Rời biển làm du lịch
Không còn chuyện nghỉ đi bạn thì uống rượu, hay phải sớm hôm len lỏi ở những khu chợ đầu mối để chạy được vài chục ký cá bán buôn, nay nhiều ngư dân đã có thêm một nghề tay trái: làm du lịch.
Tranh thủ tăng thêm thu nhập ở bờ biển của người dân tại thôn Hạ Thanh (Tam Thanh). Ảnh: L.Q |
Mưu sinh từ rừng dừa nước
Những chiếc thúng chai của người dân vùng Cẩm Thanh (Hội An), bây giờ không chỉ là phương tiện đánh bắt của riêng ngư dân vùng biển nữa. Nó được tận dụng để đưa khách vi vu dưới những tán dừa nước xanh bạt ngàn. Và có hàng chục hộ dân làm dịch vụ này. Những ngày tết vừa qua, khách du lịch tìm đến Cẩm Thanh để trải nghiệm dịch vụ này khá đông. Anh Lê Văn Phương (thôn Thanh Tam Đông, Cẩm Thanh) cùng người thân trong gia đình tất bật đem những chiếc áo phao, phao cứu sinh bỏ vào thúng, chuẩn bị đón đoàn khách đầu tiên trong ngày đi thúng chai khám phá rừng dừa Bảy Mẫu. Anh Phương kể, khách muốn đi thúng cũng tùy theo con nước, bởi đến mùa nước lên cao hơn 1m mới bơi thúng được, thường từ tháng 10 (dương lịch) đến tháng 6 năm sau. Không chỉ có đàn ông bỏ biển làm nghề chèo thúng mà nhiều phụ nữ ở đây cũng bắt chước theo nghề. Hầu hết họ chèo thúng thuê cho các công ty lữ hành để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Từ bến thuyền thôn Thanh Tam Đông, những chiếc thúng nối đuôi nhau chậm rãi lướt trên mặt nước, len lỏi vào những hàng dừa nước xanh ngắt. Du khách ngồi trên thúng, thả mình vào trời mây, sông nước. Họ thỏa thích chụp ảnh, trò chuyện rôm rả bên nhau, còn người chèo thúng cứ chậm rãi lắc mái chèo vào những ngóc ngách của rừng rừa. Mỗi du khách được đưa đội một chiếc nón lá trên đầu, cảm giác quay về với thiên nhiên, dân dã vùng sông nước. Anh Phương cho biết, rừng dừa Bảy Mẫu rất rộng nhưng có một con đường chính rộng hơn 3m, dài hơn 1km dẫn vào để bơi thúng. Có nhiều nhánh nhỏ cắt con đường chính, men theo những ngóc ngách ở rừng dừa. “Thường chúng tôi chở khách tham quan từ 30 phút đến một giờ. Khách có nhu cầu đi lâu hơn thì mình cũng chiều theo” - anh Phương kể.
Ông Lê Đình Bảy (thôn Thanh Tam Đông) cho biết, dịch vụ bơi thúng chở khách tham quan rừng dừa xuất hiện ở Cẩm Thanh cách đây vài năm. Hiện ở thôn Thanh Tam Đông và thôn Vạn Lăng có hơn 400 chiếc thúng được người dân sử dụng để làm dịch vụ. Nhu cầu của khách tăng, nhiều hộ dân đã bỏ hẳn nghề biển chuyển sang dịch vụ thuyền thúng. Theo ông Bảy, ở đây phụ nữ làm nghề bơi thúng cũng rất nhiều. Bình thường lượng khách đổ về đây khoảng 500 khách/ngày nhưng đến mùa cao điểm hơn 1.000 khách/ngày. “Mỗi lượt chở khách chúng tôi có thể kiếm được từ 50 đến 100 nghìn đồng, hoặc có người chèo thuê cho công ty du lịch lữ hành thì lãnh lương tháng. Công việc nhẹ nhàng mà có thu nhập hơn nghề biển” - ông Bảy nói.
Và chuyện làm du lịch chuyên nghiệp
Theo ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, việc người dân tự nghĩ cách để làm các dịch vụ phục vụ du khách rất đáng hoan nghênh. “Bơi thúng chở khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu là loại hình du lịch rất tiềm năng. Đây là một hình thức vui chơi trên sông nước mới lạ. Ở miền Tây cũng tham quan trên sông nước nhưng bằng ghe thuyền chứ không phải thúng. Còn ở đây ngoài việc du khách đi bằng thúng chai, còn có hoạt động tung chài đánh cá, câu cá, biểu diễn hò khoan đối đáp trên sông nước. Bơi thúng len lỏi trong rừng dừa, nghe kể chuyện lịch sử vùng đất nơi này, du khách sẽ rất thích thú” - ông Hai nói. Nhưng cũng theo ông, để không xảy ra tình trạng bát nháo, giành giật khách giữa các hãng lữ hành và chính người dân sở tại thì địa phương cần có những chế tài quản lý nhất định.
Cũng như vậy, gần đây, làng bích họa Trung Thanh (Tam Thanh, Tam Kỳ) trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tìm tới những vùng đất ở phía nam Quảng Nam. Một đường bờ biển hoang sơ với những dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng với đường sá thuận tiện… đã bắt đầu thu hút du khách. Tuy nhiên, cũng như tình trạng tại các địa phương ven biển khác, làng bích họa Trung Thanh vẫn đang làm theo kiểu du lịch tự phát, với các dịch vụ hàng quán, giữ xe do chính người dân tại đây hình thành. Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng VH-TT TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố đã có nhiều đề án để phát triển du lịch vùng biển, nhưng vẫn cần thời gian để hình thành nên ý thức làm ăn chuyên nghiệp, có hệ thống cho người dân vùng ven biển. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh sẽ là điểm nhấn để bắt đầu câu chuyện phát triển kinh tế dựa vào du lịch sinh thái. Đã có một số chương trình nghệ thuật cộng đồng, đào tạo nghề cho người dân nhằm thúc đẩy việc lưu trú khách tại các khu vực ven biển Tam Kỳ, nhưng để “chuyên môn hóa” nghề làm du lịch vẫn là câu chuyện còn khá dài với địa phương này.
Cải thiện sinh kế từ việc phát triển du lịch, đang là hướng đi phù hợp để người dân các vùng miền biết tận dụng ưu thế địa phương. Nhưng để đi đường dài, cần thêm rất nhiều yếu tố, ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Người dân cần được đào tạo bài bản để làm du lịch cộng đồng, từ người vùng biển hay thậm chí tại những ngôi làng du lịch đang bắt đầu tại các vùng miền. Đặc biệt, tại vùng có tiềm năng du lịch biển mạnh mẽ như Quảng Nam, thì phát triển du lịch biển chính là cơ hội cho người dân địa phương thúc đẩy kinh tế và cải thiện đời sống…
LÊ QUÂN - LÊ DUNG