Nỗ lực làm "sạch" thị trường

NGUYỄN QUANG VIỆT 24/02/2017 09:20

Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, kể cả nguồn tin từ người dân, cũng như đầu tư trang thiết bị… là những giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Gian nan

Theo đánh giá của Sở Công thương - Thường trực Ban chỉ đạo 389, rất nhiều thủ đoạn tinh vi, gian xảo trong buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã diễn ra với quy mô, mức độ khác nhau trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017. Trong đó, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện, xử lý 46 vụ gian lận thương mại, chủ yếu tồn dư kháng sinh trong thịt gia cầm, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, kinh doanh thuốc thú y trái phép, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, kinh doanh giống lúa không phù hợp quy chuẩn. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, các hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Cụ thể, rất nhiều trường hợp bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ chỉ xử phạt hành chính là 33 triệu đồng. Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư thủy sản không đúng quy định chỉ xử phạt gần 75 triệu đồng. “Số tiền xử phạt quá ít, chưa đủ sức răn đe. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động sau xử phạt vì thu lãi quá lớn nhưng trá hình, ít khi bị phát hiện mà xử phạt nhỏ nên vẫn “vô tư” hoạt động. Mong UBND tỉnh có biện pháp mạnh hơn cũng như đề xuất Trung ương tăng mạnh xử phạt, nghiêm cấm hẳn các cơ sở kinh doanh trái phép nhiều lần” - ông Ngô Tấn nói.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh xử lý một vụ gian lận thương mại mới đây. Ảnh: N.Q.V
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh xử lý một vụ gian lận thương mại mới đây. Ảnh: N.Q.V

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, công tác kiểm tra chất lượng vàng và xăng dầu còn bất cập, các sai phạm trong năm 2016 lặp lại ở các năm trước đó. Cụ thể, khi đoàn công tác nghi vấn chất lượng vàng không đảm bảo, muốn kiểm tra thì phải mua mẫu rồi trực tiếp đem mẫu vàng đó đến Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh phân tích chứ không thể gửi gián tiếp qua đường bưu điện. Phải mất nhiều thời gian, công sức thì mới nhận được kết quả mà kết quả đó đúng đến đâu thì… không chắc chắn. Thực tế trên lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đã xuất hiện nhiều “chiêu trò” như rút ruột xăng thật, sau đó pha thêm các hợp chất như methanol, acetone…

Khẩn trương hơn

“Các lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển cần hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ các nguy biến trong kinh doanh. Các lực lượng phụ trách giao thông đường sông, đường biển, đường sắt, đường bộ cũng cần tinh mắt hơn với các hoạt động vận chuyển hàng trái phép, khống chế trong trứng nước chứ không để tràn lan trên thị trường rồi mới truy quét, kiểm soát. Các hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cần hành động nhiệt huyết chứ không hô hào, nhất là không chấp nhận bao che, tiếp tay”.
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn)

Bà Nguyễn Thị Sương Thu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, thực tế cho thấy tâm lý người dân vẫn chuộng dự trữ vàng hơn là gửi tiền mặt đến ngân hàng. Trong khi đó, thị trường vàng bạc, trang sức trên địa bàn tỉnh chằng chịt, rất khó kiểm soát “ra đầu ra đũa” chất lượng. Khi các chỉ tiêu trong vàng giảm xuống thì người tiêu dùng bị thiệt. Bởi vậy, với cách mua mẫu, trực tiếp đem đi kiểm tra ở các thành phố lớn để biết chất lượng là rất bị động, tốn kém và thiếu chuyên nghiệp. Vì thế, UBND tỉnh nên trang bị máy test vàng để việc kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường vàng được thông suốt hơn. Về điều này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đồng ý chủ trương. Sở KH&CN lập báo cáo, dự toán kinh phí trình UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính thẩm định. Việc này rất cần kíp, không thể chậm trễ được nữa.

Trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra 2.300 vụ, xử lý 1.654 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 3,7 tỷ đồng, bán hàng tịch thu được hơn 1,5 tỷ đồng. Các xử phạt thuộc các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa mang tính bạo lực, vi phạm về niêm yết giá và bán hàng không theo giá chuẩn… Ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho rằng, kinh phí để lực lượng giám định hàng hóa, tiêu hủy hàng hóa, tạm giữ, bảo quản hàng hóa còn thiếu. Nghiệp vụ, trình độ, số lượng lực lượng quản lý thị trường cần đảm bảo hơn. Trong khi đó các cung đường vận chuyển hàng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp hơn, ví như vận chuyển qua đường Hồ Chí Minh chứ không đi qua quốc lộ. Vì thế, ông Sơn đề nghị UBND tỉnh cấp thêm kinh phí hoạt động cũng như tạo điều kiện để ngành mở thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý thị trường cho toàn lực lượng của ngành cũng như kiện toàn cơ sở vật chất cho các đội quản lý thị trường trực thuộc hoạt động suôn sẻ hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, để ứng phó với các diễn biến ngày càng tinh vi của các đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng trái phép, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 phải phối hợp chặt chẽ hơn, gắn bó, sát với “tai mắt” của quần chúng hơn để chấn chỉnh, làm cho thị trường trong sạch hơn. UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương kiện toàn lại cơ sở vật chất cũng như mở lớp bồi dưỡng thêm nghiệp vụ cho các lực lượng quản lý thị trường.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT