Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân tộc năm 2016
(QNO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân tộc năm 2016, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 và tổng kết 5 năm thực hiện quy định mối quan hệ công tác giữa Ban Dân tộc tỉnh với các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.H |
Trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin có những bước phát triển đáng kể; đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại 9 huyện miền núi đạt được một số kết quả quan trọng, như: bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, múa tân tung - da dá, nói lý - hát lý, dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của lễ hội người Co... Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các huyện miền núi của tỉnh có 96 xã tham gia thực hiện chương trình. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của các xã miền núi 9,54 tiêu chí/xã, tăng 0,94 tiêu chí so với năm 2015.
Theo báo cáo, năm 2016, tình hình chung vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tiếp tục được cải thiện. Các chương trình, chính sách đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh cơ bản triển khai thực hiện đảm bảo về tiến độ, khối lượng và tỷ lệ giải ngân. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phân bổ cho Quảng Nam hơn 279 tỷ đồng, trong đó các huyện miền núi hơn 247 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, qua đó tạo động lực mạnh mẽ tác động vào sản xuất, đời sống và nhận thức của người dân, góp phần đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo khu vực miền núi của tỉnh; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Diện mạo nông thôn miền núi ngày càng có nhiều đổi mới từ chương trình nông thôn mới. Ảnh: Đ.N |
Hội nghị lần này cũng đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện quy định mối quan hệ công tác giữa Ban Dân tộc với các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm thực hiện, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở về công tác dân tộc được nâng lên. Mối quan hệ công tác giữa Ban Dân tộc tỉnh với các ngành và địa phương được củng cố, tăng cường, gắn chặt hơn, nhất là thực hiện chế độ báo cáo, trao đổi thông tin. Kết quả phối hợp tham mưu, thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác dân tộc ngày càng có chất lượng, hiệu quả và đạt yêu cầu đề ra. Các ngành và địa phương chủ động, tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác dân tộc thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách và chủ trì tham mưu. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện được củng cố, đảm bảo năng lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị trong năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương bám sát, nắm bắt tình hình đời sống của bộ phận cư dân miền núi; tăng cường công tác phối hợp triển khai các chính sách trong công tác dân tộc; vận động nhân dân tham gia các chương trình dự án giảm nghèo, nông thôn mới; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng miền núi, đặc biệt chú trọng đến duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông... Đồng thời, giao Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với Ban Dân tộc triển khai cấp giấy sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân, xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Đối với việc thực hiện Quyết định 29, Ban Dân tộc chủ trì rà soát sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tiễn. Đến 2025, phấn đấu có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dịp này, Ban Dân tộc cũng đã công bố quyết định trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp thực hiện các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2016.
ĐĂNG NGUYÊN