Lương y của người nghèo

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG 22/02/2017 09:14

Dù bị nhiễm chất độc da cam nhưng lương y Phan Mai Huy (SN 1984, trú thôn 3, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức) luôn phấn đấu vượt qua bệnh tật, trở thành một lương y giúp đỡ người nghèo.

Huy chăm sóc vườn thuốc nam để có điều kiện chữa trị bệnh cho người nghèo. Ảnh: DƯƠNG THẮNG
Huy chăm sóc vườn thuốc nam để có điều kiện chữa trị bệnh cho người nghèo. Ảnh: DƯƠNG THẮNG

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa vườn thuốc nam là một chàng trai có thân hình nhỏ bé, trong trang phục blouse trắng, giản dị. Đang phơi những nắm thuốc nam trong vườn, anh Huy cho biết cả ba mẹ anh đều tham gia chiến đấu từ năm 1959 đến 1981, khi trở về, hai người kết duyên với nhau rồi sinh ra anh. Thế nhưng, từ lúc sinh ra, anh lại không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, chất độc da cam khiến chân tay anh teo lại. Ba mẹ Huy đã đưa anh đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không hết, sau đó gia đình đưa anh đến Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để điều trị. “Lúc đó chân tay tôi bị teo nên từ việc ăn uống, đi lại đều phụ thuộc vào ba mẹ. Thấy ba mẹ khó khăn, vất vả vì mình tôi đau xót lắm. Từ đó tôi quyết tâm cố gắng luyện tập từng ngày với hy vọng một ngày nào đó mình có thể đi lại được, giảm được gánh lo cho gia đình” - Huy kể. Nhờ tập luyện chăm chỉ nên sau một thời gian ngắn, đôi chân của Huy có thể tự đi lại nhưng đôi tay vẫn yếu ớt.

Khi Huy học hết lớp 12, ba có ý định cho anh ở nhà để phụ giúp gia đình vì ông không muốn con phải bươn chải với đời khi mang trong mình nỗi đau da cam. Nhưng với ý chí và nghị lực muốn vượt lên số phận, Huy đã quyết tâm vào Tam Kỳ học cách làm thuốc đông y chữa bệnh của thầy Trần Văn Thu. Với 4 năm được đào tạo lành nghề cộng thêm được đào tạo kiến thức từ các khóa bồi dưỡng tại huyện, tỉnh về lĩnh vực đông y gia truyền, Huy trở về mở phòng khám tại nhà chữa bệnh và giúp đỡ người nghèo. “Vì bản thân mang bệnh tật nên mình rất hiểu sự khó khăn và khổ tâm của các gia đình có hoàn cảnh như mình. Mình muốn góp một phần nào đó giảm bớt nỗi lo cho họ, đồng thời giúp họ có thêm ý chí vượt lên số phận” - Huy chia sẻ. Từ suy nghĩ đó, Huy đã tìm hiểu những phương thuốc gần gũi nhất và cùng mẹ tự tay trồng cho mình một vườn thuốc nam để có thể giảm bớt chi phí chữa bệnh cho mọi người, đồng thời có thể duy trì kinh phí để chữa bệnh miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn.

Từ khi mở phòng khám đến nay, Huy đã điều trị khỏi bệnh cho rất nhiều người. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình (SN 1991, người cùng xã) bị liệt dây thần kinh số III, V, VII (méo miệng, xép mắt, uống nước trồi ra, mắt không nhìn rõ vật, nặng tai bên trái, tay trái bị liệt), sau khi được Huy châm cứu, bấm huyệt và dùng thuốc hai đợt đã giảm được khoảng 80% bệnh tật. Hay trường hợp của anh Huỳnh Thượng Sinh (SN 1993, trú huyện Bắc Trà My) bị tổn thương tủy sống do bị tai nạn lao động (không đi lại được, tiểu tiện khó khăn, mất khả năng sinh dục phải ngồi xe lăn), sau 3 tháng được anh Huy chữa trị miễn phí, bệnh nhân đã có lại khả năng sinh lý, lấy vợ sinh con bình thường. “Gia đình tôi khó khăn, tôi chỉ có thể lao động kiếm tiền sinh sống nhưng không may bị tai nạn lao động. Nhờ có anh Huy chữa miễn phí mà bệnh của tôi đã giảm. Tôi biết ơn anh Huy nhiều lắm” - anh Sinh tâm sự.

Theo ông Diệp Chí Hùng - Chủ tịch Hội Đông y huyện Hiệp Đức, Phan Mai Huy tuy bị nhiễm chất độc da cam nhưng luôn có ý chí vượt lên số phận, trở thành hội viên của Hội Đông y huyện Hiệp Đức và là một người có tâm, giúp đỡ người nghèo, đồng thời là người giúp phát triển cây dược liệu trên địa bàn. “Huy thường xuyên thăm khám và giúp đỡ cho những người bệnh nghèo, người có hoàn cảnh có khăn. Anh cũng thường xuyên phối hợp với Hội Đông y huyện thăm khám sức khỏe cho các bệnh nhân ở viện dưỡng lão, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh là thành viên tiêu biểu của hội đông y” - ông Hùng nhận xét.

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG