Nam suy, bắc thịnh
Bóng đá Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch ra phía bắc khi các đội bóng mạnh của V-League những năm gần đây đều nằm ở miền ngoài. Và mùa giải năm nay càng khẳng định điều đó khi chức vô địch khó thoát khỏi tay những đội bóng phía bắc.
FLC Thanh Hóa là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch V-League 2017.Ảnh: AN NHI |
Đầu những năm 2000 khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp, nói đến những anh tài hàng đầu V-League thì người ta nghĩ ngay đến các đội bóng phía nam, trong đó 2 đầu tàu là Hoàng Anh Gia Lai và Gạch Đồng Tâm Long An. Thời kỳ Hoàng Anh Gia Lai tỏa sáng với những cầu thủ Thái Lan như Kiatisak, Dusit, Thonglao trong đội hình và họ đã đoạt chức vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003. Sau đó đến lượt Gạch Đồng Tâm Long An dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto đăng quang vào các năm 2005 và 2006. Đó là giai đoạn mà 2 đội bóng “gạch” và “gỗ” tạo nên hình ảnh “bách chiến bách thắng”, đặc biệt cuộc đối đầu giữa họ thời gian này luôn thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người hâm mộ trên cả nước với phương châm “thà thua ai chứ không được thua đối thủ”!
Khi mà Hoàng Anh Gia Lai và Gạch Đồng Tâm Long An có dấu hiệu chùng xuống cũng là lúc bóng đá Bình Dương đi lên. Năm 2008, Becamex Bình Dương lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch và từ đó họ bắt đầu thống trị V-League bằng 2 chức vô địch vào các năm 2014, 2015 cùng 1 cúp quốc gia, 2 siêu cúp quốc gia. Sau thời gian dài ở trên đỉnh của giải đấu cao nhất nước, từ mùa giải 2017, câu lạc bộ Becamex Bình Dương đã thay đổi cách làm bóng đá, không ào ạt bỏ tiền mua cầu thủ như trước mà ưu tiên dùng lực lượng trẻ. Bầu Thắng chuyển giao đội bóng cho người em của mình quản lý, bầu Đức không còn chuyên tâm đến bóng đá nữa mà lo đi làm kinh tế thì Hoàng Anh Gia Lai cũng như Gạch Đồng Tâm Long An rồi đổi tên thành Long An hiện nay cũng đi xuống theo. Thậm chí những mùa giải gần đây, cả 2 đều phải vật vã trong cuộc chiến trụ hạng. Becamex Bình Dương mùa này cũng không còn là đối trọng của các đội bóng phía bắc. Chỉ tiêu tốp 7 và vị trí thứ 7 hiện tại đã phần nào nói lên mục tiêu của đội bóng một thời được coi là “Chelsea của Việt Nam” này.
Trái ngược với sự èo uột của bóng đá phía nam, thời gian gần đây phía bắc lại nổi lên nhiều đội bóng được đầu tư khá mạnh. Nếu như ở giai đoạn trước, những bầu Kiên, bầu Long, bầu Trường, bầu Thụy đổ tiền vào bóng đá song không thu lại được thành tích cao thì ngược lại, bầu Hiển đã rất thành công với Hà Nội. Cho đến nay, có thể nói Hà Nội chính là một thế lực của bóng đá Việt Nam kìm hãm sự thống trị V-League của Becamex Bình Dương bằng 3 chiếc cúp vô địch vào các năm 2010, 2013 và 2016. Nhưng bóng đá phía bắc không chỉ có đội bóng của bầu Hiển. Mùa trước, Hà Nội cùng với Than Quảng Ninh và Hải Phòng đã tạo nên một cuộc đua tam mã cực kỳ hấp dẫn, kịch tính tại V-League cho đến phút cuối. Mùa giải năm nay, ứng cử viên cho chức vô địch, không ai khác ngoài 3 đội bóng này và thêm FLC Thanh Hóa. Bầu Quyết rất quyết tâm giành chức vô địch khi mời về HLV tầm cỡ châu Âu - Petrovic cùng nhiều cầu thủ chất lượng và hiện tại đội bóng xứ Thanh đang chễm chệ ngôi đầu V-League.
Khi mà bóng đá phía nam suy yếu thì phía bắc lại trở nên cực thịnh. Đó cũng là quy luật của bóng đá chuyên nghiệp khi mà các đội bóng phía bắc nhận được sự đầu tư mạnh tay từ các ông bầu, trái ngược hẳn với hình ảnh “nhỏ giọt” của những đội bóng phía nam. Nhiều cầu thủ hàng sao của V-League tháo chạy khỏi Becamex Bình Dương, XSKT Cần Thơ hay Long An chỉ có thể mang về những cầu thủ đã hết đát từ các đội bóng khác cho thấy bóng đá phía nam đang dần teo tóp. Đó là chưa kể, những đội bóng rớt hạng trong 2 năm gần đây cũng đều ở phía nam là Đồng Nai và Đồng Tháp. Hiện tại, để kìm hãm sự thống trị của bóng đá phía bắc có lẽ chỉ có thể là 2 đội bóng xứ Quảng là Quảng Nam và SHB Đà Nẵng.
AN NHI