Chữ của người Quảng lưu lại xứ người
Với quy định hồi tỵ của triều Nguyễn, nhiều người Quảng Nam thường đến trị nhậm ở các địa phương khác. Đồng thời với truyền thống “giang hồ quen thói vẫy vùng”, nhiều người Quảng Nam cũng thường ngao du sơn thủy khắp mọi miền đất nước. Trước những nơi mới – lạ như vậy, họ đều lưu lại tác phẩm, sau này trở thành một bộ phận của di tích, di sản văn hóa ở những xứ ấy.
Trước tác và bút tích của Hà Đình Nguyễn Thuật ở núi Bàn A (Thanh Hóa). |
Trong quãng thời gian bị vua Tự Đức “bắt đi phối làm thừa nông dịch” ở trạm Thừa Nông (1850 - 1851), Phạm Phú Thứ đã làm câu đối cho đền thờ ở trạm Thừa Nông: “Vương đạo bổn vô biên, tứ hải lưu hành giai đức ý/ Thần công hồn mặc vận, lưỡng gian phát dục quảng xuân ân (Vương đạo vốn vô biên, bốn biển lưu hành cùng một đức ý/ Thần công chuyển vận ngầm, trời đất nuôi dưỡng mở rộng ơn xuân”. Hoặc khi làm Tổng đốc Hải An kiêm sung Tổng lý Thương chánh đại thần (1874 - 1880), ông đã viết nhiều câu đối cho các thiết chế tín ngưỡng ở vùng Hải Dương, Quảng Yên. Câu đối ở đền thờ Trần Hưng Đạo: “Trùng hưng công nghiệp, lưu thanh sử/ Vạn Kiếp uy linh, tố Bạch Đằng (Công nghiệp trùng hưng lưu thanh sử/ Oai linh Vạn Kiếp nhớ Bạch Đằng”; ở miếu Hội đồng tỉnh Hải Dương: “Triều đình hữu đạo, hoài nhu quảng/ Biên cảnh vô trần, bảo hựu đa (Triều đình có đạo lòng thương nơi xa mở rộng/Biên giới yên bình nhờ được bảo vệ, giúp đỡ nhiều); ở đền Trung dũng ở Hải Dương: “Qua giáp bạc phong lôi, tráng tiết thiên thu Yên Tử thạch/ Cương thường long đống cán, trung hồn nhất phiến Cát Bà vân (Áo giáp mỏng manh bởi gió mưa, đá Yên Tử nghìn năm tráng tiết/ Cương thường nêu cao người tài cán, mây Cát Bà một mảnh hồn trung” (những bản dịch trên của Trần Đại Vinh). Trong thời gian này, Phạm Phú Thứ cũng đã xây dựng đền Yên Mô ở Hải Dương với kết cấu 3 gian vào năm Tự Đức Kỷ Mão (1879), là ngôi đền rất linh thiêng, dân đến chiêm bái rất đông. Nội dung này được ghi lại trong văn bia “Linh từ bi ký” lập năm Duy Tân thứ 5 (1911) ở đình xã Yên Mô tổng Chi Ngại huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, Phạm Phú Thứ còn làm nhiều câu đối chúc mừng những người ở địa phương khác: Hình bộ Thượng thư Nguyễn Bắc Ninh, Phượng Nhãn huyện tú tài Nguyễn Giáp, Nghệ An Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập, phó bảng Hoàng Hữu Tài (người Sơn Tây)…
Phạm Như Xương, trong quãng thời gian giữ chức Kinh lược Thanh - Nghệ và Tri phủ Anh Sơn (Nghệ An), đã soạn một bài văn bia cho chùa Phúc Long (xã Vạn Phần, Diễn Châu, Nghệ An) vào năm Thành Thái thứ 4 (1892). Nội dung văn bia có đoạn: “Thánh nhân đời cổ dựng việc dân mà gắng sức có thần. Dân hòa có thần giáng phúc, như thế không phải là làm dở rồi bày ra thiện. Xã ta thờ cúng thần có đền thờ lâu rồi, trải qua nhiều lần được phong tặng. Thường được thần giúp đỡ, như có cảm cách không lường được. Cho nên nghề làm muối, đánh cá bày vui vì làm lợi cho thôn ấp nhiều lắm. Tuy bất thường có biến cố, mà nhà cửa yên ổn vẫn vững như thành, phúc lớn như biển đông, hẳn cũng là nhờ thần cho đấy(…). Xưa Đại Vũ dựa vào sức quỷ thần, mà gắng sức với vòi lạch. Nay người hiếu thiện thành tâm trọng đức để dâng tiến hương thơm, giữ gìn danh vọng, giúp đỡ lẫn nhau. Khổng Tử có nói: Lý nhân vi mỹ (làng nhân là đẹp), đấy là lời khen rằng thổ mộc nên hình, thổ mộc nên trí. Cho nên phải mài đá khắc bia giữ lấy tiếng tăm, bảo cho con cháu ta, ghi chép sự vật để biết sức dân. Phúc của thần rực rỡ lâu dài, mà không ghét gì ai cả” (bản dịch của Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, người viết điều chỉnh vài chỗ). Cần nói thêm rằng, việc soạn dựng văn bia trên đất học đồ Nghệ càng chứng minh cho tài năng văn chương, thực học của nho sĩ đất Quảng.
Có lẽ Hà Đình Nguyễn Thuật là tác gia đã để lại tác phẩm ở những địa phương khác nhiều hơn cả trong số những nho sĩ Quảng Nam. Ở đây giới thiệu một số văn bia mà ông đã soạn viết trong quãng thời gian trị nhậm hoặc ngao du qua vùng đất gồm một số văn bia có số hiệu lưu trữ được tham khảo từ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam do Trịnh Khắc Mạnh chủ biên: Văn bia Linh Quang tự bi ký (mặt trước), soạn vào năm Thành Thái thứ 14 (1902), dựng ở chùa Linh Quang (TP.Huế hiện nay), nội dung đã được Lê Nguyễn Lưu dịch chú và giới thiệu trong công trình Tuyển dịch văn bia chùa Huế. Văn bia Vô đề, ký hiệu: N0 15898, niên đại Tự Đức năm Canh Thìn (1880), nội dung tóm lược: Tác giả đi chơi động Nhị Thanh đã làm bài thơ chữ Hán để ca ngợi cảnh đẹp của động Nhị Thanh và bày tỏ nỗi niềm của mình rồi cho khắc vào vách đá để lưu truyền hậu thế. Văn bia Kiệt nhiên trung trĩ, ký hiệu: N0 16699. Thác bản bia sưu tầm tại núi thôn Nhuệ tổng Quảng Chiếu huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, niên đại Thành Thái thứ 2 (1890), nội dung khắc 4 chữ lớn: Kiệt nhiên trung trĩ. Văn bia Vô đề, ký hiệu: N0 20967, niên đại Hàm Nghi thứ 1 (1885), nội dung: Hai ông Bùi Văn Dị và Nguyễn Thuật khi đi qua núi Bàn A thuộc xã Đại Khánh (Thanh Hóa) đã leo lên núi ngắm cảnh, thấy cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp như tiên cảnh, mỗi người bèn ra một bài thơ tả cảnh đẹp của trời đất, bày tỏ nỗi lòng muốn về sống ấn dật tránh xa cõi trần.
Những tác phẩm của người Quảng Nam lưu lại ở xứ người là một minh chứng cho sở học của nho sĩ đất Quảng, góp phần mở rộng tiếng tăm của Quảng Nam và đồng thời trở thành hồn cốt của di tích, di sản văn hóa của vùng đấy ấy. Ngày nay, mỗi dịp chúng ta đến những xứ người, bắt gặp chữ nghĩa của tiền nhân thuộc bản quán, ắt hẳn vô cùng phấn khích, tự hào.
NGUYỄN DỊ CỔ