra kịp thời.
Qua khảo sát ý kiến của một số chủ DN trên địa bàn tỉnh, những thách thức trong công tác phòng chống cháy nổ không hề nhỏ. Cả tỉnh hiện có hơn 5.300 DN đang hoạt động, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nên nguồn lực đầu tư cho hệ thống PCCC rất hạn chế. Một chủ DN nói rằng muốn trang bị đầy đủ hệ thống PCCC vách tường, họ phải đầu tư 300 - 500 triệu đồng, trong khi nguồn vốn sản xuất xoay vòng lo đầu tư, tái sản xuất, rồi lương công nhân, thuế và nhiều chi phí khác… nên họ không có khả năng trang bị. Vì thế, DN thường chỉ trang bị những phương tiện PCCC thô sơ như bình chữa cháy xách tay, cát, nước, xẻng, xô xách nước. Chủ DN này bộc bạch: “Nói thì ra chỗ không hay, nhưng đúng là đôi lúc làm cũng chỉ đối phó lực lượng kiểm tra thôi. Nếu có sự cố cháy xảy ra, phát hiện kịp thời còn có thể xử lý được, chứ đã cháy lan thì lo cho con người thoát nạn được là tốt lắm rồi, khó mong tự dập tắt”. Chủ một DN khác thì cho rằng, ngoài yếu tố chủ quan của con người, còn nhiều yếu tố khác khiến công tác phòng chống cháy nổ gặp khó khăn, như nguồn nước tại chỗ để chữa cháy nếu sự cố xảy ra rất hạn chế, nhất là vào mùa nắng hạn, trong khi mùa nắng cháy nổ dễ xảy ra và cháy lan rất nhanh. Và một điều chủ DN này quan tâm là giữa việc diễn tập và thực tế rất khác nhau, nên đôi khi diễn tập rồi đó, nhưng khi có sự cố không khắc phục được. “Đồng ý là diễn tập thường xuyên cho đội PCCC ở tại DN rất quan trọng, vì rèn được ý thức của người lao động, nâng cao cảnh giác và biết cách xử lý sự cố cháy. Nhưng nói thật là khi diễn tập, đốt lửa một đống thì ai mà không dập được. Đến lúc cháy thật, lửa phát ra trong nhà xưởng sản xuất, dù ở bất cứ vị trí nào, nếu phát hiện và dập ngay họa chăng còn được. Mà hầu hết là khi cháy lan mới phát hiện, đến lúc này thì cháy ở khắp nơi, vật liệu, nguyên liệu sản xuất dễ cháy sẽ cháy nhanh, lan rộng, DN có đội PCCC cơ sở cũng không thể chữa được. Nếu có lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngay tại chỗ thì may ra cứu kịp, còn đợi điều động từ xa đến thì đã cháy không còn gì nữa”.
Thực hiện chuyên đề: DIỄM LỆ - THÀNH CÔNG