Đàn bà uống rượu
Khuôn mặt ông Trần Vĩnh Thơ - Chủ tịch UBND xã Trà Don (Nam Trà My) không còn căng thẳng khi nói về chuyện… đàn bà ở đây uống rượu. Không hẳn vì thực trạng này đã hết. Nhưng đàn bà uống rượu cứ uống, làm cứ làm thì… vẫn tốt hơn là uống rượu vào rồi bỏ bê nương rẫy, thậm chí còn quậy nhà, quậy hàng xóm, và cả đánh chồng!
Rượu vào là quậy!
Trên hành trình trở lại Trà Don, đầu óc tôi cứ lởn vởn những cái lắc đầu ngao ngán của ông Nguyễn Hữu Danh - Phó Công an xã Trà Don, khi kể chuyện đàn bà ở đây uống rượu. Đi rừng đi núi nhiều, cảnh đàn bà uống rượu gặp không ít, nhưng uống để mà… như chết, thì tôi lần đầu nghe thấy. Những người đàn bà uống rượu bạt mạng ấy, đều xuất phát chung một điểm, là “chồng uống thì mình uống”, riết rồi quen miệng, rồi nghiện, rồi uống còn hơn cả chồng. Như câu chuyện mà ông Danh kể về một phụ nữ ở nóc Măng Ây, thôn 1 mà tôi vẫn còn ám ảnh, dù được nghe từ hồi tháng 12.2015.
Thôn 1, xã Trà Don, có 180 hộ, nhưng có đến 30 hộ nấu rượu để bán. Ảnh: XUÂN THỌ |
Chán vì chồng suốt ngày nốc rượu, khuyên cản không được đành im lặng chịu đựng. Rồi run rủi, bà tìm đến rượu, để xem nó có gì ngon mà chồng uống suốt ngày. Thế là, hễ chồng uống là bà uống. Riết rồi đâm nghiện, bà uống còn hơn cả chồng. Rượu vào, lý trí biến mất, cái cam chịu của người phụ nữ cũng tan theo hơi men. Bà bắt đầu cãi lời chồng. Chưa thỏa, bà bắt đầu đánh lại chồng. Vẫn chưa thỏa, bà bắt đầu đuổi… mẹ chồng ra khỏi nhà. Bà có một đặc điểm khác với những người phụ nữ nghiện rượu ở đây, là chủ yếu uống vào ban đêm. Và trong những đêm như thế, thường thì người chồng không dám về nhà, vì sợ bà đánh, bởi sức ông giờ đây trói gà không chặt, vì tay chân cứ run rẩy bởi nghiện rượu.
Mỗi ngày nấu khoảng 10 lít rượu, chị Thư đều bán sạch. |
“Thế mình không can thiệp à?” - tôi hỏi. Ông Danh đáp ngay: “Có chớ, nhưng mà… gian nan lắm”. “Nghĩa là sao?” - tôi hỏi tiếp. “Thì mỗi lần bả quậy, là hôm sau mình xuống tận nhà đưa giấy mời lên xã. Nhưng nhận giấy xong, là… bả xé liền, nhất quyết không đi. Nhiều lần còn rượt đuổi anh em nữa. Ngán lắm!” - ông Danh thở dài, nhìn mông lung về phía trước của trụ sở ủy ban xã. Ở thôn 2, còn có thêm chuyện cũng khá buồn cười, là vợ uống rượu nhiều nên bị chồng la, ai dè bị vợ đánh toác đầu. Xã biết chuyện, mời cả hai lên làm việc, nhưng người vợ nhất quyết không đi, còn ông chồng thì sợ… “dị”, nên nói là do đụng cây! “Họ khai rứa, răng mình xử lý được” - ông Danh lại lắc đầu.
Mỗi buổi chiều đi rẫy về, bà Tám đều uống một bịch rượu như thế này. |
Rượu bán “chạy” nhất
Chủ cửa hàng tạp hóa trên đầu dốc, đoạn chỗ ngã ba đi thôn 1 - thôn 2 bảo với tôi: “Ở đây, rượu là bán chạy nhất”. Có ngày, bà bán được vài chục lít rượu. Chạy xe quanh các đường liên thôn, hỏi mấy quán tạp hóa khác, câu trả lời cũng tương tự. Và để thuận lòng thượng đế, họ đong sẵn từng chai 0,65 lít với giá 10 nghìn đồng, hay một nửa dung tích đó với giá 5 nghìn đồng. Rồi chừng đó là chưa đủ, họ cho rượu vào sẵn bịch ni lông. “Vì chai đâu mà nhiều thế. Họ đưa tiền, 10 nghìn đồng thì bịch lớn, 5 nghìn đồng thì bịch nhỏ, nhanh gọn” - một chủ cửa hàng tạp hóa cho hay. Vậy mà lần đầu lên Trà Don, thấy cửa hàng nào cũng treo một chùm bịch rượu như thế, cứ tưởng họ treo bịch nước để đuổi lũ ruồi như mấy hàng quán dưới xuôi.
Không thể trông chờ ỷ lại từ chính sách hỗ trợ hộ nghèo, ông Thương (thứ 2, từ trái sang) đã biết lo làm ăn, dù vẫn còn uống rượu. Ảnh: XUÂN THỌ |
Nhưng từng đó là chưa đủ. Trong thôn nóc, đầy rẫy các lò nấu rượu thi nhau đỏ lửa. Như ở thôn 1, có 180 hộ, thì đến 30 hộ nấu rượu bán, chưa kể các hộ nấu rượu để “tự cung tự cấp”. Lui cui bên lò rượu, chị Vũ Thị Thư (thôn 1) cho biết mỗi ngày chị nấu chừng 10 lít (giá 15 nghìn đồng/lít), bán sạch trong ngày. Bã rượu để nuôi heo. Xung quanh nhà chị, có khoảng 10 nhà nấu rượu bán. Kể cũng phải, vì vợ chồng thi nhau uống, thì rượu nào nấu cho kịp. Nhưng uống say, không đi làm, thì tiền đâu mua rượu? “Thì họ mua chịu” - chị Thư đáp ngay. Rồi cho coi sổ mấy người nợ tiền rượu. Cả một danh sách dài! Có người nợ hơn cả triệu đồng. Chị bảo trả tiền mới bán tiếp. Nhưng nhậu li bì kiểu đó, thì tiền đâu mà trả? “Nghĩa là chị không bán?”. “Phải bán chớ, không bán nó quậy thì khổ” - chị Thư nói.
Ở Trà Don, một năm có đến… 8 cái tết, theo trình tự là: máng nước, trâu huê, chuẩn bị phát rẫy, chuẩn bị tỉa, xuống giống, lúa khỉ, lúa mới, lúa kho. Mỗi cái tết là ê hề rượu chè. Bảo sao cái nghèo, cái khổ không đeo bám mãi. Và hơn 68% là con số về tỷ lệ hộ nghèo ở xã này. Rượu vào, sinh ra lười biếng, thậm chí gây hư hại sinh kế thoát nghèo được hỗ trợ. Mới có câu chuyện, nhận được bò nuôi trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Ít lâu sau người nhận nuôi nói bò không… ăn cỏ được nên chết. Nhưng sự thật, khi nhận bò về, người này neo lại, không cho ăn, không cho uống, ít lâu sau thì bò chết, mổ bán thịt lấy tiền để uống rượu. Câu chuyện này, mỗi khi nhắc lại, ông Thơ đều lắc đầu ngao ngán!
Qua rồi, cơn bí tỉ…
Những căn nhà có đàn bà uống rượu kiểu đó, ngó vào xơ xác, bếp củi hoang tàn. Ở Trà Don này, có khá nhiều căn nhà như thế, phần nhiều ở thôn 1 và thôn 2. Ông Thơ cho hay, việc họ uống rượu bạt mạng kiểu đó, mới có tầm 2 - 3 năm nay, khi đường sá được mở ra. Công bằng mà nói, đường mở, thời gian đầu đời sống ở đây khá hơn nhiều. Nhưng có tiền, nhiều bà không biết nhiều cách tiêu, lại chán cảnh chồng hay rượu mà mình không thể cất tiếng nói, nên cũng tìm đến rượu để bớt chán. Suy cho cùng, chính họ vẫy vùng trong cái bi kịch của mình. Mà điển hình là một phụ nữ ở thôn 1, suốt ngày bị chồng chì chiết vì cái tội… không biết đẻ con trai, mà đẻ một hơi 3 đứa con gái, nên người này tìm đến rượu để quên đời chua chát, rồi quên luôn cả trách nhiệm làm đỏ bếp lửa gia đình.
Cách cửa sổ phòng ông Thơ làm việc vài chục mét, là căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Đức Thương và bà Nguyễn Thị Tám. Một căn nhà mà cách đây hơn một năm, tôi đã cố nhiều lần mong đợi gặp được họ, nhưng đều phải thất thểu ra về. Bởi khi ấy, ông Thương lang thang vì rượu thì ít, mà chán vợ thì nhiều. Bà Tám uống hung, uống quên cả đất trời. Có lần, cả nhóm đi làm rẫy, bà Tám nói đi sau vì bận lấy gạo để nấu cơm cho mọi người. Thế mà tạt ngang qua tạp hóa, nốc sạch 1 bịch rượu 10 nghìn đồng, tương đương với 0,65 lít. Mặt trời đứng bóng, bụng ai cũng đói cồn cào, mà mãi vẫn chưa thấy bà Tám đi lấy nước về để nấu cơm. Lũ lượt kéo nhau ra suối, thì thấy bà đã “quắt cần câu”, mà tay vẫn còn cầm một bịch rượu đã uống gần hết!
Ông Thương trước đó là xã đội trưởng, sau vì không đủ bằng cấp nên chuyển xuống làm phó. Một phần vì vợ uống rượu nhiều quá. “Vợ mình, mình nói không nghe, thì làm răng nói người khác nghe được”. Thế là ông xin nghỉ. Vợ chồng còn đang nợ hơn 30 triệu đồng về khoản vay mua xe máy để làm ăn trước đó. Nhưng mua xe về không được bao lâu, thì bán rẻ. Cũng vì cả hai tranh nhau… uống rượu, không chịu làm việc. Con cái đi làm xa, đã mấy năm không về. Hôm bữa ghé, “may mắn” có ông Thương ở nhà, cùng vài người bạn. Tất cả đều có hơi men. Mới đưa đám ma về! Hỏi vợ đâu rồi, ông cười: “Nó đi rẫy. Tí nữa về”. Quả đúng vậy, khi lang thang trên đường, gặp bà Tám đang trở về nhà. Hỏi còn uống rượu nữa không. Bà hơi… bẽn lẽn: “Còn!”. Chúng tôi im lặng. Bà thêm vào: “Nhưng uống ít thôi. Để còn đi làm”.
Thật ra, lúc mới nghe bà Tám nói điều đó, tôi không tin lắm. Bởi chỉ tầm vài phút sau, lại bắt gặp bà… xách bịch rượu từ dưới dốc lên. Bà cười khà khà: “Mình làm về rồi. Tối uống ngủ cho sướng”. Nhưng đến khi nghe ông Thơ quả quyết, tôi mới tin câu “uống thì uống, mà làm thì làm” từ miệng bà Tám. Thì ra, nắm được cái thót trông chờ ỷ lại, một năm qua xã Trà Don đẩy mạnh nguyên tắc: ai chỉ lo uống rượu mà không chịu làm ăn, sẽ không được hưởng chính sách hộ nghèo! Hôm ấy, khuôn mặt ông Thơ không còn căng thẳng như mấy hồi nói về chuyện đàn bà ở đây uống rượu, vì cơn bí tỉ đã qua…
Phóng sự của XUÂN THỌ