Ngọn đèn dầu trước khi lụi bấc
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, do sơ ý vấp ngã mà mẹ tôi bị gãy chân, phải ngồi xe lăn dạo quanh vuông sân nhỏ nhìn ngắm trời xa đất gần. Thương mẹ, cuối tuần tôi chạy xe máy về quê để chuyện trò với mẹ. Khi ngày gần tàn, tôi mới quay trở lại nơi phố thị. Cái làng Lâm Bình yêu dấu của tôi cách thành phố Tam Kỳ chưa đầy hai mươi cây số, đường sá lại được thảm nhựa phẳng phiu, việc đi đi về về, với tôi cũng chẳng có gì nhiêu khê vất vả. Chỉ hơn ba mươi phút là tới nơi. Được ngồi ngoáy trầu cho mẹ và chơi với bé Lỳ - con gái út của cậu em tôi, mọi hỉ nộ ái ố… trong tôi tan biến hết. Thanh thản và hạnh phúc biết bao!
Lần nào cũng vậy, mẹ cứ kể cho tôi nghe về vợ chồng cậu em tôi chăm sóc mẹ ân cần chu đáo, về bé Lỳ mới vài ba tuổi đầu mà đã biết rót nước, cầm sợi dây buộc bên cửa sổ đưa cho nội nắm phăng ngồi dậy. Hết chuyện nhà, mẹ chuyển qua hỏi về hai đứa con tôi - Trang Tử và Du Tử, học hành thế nào, bao giờ tốt nghiệp ra trường? Quanh đi quẩn lại vẫn ngần ấy câu hỏi khiến tôi thuộc lòng. Có lần, không đợi mẹ hỏi, tôi nói luôn một lèo. Mẹ nheo mắt ngạc nhiên: “Ủa, răng con đoán biết được ý mẹ mà trả lời y chang…”. Tôi thưa: “Thì bao giờ mẹ cũng hỏi bấy nhiêu chuyện mà thôi!”. Mẹ cười. Qua tuổi 85, ngoài những câu hỏi như thường lệ, mẹ còn hỏi về công việc viết lách của tôi. Từ hồi nào tới giờ, mẹ đâu có quan tâm chuyện đó? Quá ngỡ ngàng, tôi hỏi: “Răng mẹ biết con vẫn còn âm thầm lặng lẽ viết văn?”. Mẹ cười: “Răng mẹ lại không biết? Con viết văn đăng báo, ở quê không người này cũng có kẻ nọ đọc được. Đến nhà thăm chơi, họ nói với mẹ tất cả…”. Thì ra là thế!
Mẹ không nói gì về văn vẻ của tôi, chỉ bảo: “Ở quê cũng có lắm chuyện hay, nhất là chuyện ngày xưa, con thích nghe mẹ sẽ kể cho nghe”. Cầm tay mẹ, tôi gật đầu. Mùa đông 2015. Dẫu trời nắng hay mưa, cuối tuần tôi lại chạy xe máy về quê để được nghe mẹ kể về cái làng Lâm Bình trước và sau Cách mạng 8.1945. Nào chuyện ông Ba Nhạn ở xóm Hố Đỉa, to khỏe, có sức mạnh phi thường, đánh tan tác các băng nhóm đào ngạch có lắm tên võ nghệ cao cường. Nào chuyện bà Dơn sống biệt lập nơi hóc nhỏ bên kia đập Hố Quờn chết hết cả nhà vì căn bệnh lạ… Qua tuổi 85, mẹ ngược dòng thời gian dắt tôi về quê ngoại - làng Tiên Giang Thượng, nơi mẹ được sinh ra và lớn lên. Ỏ đó có xóm Chồi tụ hội những người ăn mày nhưng thực ra không phải ăn mày. Ở đó có những “vườn khách” gắn với bao đời “các chú” lạc xứ đến sinh cơ lạc nghiệp tự khi nào chẳng ai biết rõ. Ở đó có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng, chảy ngược từ đông sang tây, có núi Đầu Voi - cội nguồn của những cuộc vây hội ngày xuân, kéo dài cả tiết giêng hai để gái trai trong làng trong tổng trổ tài hát hò khoan đối đáp với nhau…
Những câu chuyện mẹ kể về làng Lâm Bình và làng Tiên Giang Thượng khiến tôi sững sờ. Nó đầy ắp tình người tình đời, thấm đẫm tính nhân văn. Mỗi câu chuyện là một truyện ngắn hay với những tình tiết gay cấn ly kỳ. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi cầm bút. Từ những chuyện kể của mẹ, tôi viết được hơn cả chục truyện ngắn: Vườn khách, Hậu duệ xóm Chồi, Sau lớp khói sương, Kỳ nhân của làng… Gom lại được một tập truyện ngắn dày dặn, tôi dự định xuất bản để làm quà tặng mẹ. Nào ngờ mẹ lại lặng lẽ theo về với ông bà tổ tiên. Miên man suy nghĩ, tôi mới nhận ra, trước khi theo ba về cõi Vĩnh Hằng, mẹ đã cho tôi một món quà vô giá: Đó là những trang văn viết về nơi cắt rốn chôn nhau! Tôi đâu có hay biết rằng, mẹ đã cố nhớ lại tất cả để kể cho tôi nghe suốt một mùa đông. Như ngọn đèn dầu trước khi tàn lụi bấc, mẹ đã vắt hết tâm sức của mình để cho tôi những câu chuyện kể về quê kiểng…
N.T.MỸ