Vụ tàu Giang Hải bị cướp biển tấn công: Nhiều thủy thủ Việt Nam được giải cứu

QUỐC HƯNG 22/02/2017 08:32

Tính đến ngày 20.2, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) giải cứu  được 17 thủy thủ Việt Nam trên một tàu vận tải của Việt Nam bị tấn công.

Theo Reuters, số thủy thủ được giải cứu trong nhóm thủy thủ đoàn gồm 25 người trên tàu vận tải thuộc một công ty cổ phần vận tải biển quốc tế mang số hiệu MV Giang Hải bị cướp biển tấn công và bắt giữ vào ngày 19.2 vừa qua, khiến một thủy thủ thiệt mạng. Người phát ngôn của PCG, Armand Balilo cho biết, một cuộc điều tra về vụ tấn công nói trên đang được tiến hành, với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng quân đội, cảnh sát cùng với PCG. Hiện tàu Giang Hải đang neo bên ngoài cảng Sandakan của Malaysia và lực lượng chuyên trách Philippines lên tàu để tiến hành điều tra.

Lực lượng bảo vệ vùng biển của Nhật Bản và Philippines từng diễn tập chung đối phó với cướp biển tại Philippines. Ảnh: Reuters
Lực lượng bảo vệ vùng biển của Nhật Bản và Philippines từng diễn tập chung đối phó với cướp biển tại Philippines. Ảnh: Reuters

Tàu Giang Hải bị tấn công khi đang trên đường đến Philippines, chở 4.500 tấn xi măng khởi hành từ cảng Biringkassi của Indonesia. Ông Armand Balilo xác định vụ tấn công xảy ra gần đảo Baguan ở Tawi-Tawi, khu vực gần sào huyệt của nhóm phiến quân khét tiếng Abu Sayyaf, cách Pearl Bank của tỉnh cực nam Philippines chừng 31km. Nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị cho là thủ phạm thực hiện vụ tấn công trên. Đây là vụ cướp biển tấn công mới nhất tại khu vực thuộc Philippines.

Trong những năm gần đây, vùng biển giữa Malaysia và nam Philippines trở nên ngày càng nguy hiểm khi các nhóm Hồi giáo cực đoan Philippines có vũ trang thực hiện nhiều vụ tấn công, lên tàu bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc. Hiện nay, Abu Saayaf đã bắt cóc và giam giữ khoảng 27 thuyền viên bao gồm công dân các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Đức và Nhật Bản.

Hồi tháng 11.2016, một tàu của Việt Nam - Royal 16 khởi hành từ Quảng Ninh trên đường vận chuyển xi măng đến Philippines bị cướp biển tấn công ở vùng biển thuộc Philippines và bắt đi 6 thuyền viên. Khu vực tàu Royal 16 gặp nạn gần khu vực tàu Giang Hải bị tấn công. Trước đó vào năm 2016, 26 thủy thủ đã bị bắt trên con tàu đánh cá Đài Loan FV Naham 3, trong đó có 3 người Việt Nam và các thủy thủ quốc tịch Philippines, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và sau đó 3 thuyền viên Việt Nam trong số 26 thủy thủ châu Á được cướp biển Somalia trả tự do.

Các viên chức hàng hải cảnh báo tình trạng kiểu “cướp biển Somalia” đang nổi lên tại nhiều vùng biển nếu những vụ tấn công như thế này không được xử lý triệt để. Manila thường xuyên tố cáo lực lượng Hồi giáo cực đoan là tác giả các vụ tấn công thương thuyền, bắt cóc người ở vùng biển Sulu phía nam Philippines, giáp giới với phía đông Malaysia. Đây là vùng có nhóm Abu Sayyaf hoành hành. Tuy nhiên, ông Armand Balilo nói với hãng thông tấn Reuters, đặc biệt nguy hiểm là nhóm Abu Sayyaf có trang bị vũ khí đầy đủ, đi trên những chiếc tàu cao tốc với thiết bị định vị công nghệ cao là một vấn đề gây khó khăn cho quân đội Philippines trong việc giải quyết nạn cướp biển. Chính vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana cho biết Philippines có kế hoạch yêu cầu đồng minh lâu năm là Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung tại vùng biển phía nam. Mới đây, Philippines được Nhật Bản đề nghị trao cho các tàu tuần tra hiện đại để đối phó với cướp biển cũng ở khu vực phía nam Philippines. Theo thống kê, số vụ tấn công và bắt cóc thủy thủ tại khu vực giữa Malaysia và Philippines tăng vọt trong năm 2016 và Văn phòng hàng hải quốc tế khuyên các tàu buôn tránh vùng biển này và đi vòng qua ngả phía tây Borneo (Indonesia).

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG