Chia sẻ kinh nghiệm du lịch cộng đồng
Những kết quả đạt được của dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang, vừa được Tổ chức Cứu trợ quốc tế Nhật Bản chia sẻ với đại diện các điểm du lịch cộng đồng Quảng Nam trong buổi hội thảo “Du lịch cộng đồng thành công và kinh nghiệm” vừa diễn ra sáng 20.2 tại TP.Hội An.
Các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu Nam Giang đã trở thành “kho báu” để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: VĨNH LỘC |
Sự khác biệt
Được triển khai từ tháng 4.2012, dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang” do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế Nhật Bản tài trợ tại xã Ta Bhing đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu có 256 thành viên với 25 nhóm dịch vụ được phân bổ ở tất cả 7 thôn của xã. Với 3 nguyên tắc cơ bản là sự chủ động của cộng đồng, người hưởng lợi chính và nguồn lực địa phương, ngay từ đầu mục tiêu của dự án đã xác định người dân luôn đóng vai trò quyết định các giai đoạn phát triển du lịch. Trong đó, cộng đồng địa phương phải là đối tượng hưởng lợi nhờ việc khai thác các nguồn lực tại chỗ (thiên nhiên, văn hóa, giá trị bản địa) được sử dụng trên nền tảng tôn trọng và bảo tồn. Đặc biệt, với quan điểm chỉ đón tour số lượng ít nhất 6 người, đi về trong ngày và đặt tour trước 1 tuần nhằm chuẩn bị tốt nhất chương trình, cũng như chống những tác động của bên ngoài vào cuộc sống đồng bào, nên ngay từ đầu việc quản lý, giám sát số lượng khách đã tạo nên sự khác biệt với những điểm du lịch cộng đồng khác của tỉnh.
Qua 5 năm triển khai, dù lượng khách không nhiều (1.366 khách thuộc 111 đoàn) nhưng doanh thu mang lại khá chắc chắn với gần 990 triệu đồng, chưa kể nhiều nông sản và mặt hàng làng nghề địa phương đã được người dân tiêu thụ thông qua các hoạt động du lịch. Tuy vậy, theo ông Briu Thương - Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, cái được lớn nhất của dự án là đã gắn kết cộng đồng Cơ Tu lại với nhau; giáo dục thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống địa phương và cải thiện môi trường làng xanh, sạch, đẹp hơn. “Thông qua du lịch, chúng tôi có thể khôi phục những giá trị văn hóa đã mai một, qua đó giúp khách trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu như ẩm thực, trang phục, làng nghề… Số tiền thu được từ khách, ngoài chi trả cho các nhóm dịch vụ, một số sẽ được nộp vào quỹ dùng cho các đóng góp xã hội và điều hành văn phòng HTX” - ông Thương cho biết.
Bà Trần Thị Thu Oanh - cán bộ quản lý dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu cho rằng, ngay từ đầu việc nghiên cứu tính khả thi của dự án chủ yếu dựa trên 3 yếu tố chính: tiềm năng nguồn lực du lịch và môi trường xung quanh; sự hợp tác, hệ thống hỗ trợ và chính sách hỗ trợ du lịch; cuối cùng là xác nhận ý muốn, nhu cầu và mức độ hiểu biết của người dân địa phương. “Sẽ có những thảo luận chia sẻ với cộng đồng như bà con muốn làng thôn mình trở nên như thế nào trong tương lai? Bà con tự hào về cái gì nhất và cái gì có giá trị quan trọng đối với cộng đồng của mình? Hay bà con có những kiến thức, kỹ năng gì? Bà con có thể làm gì?... Từ đó mình đánh thức các kho báu để đưa các giá trị Cơ Tu và lòng mến khách của bà con vào trong từng sản phẩm du lịch” - bà Oanh phân tích.
Marketing điểm đến
Theo ông Keiichiro Takadera - chuyên gia du lịch của JICA, để đưa sản phẩm du lịch đến với khách hàng, yếu tố marketing rất quan trọng. Trong đó, việc xây dựng sản phẩm (điểm đến) tương thích đến thị trường (du khách) nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng khách. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài phân khúc thị trường cho chiến lược xúc tiến thì cần lắng nghe nhu cầu của thị trường, để có thể biết được nhu cầu thật sự của khách hàng. Với du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, ngay từ đầu việc xác định thị trường ưu tiên đã tập trung vào 3 giai đoạn và 6 nhóm khách. Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nhóm du khách có sở thích đặc biệt như nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu và sinh viên; giai đoạn hai sẽ tiếp cận người nước ngoài sống ở Đà Nẵng, Hội An và những du khách nước ngoài du lịch ở Đà Nẵng, Hội An; giai đoạn cuối đối tượng khách chính là những du khách đến từ Nhật Bản và du khách đến từ châu Âu. “Tương ứng với mỗi nhóm khách chúng tôi đều có cách tiếp cận khách nhau. Theo tôi có 10 yếu tố thành công của du lịch cộng đồng Cơ Tu gồm chọn địa điểm; nguồn lực xã hội; tour đi về trong ngày; sự hỗ trợ của tổ chức FIDR; các nhóm sáng kiến; sức tải; công ty du lịch đối tác; đồng bào Cơ Tu; các đơn vị hợp tác và tour mẫu. Trong đó, việc hình thành các nhóm sáng kiến đã tạo ra sự phát triển bền vững. Ngoài ra, công tác điều hành tour thống nhất trong đón khách cũng rất quan trọng, đừng để hoàn thiện sản phẩm mới đón khách mà chúng ta vừa đón khách vừa hoàn thiện, đó như là những tour mẫu để cho dân vừa làm vừa hoàn thiện. Khi chúng ta làm tốt những yếu tố trên sẽ đảm bảo cho sự hoạt động bền vững của làng” - ông Keiichiro Takadera khẳng định.
Có thể thấy, trong lúc các mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Nam như Mỹ Sơn, Trà Nhiêu hay Triêm Tây đã và đang bắt đầu có sự phát triển chệch choạc sau khi dự án kết thúc thì sự thành công của mô hình làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại Nam Giang rất đáng được tham khảo. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, hiệu quả rõ nét nhất của các mô hình du lịch cộng đồng là đời sống người dân văn minh hẳn lên, người dân Nam Giang đã bắt đầu biết làm du lịch với lòng tự hào về các giá trị văn hóa của mình, và đây là những vấn đề nơi khác cần tham khảo. “Dù mô hình du lịch cộng đồng ở mỗi nơi khác nhau nhưng không phủ nhận hiệu quả của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu huyện Nam Giang là rất tốt, để từ đó làm cơ sở cho nhưng nơi khác tham khảo, nhất là trong công tác quảng bá xúc tiến, kết nối doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các mô hình du lịch cộng đồng thời gian tới” - ông Cường nhìn nhận.
VĨNH LỘC