Khi tác phẩm mỹ thuật "xuất ngoại"

BẢO ANH 26/02/2017 10:40

Thoát khỏi thực trạng buồn khi phải nằm âm thầm trong nhà kho, phòng vẽ, những năm gần đây nhiều tác phẩm tranh, tượng của các tác giả Quảng Nam được giới sưu tập mỹ thuật, các bảo tàng chuyên ngành trong và ngoài nước “rước” đi. Đó là niềm tự hào không chỉ của mỗi tác giả có tác phẩm được chọn mà còn là của cả giới mỹ thuật Quảng Nam. Thế nhưng, đằng sau đó vẫn có chút gì băn khoăn, tiếc nuối...

“Một nắng hai sương” - tranh sơn dầu của Trần Văn Binh.
“Một nắng hai sương” - tranh sơn dầu của Trần Văn Binh.

Tự hào

Cùng với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hội An đã và đang trở thành một trung tâm mua bán, trao đổi tác phẩm mỹ thuật khá sôi động. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc thành danh lẫn chưa có tên tuổi trong cả nước liên tục tìm đến Hội An mở phòng tranh hoặc gửi tác phẩm của mình cho các gallery tại đây để giao lưu, trưng bày, giới thiệu và bán. Chính những chuyển động “có tính thị trường” này đã tác động nhất định đến đời sống mỹ thuật địa phương. Một mặt, các nhà điêu khắc, họa sĩ Quảng Nam có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Cùng với đó, nhiều tác phẩm của họ cũng được các nhà sưu tập mỹ thuật để mắt tới hoặc chọn mua... Theo họa sĩ Trương Bách Tường - một trong những hội viên Hội VHNT Quảng Nam có gallery cá nhân - khi đến Hội An, nhiều du khách thường chọn mua các tác phẩm mỹ thuật “có giá trị lưu niệm” là chính. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực, kích cỡ lớn, được đầu tư công phu và có giá bán khá cao thì thỉnh thoảng mới có người mua, và đó thường là những người am hiểu về mỹ thuật. “Có thể nói chưa bao giờ những người yêu mỹ thuật “cảnh giác”, có hiểu biết và khả năng cảm nhận tinh tế như hiện nay. Do vậy, ai cũng cảm thấy vui và tự hào khi có tác phẩm (trừ tác phẩm “hàng chợ”) được mua bởi những người khó tính” - họa sĩ Trương Bách Tường nói thêm.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 5 năm trở lại đây, thông qua các cuộc triển lãm chuyên ngành, qua trưng bày tại các gallery và các cuộc tiếp xúc riêng lẻ, hàng chục tác phẩm tranh, tượng của anh em mỹ thuật tỉnh nhà được các nhà sưu tập, các bảo tàng nghệ thuật trong và ngoài nước chọn mua hoặc đưa đi trưng bày, triển lãm. Trong đó, nhiều nhất là tác phẩm của các họa sĩ Nguyễn Hữu Thấu, Hồng Vinh, Lê Lộc, Võ Như Diệu, Trương Bách Tường, Vĩnh Phong, Vũ Trọng Anh... Các nhà điêu khắc như Nguyễn Văn Hàm, Trần Đức, Nguyễn Văn Huy và các họa sĩ Trần Văn Binh, Lê Việt Thắng... cũng có nhiều tác phẩm được các bảo tàng chuyên ngành trong nước chọn mua. Gần đây, nhiều hội viên Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam còn được một số nhà sưu tập tranh và bảo tàng mỹ thuật trong nước “đeo bám”, “đặt hàng”. Một nhà điêu khắc trẻ, từng đoạt nhiều giải thưởng chuyên ngành, cho biết: “Thay vì chờ mình bày tác phẩm ở đâu đó rồi mới đến xem và mua như trước đây, bây giờ họ tìm thông tin và “ướm hàng” ngay khi tác phẩm còn chưa hoàn thiện”.

Và... tiếc nuối

Giống như suy nghĩ của họa sĩ Trương Bách Tường, hầu hết những họa sĩ, nhà điêu khắc có tác phẩm được các nhà sưu tập, các bảo tàng chuyên ngành chọn mua khi được hỏi đều cho biết là “cảm thấy vui, tự hào”. Họa sĩ Trần Văn Binh, người vừa “gả” 2 bức tranh sơn dầu khổ lớn cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hồi cuối năm ngoái, cho biết việc một bảo tàng chuyên ngành chọn mua tác phẩm của mình có thể xem là một “chứng nhận” về giá trị nghệ thuật. Mặt khác, khi về bên đó, tác phẩm chắc chắn sẽ được bảo quản tốt hơn trong môi trường chuyên nghiệp cũng như có nhiều người xem hơn. Anh bộc bạch thêm: “Chừng đó thôi là thấy vui rồi. Tuy nhiên, nhiều khi thấy... nhớ vì dù sao đó cũng là “đứa con” mình đứt ruột sinh ra”. Tương tự, nhà điêu khắc Trần Đức cho biết anh rất yên tâm khi tác phẩm của anh được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mua và trưng bày, vì đó là một không gian mỹ thuật thật sự và rất riêng. Tuy nhiên, anh tâm sự thêm: “Tất nhiên, nếu đó là một không gian của Quảng Nam, ở Quảng Nam thì thích hơn”.

Trước việc ngày càng có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc Quảng Nam có tác phẩm được các nhà sưu tập, bảo tàng trong và ngoài nước chọn mua, nhiều người trong giới mỹ thuật đã không tiếc lời khen ngợi. Tuy nhiên, trong một chuyến công tác vào Quảng Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - sau khi khen ngợi “chừng mực” đã đưa ra lời cảnh báo. Ông nói, đại ý: Nghệ thuật đích thực thì không có biên giới nhưng luôn có tính vùng miền và bản sắc riêng. Nếu không có chính sách để giữ lại các tác phẩm tốt của quê mình, đến một lúc nào đó sẽ thấy tiếc. Chẳng hạn muốn “tổng kết” một chặng đường mỹ thuật của địa phương nhân một sự kiện nào đó thì khi ấy biết tìm  đâu những tác phẩm tốt để bày ra?...

BẢO ANH

BẢO ANH