Chúc nhau "làm ăn tử tế"

PHÙNG TẤN ĐÔNG 25/02/2017 08:41

Làm thế nào để giữ phần hồn cho một đô thị, ngoài những “điểm nhấn” công trình xây dựng mang tính độc đáo, vượt trội về kết cấu, rồi nghệ thuật kiến trúc, nét đặc sắc của những công trình kiến trúc “chẳng nơi nào có được” hay bản thân những công trình kiến trúc ấy là những di sản vật thể đang từng giờ, từng ngày “kể” cho chúng ta câu chuyện kỳ thú về lịch sử đô thị khi chúng ta nhìn ngắm chúng?

Buôn bán ở chợ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Buôn bán ở chợ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Để trả lời cho câu hỏi này ắt hẳn mọi người nghĩ ngay đến văn hóa tinh thần của người dân đang sống trong đô thị  - đó là nền nếp ứng xử, cư xử giữa người với người trong sinh hoạt giao tiếp cộng đồng, những phong tục, lệ tục, lễ lệ, lễ hội… mà người bản địa có truyền thống thực hành văn hóa trong quá khứ và đặc biệt là trong hiện tại. Thực vậy, đúng như câu “người thanh cảnh lịch”, người Thăng Long - Hà Nội (còn được gọi: Tràng An, Đông Kinh, Kẻ Chợ) thường tự hào về nếp ứng xử thanh lịch đã thành truyền thống của người Kẻ Chợ với câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thế kỷ 19 - 20, người trong nước Việt đã xác lập một giá trị, một khuôn mẫu về văn hóa ăn, mặc bằng câu “ăn Bắc, mặc Kinh”. Chẳng phải diễn trình văn hóa Việt thường lan tỏa từ Bắc xuống Nam nên về ẩm thực người Việt luôn lấy đất tổ miền Bắc làm khuôn mẫu và khi Huế trở thành kinh đô thì bao nhiêu tinh hoa nhân tài, vật lực đều tập trung ở chốn kinh sư, nhất là nếp ăn, nếp mặc. Người chốn kinh sư hay Kẻ Chợ phần lớn mưu sinh phi nông nghiệp, vì vậy thị dân ngoài các nghề liên quan đến việc “quan”, việc hành chính (công chức, viên chức) thì phần còn lại chuyên về thương nghiệp, thợ thủ công, dân lao động chân tay. Câu “ăn Bắc mặc Kinh” có lẽ chẳng phải dành riêng cho giới “tinh hoa” mà cho cả giới bình dân, vì dù người bình dân không vươn đến mức sống ấy nhưng từ xa xưa họ vẫn hằng mơ ước như vậy.

Thời hiện tại, thị dân ngoài việc buôn bán hàng hóa còn là nhà cung cấp dịch vụ cho khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, tham dự các sự kiện văn hóa - xã hội tại địa phương. Cuộc sống đang “sang trọng” dần lên. Nếp ăn, nếp mặc đã ứng với câu “người thanh cảnh lịch”. Những đô thị du lịch miền Trung như Huế, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang… hàng hóa “không thứ gì không có”, rồi ẩm thực ba miền, ẩm thực quốc tế, “không thức gì không có” - ở một chừng mực nào đó làm chúng ta liên tưởng đến những ghi chép của học giả Lê Quý Đôn về Hội An trong Phủ biên tạp lục vào thế kỷ 18. Thị dân Hội An luôn tự hào với câu ca dao của người xứ Quảng như riêng tặng xứ mình: “Hội An phố chật người đông/ Nhơn tình thuần hậu, lá bông đủ màu”. Câu “nhơn tình thuần hậu” từng có nhiều bàn thảo về “nguyên lai” hết sức khác nhau, rằng nguyên cớ nào để thị dân tạo được một nếp ứng xử thuần hậu, ứng xử thảo thơm, tình nghĩa, ứng xử “có trước, có sau”, có đạo nghĩa như vậy. Câu trả lời thật khó, nhưng theo thiển ý của người viết thì có lẽ do thời các chúa Nguyễn khi khai mở cảng thị Hội An, việc điều hành  cư trú, buôn bán, trao đổi hàng hóa…, chính quyền đã có những chỉ thị, điều luật vừa “thoáng mở” vừa rất “nghiêm” với người trong nước, với cả khách thương ngoài nước đến buôn bán. Vào thời Quảng Nam cực thịnh, Lê Quý Đôn chẳng đã từng khen “Chợ không có hai giá”. Thị dân xứ Quảng từ thuở hình thành “phường, hội” buôn bán, sản xuất tiểu thủ công đã quen thực hiện luật buôn “tiền nào của nấy”, “lời ít, bán nhiều” (bán được lãi ít nhưng bán được nhiều); không “nói thách rách trời” để bán giá cao kiếm lời kiểu “ăn xổi ở thì” và những  cách buôn bán - biểu hiện của “thị trường hoang dã” như “nói một đàng, hàng một nẻo”, “niêm yết một đàng, sẵn sàng cắt cổ” hay cách phục vụ “chảnh chọe” như “bún mắng cháo chửi” mà công luận bất bình.

Khi nói “mặt trái của kinh tế thị trường”, nhiều người quên rằng, nói như thế là ta đã vội đổ oan cho “thị trường” những hệ quả xấu xa do hành xử của con người trong môi trường buôn bán tạo nên, chứ bản thân thị trường làm chi có “mặt trái” (theo quy luật giá trị). Người xưa, trong kinh doanh buôn bán, đầu năm mới chúc nhau “mua may bán đắt”, buôn bán có nhiều khách hàng, giữ gìn chữ tín (sự trung thực, thực chất, tin vào sự thực) - chữ tín hay uy tín thực sự là thương hiệu của chủ hàng, của người buôn hàng. Khi người xứ Đàng Trong có sự ưu đãi cho khách hàng “ruột” thì được xưng tụng là “chơi đẹp”. Người giữ chữ tín được coi là người hết sức tử tế, chu toàn, chu tất trong giao dịch, giao tiếp. Bạn hàng gần xa xưng tụng là người “làm ăn tử tế”.

Trong bối cảnh thị dân ở các đô thị du lịch than phiền về nạn chặt chém, nạn cò mồi, chèo kéo, buôn hàng giả, nạn hàng rong xe đẩy, mạnh ai nấy bán, thì càng thấy truyền thống ứng xử có văn hóa trong kinh doanh của người xưa đáng trân trọng biết bao!

Có người ví “văn hóa doanh nghiệp” hiện nay muốn thực sự “văn minh” thì phải áp dụng các tiêu chí của việc dịch thuật văn chương - đó là ba tiêu chí “tín, đạt, nhã”. “Tín” là sự trung thực - “tiền nào của nấy”, “đạt” là “chất lượng”  hàng hóa thỏa mãn nhu cầu người sử dụng và “nhã” vừa là mẫu mã “đẹp”, vừa có cung cách mua bán đẹp, tử tế, mỗi ngày mỗi có thêm nhiều bạn hàng thân thiết.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG