Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học
Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” triển khai hai năm qua tại Tiên Phước đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng vận động tại nhà ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước. Ảnh: L.P.L.N |
Dù mưa hay nắng, định kỳ hàng tuần chị Ung Thị Nga (ở thôn 4, xã Tiên Lộc, Tiên Phước) đều đưa con đến Trạm Y tế xã để tập luyện phục hồi chức năng theo chương trình hỗ trợ của dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, giai đoạn 2014 - 2016 (Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng hỗ trợ). Con của chị Nga là bé Nguyễn Thị Diệu Hiền (sinh năm 2012), bị bại não bẩm sinh. Nhờ phát hiện, điều trị sớm và được sự hướng dẫn và hỗ trợ tập luyện thường xuyên của cán bộ y tế xã chuyên trách và cộng tác viên chương trình hỗ trợ người khuyết tật vận động xã Tiên Lộc nên tình trạng sức khỏe của bé Diệu Hiền tiến triển ngày càng tốt hơn. Chị Nga cho biết, sau vài tháng tập luyện với sự tư vấn và hỗ trợ của cán bộ y tế chuyên trách và cộng tác viên chương trình, con gái chị có thể đặt hai gót chân xuống đất để dìu đi được vài bước. Mỗi khi tập luyện phục hồi chức năng, bé Diệu Hiền rất thích, khi thấy người thân thì bé dỗi khóc, đòi được đứng dưới đất để tập đi. “Qua tập luyện, con gái cải thiện sức khỏe như thế chúng tôi rất mừng. Hoàn cảnh vợ chồng tôi rất khó khăn, tôi rất mong chương trình hỗ trợ thêm dụng cụ, xe đẩy chuyên dụng để tập luyện tại nhà cho cháu” - chị Nga nói.
Từ khi dự án triển khai cuối năm 2014 đến nay, Trạm Y tế xã Tiên Lộc điều trị phục hồi cho 43 bệnh nhân khuyết tật, gồm: khuyết tật vận động, rối loạn ngôn ngữ, dị dạng sinh dục, trẻ giảm thị lực… Qua hỗ trợ tập luyện tại cơ sở y tế và tại nhà, đã có nhiều trẻ em khuyết tật được cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Trong đó, có 4 trẻ em khuyết tật được đến trường, một em 18 tuổi đã đi học nghề và có công ăn việc làm ổn định. Chị Đặng Thị Tuyết - cộng tác viên hỗ trợ người khuyết tật thôn 4, xã Tiên Thọ, cho biết: “Dự án trên địa bàn xã đã tạo thuận lợi cho những gia đình có người khuyết tật là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, vì việc thăm khám, tập luyện chủ yếu ở trạm y tế xã hoặc ở nhà, không phải tốn chi phí đưa bệnh nhân đến các bệnh viện. Gia đình có người khuyết tật hợp tác tích cực với cán bộ y tế và cộng tác viên chuyên trách hỗ trợ người khuyết tật của xã để chăm sóc, tập luyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân”.
Bác sĩ Đoàn Văn Hiền - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước cho biết, đã có hơn 1.000 người khuyết tật ở Tiên Phước được hỗ trợ phục hồi chức năng trong hai năm triển khai dự án. Nhiều người trong số đó cải thiện chức năng vận động rất tốt, có người hòa nhập với cộng đồng. Việc khám, hội chẩn, xác định nhu cầu tại cộng đồng được tăng cường. Nhiều bệnh nhân đã đến khám phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế. Kiến thức, kỹ năng của cán bộ y tế, người khuyết tật và gia đình họ về sử dụng dụng cụ trợ giúp được nâng lên. Bác sĩ Hiền cho biết, ngoài cán bộ y tế chuyên trách còn có 45 cộng tác viên tham gia hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng tại cộng đồng. Đội ngũ cán bộ y tế và cộng tác viên được tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tập luyện đúng phương pháp, đạt hiệu quả nhất. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về khuyết tật vận động cũng thường xuyên tổ chức qua nhiều kênh khác nhau để người dân nắm bắt, đưa trẻ đi khám để kịp thời phát hiện sớm các khuyết tật để có sự can thiệp phù hợp.
Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” triển khai ở Tiên Phước đã đạt được hiệu quả ban đầu. Đó là cải thiện tình trạng sức khỏe, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ thông qua các biện pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và phục hồi chức năng. Ngành y tế và các địa phương ở trong tỉnh mong dự án tiếp tục mở rộng, tổ chức tập huấn kỹ năng và các bộ dụng cụ để hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng vận động cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
LÊ PHƯỚC LAN NHI