Bến quê hoài niệm
Có lẽ với nhiều người, bến sông quê đã từ lâu gắn bó như máu thịt, đã in sâu vào tâm thức không biết bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau trong cuộc trường lưu ắp đầy ký ức. Dòng sông của tuổi thơ, dòng sông của tình yêu, dòng sông của đời người, mà sâu nặng nhất ấy là nơi chôn nhau cắt rốn.
Bến sông, cầu cũ Hà Tân. |
Ngày xưa ở bến Hà Tân (Đại Lộc) này, nơi có chiếc cầu già nua từ thời Pháp thuộc còn là điểm trung tâm buôn bán giao thoa từ nhiều vùng miền hội tụ. Bến chợ Hà Tân rộn ràng như một thương cảng hưng thịnh, nơi tập kết ghe thuyền từ Hiên, Giằng xuôi xuống mang theo sản vật từ rừng, bán đổi lấy vật dụng cần thiết ngược lên lại vùng cao. Xa hơn nữa từ Hội An, Cửa Đại, Sông Hàn, những chiếc ghe bầu buồm căng lộng gió ắp đầy hàng hóa từ phố chở lên. Cảnh tấp nập nhất là vào vụ mùa trái chín, nào lòn bon, nào thơm dứa, từng đoàn thuyền nặng khẳm từ các hướng tụ về, bến sông trải lợp một màu vàng ửng mọng trông thật thích mắt.
Cầu Hà Tân là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm với những ai từng sinh sống ở đó. Tôi đã từng uống nước bến sông này, bạn bè tôi từng ngụp lặn cút bắt nô đùa, chiều chiều những cô thôn nữ từng gánh nước, giặt giũ nơi đây.
Nước sông ngày ấy trong vắt, đứng ở trên cầu nhìn xuống có thể thấy từng chú tôm càng len trong kẽ đá, hay những con cá bống cát đang quẫy đạp. Mùa mưa lũ nước dâng cao ngập cầu, muốn sang sông phải đi đò. Hồi ấy vạn thuyền chen chúc, người ta ở trên những chiếc thuyền có lợp mui che mưa nắng thay nhà, sống ở bến sông lâu ngày tạo thành xóm nên gọi là xóm vạn.
Những tháng năm gian khó đường sá đi lại vất vả, tất cả đành dùng thuyền chèo, sau này lại dùng thuyền máy. Từ Hà Tân đến Ái Nghĩa phải qua những khúc sông uốn lượn mất cả ngày trời, rồi từ Ái Nghĩa mới có xe rẽ về các ngả như Hội An, Đà Nẵng. Những câu hò sông nước cũng từ đấy ra đời, vang lên dọc cuộc hành trình chất chứa bao nhiêu buồn vui thân phận cho vơi bớt quãng đường dài. Cũng bến sông này bao cuộc tiễn đưa, người đi kẻ ở và những cuộc tình hò hẹn nên duyên đôi lứa tương phùng.
Còn nhớ gốc sếu già nua, một thời chúng tôi đã từng leo lên tận ngọn rồi nhảy ùm xuống nước, hết lượt này đến lượt khác. Làm sao quên được cả gốc gạo đầu làng mỗi mùa tháng ba tỏa rạng sắc màu đỏ chói soi bóng bên dòng sông thơ mộng và mỗi chiều gió lên từng cánh hoa rơi xuống trôi bồng bềnh như thắp lửa hoa đăng, thả theo dòng nước chảy lững lờ vô định. Bên gốc gạo cổ thụ là cội mù u có từ hàng trăm năm, tuổi thơ chúng tôi đã từng nhặt trái mù u chơi bắn bi trong giờ ra chơi mỗi buổi đến trường.
Theo quy luật thời gian, đời sống kinh tế mỗi ngày mỗi phát triển, quê hương ngày càng đổi mới, đường sá rộng rãi, xe cộ thông thương, việc giao lưu buôn bán thuận lợi. Cầu cũ Hà Tân nay đã có cầu mới bề thế, hằng năm đến mùa mưa lũ không phải lụy đò. Bộ mặt nông thôn giờ đây mang dáng dấp phố thị, cảnh quan rạng rỡ bởi nhà ngói, nhà tầng lớp lớp vươn cao, hàng quán san sát không thiếu thứ gì…
Ký ức bến xưa giờ đã thành cổ tích, hàng cây xanh ngày nào bão lũ đã cuốn phăng, xóm vạn giờ cũng đã lên bờ, ghe thuyền không còn tấp nập, sông nước quanh năm chỉ một màu ngầu đục, mùa lũ thì ầm ào, mùa hè thì trơ cát, người lớn trẻ con bây giờ không còn ai ra sông tắm giặt.
Bến xưa, cầu cũ Hà Tân vẫn còn đó, thỉnh thoảng một vài chiếc thuyền lá neo đậu như hoài niệm một thời trên bến dưới thuyền nhộn nhịp đã qua, lưa thưa đôi cánh cò đi dọc triền bãi kiếm ăn rồi vỗ cánh bay xa, lòng tôi cũng quay quắt đan xen nỗi niềm buồn vui lẫn lộn.
ĐINH HUYỀN