Chấn chỉnh môi trường du lịch Cẩm Thanh
Khách tăng cao vượt tầm kiểm soát dẫn đến “hỗn loạn”, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm môi trường tự nhiên… là thực trạng đáng báo động mà du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) đã và đang đối diện, cần được chấn chỉnh kịp thời.
Mạnh ai nấy đón khách
Theo ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Tran Tours, hoạt động du lịch tại khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh hiện đã vượt tầm kiểm soát của chính quyền xã. Ngoài vấn nạn cò mồi, tranh giành khách, phá giá…, còn có tình trạng bát nháo ồn ào khi một số thuyền, thúng chở khách vào rừng dừa mở loa nhạc hết công suất gây ảnh hưởng đến khung cảnh bình yên nơi đây. Chính quyền xã không quản lý được lượng khách gia tăng, trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém, còn người dân thấy có khách thì cũng tham gia mạnh ai nấy làm dịch vụ, dẫn đến tình trạng bát nháo, thậm chí gây gổ vì tranh giành khách làm mất hình ảnh du lịch Cẩm Thanh. “Một số người không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn ngang nhiên đón khách. Nếu có chuyện gì xảy ra như tai nạn sông nước thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những công ty làm ăn chân chính như chúng tôi, nên phải chấn chỉnh để bảo vệ cái chung cho du lịch Cẩm Thanh, du lịch Hội An” - ông Khoa nói.
Thời gian gần đây lượng khách du lịch đến rừng dừa nước Cẩm Thanh tăng cao. Ảnh: V.LỘC |
Thống kê cho thấy, bình quân mỗi ngày khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh đón khoảng 200 lượt khách, cá biệt những ngày lễ tết số lượng khách tăng lên chừng 1.000 lượt. Trong năm 2016 có hơn 65 nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa. Hiện địa bàn có khoảng 400 thúng rái của hơn 120 hộ dân, chủ yếu thuộc 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông, tham gia hành nghề đưa đón khách, thu nhập mỗi tháng dao động 2 - 4 triệu đồng. Du lịch Cẩm Thanh đã thật sự làm thay đổi cuộc sống người dân, nhất là với những người già và phụ nữ. Ông Lê Văn Tư, ở thôn Vạn Lăng cho hay, trước đây ông làm nghề biển nhưng bây giờ tuổi cao nên ở nhà tham gia đưa đón khách du lịch. Trung bình một lượt chở khách cho doanh nghiệp (40 phút) ông sẽ được trả 100 nghìn đồng, nhưng rất bấp bênh vì hầu hết doanh nghiệp đều có đội thúng riêng, chỉ khi nào lượng khách dư ra mới gọi, nên hàng ngày ông tự bắt khách lẻ bên ngoài, nhưng cũng cạnh tranh gay gắt vì có quá đông người chèo thúng. “Thông thường mình bắt khách lẻ với giá 150 - 200 nghìn đồng/thúng, những lúc ế ẩm quá thì hạ giá còn 70 - 80 nghìn đồng. Người ta bắt khách giành giật nhau, vợ chồng tôi già rồi nên ai gọi thì đi, không tranh giành với ai, mong mỗi ngày có được 2 chuyến chở khách là tốt rồi” - ông Tư nói.
Thành lập Ban quản lý du lịch
Ông Nguyễn Duy Quang - Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian qua đơn vị cũng đã nhiều lần xuống kiểm tra chấn chỉnh tình hình hoạt động du lịch tại khu vực rừng dừa Cẩm Thanh, nhưng xong đâu lại vào đó vì đơn vị không thể túc trực thường xuyên tại rừng dừa. “Mình xuống thì họ ngưng, rút đi thì họ làm lại. Vì vậy, muốn tình hình tốt hơn phải tăng cường sự quản lý của chính quyền tại chỗ. Chưa kể, do đây là du lịch cộng đồng, mình căng quá cũng khó vì phải để cho dân tự làm tự hưởng lợi ích, nên biện pháp chính vẫn là chính quyền địa phương tăng cường quản lý, tổ chức tập huấn cho người dân có những nghiệp vụ chuyên môn cần thiết và có ý thức trách nhiệm cộng đồng” - ông Quang nhìn nhận. |
Phát triển du lịch rừng dừa Bảy Mẫu đang đối diện một số vấn đề nổi cộm. Ngoài hạ tầng chưa đồng bộ; công tác quản lý còn lỏng lẻo; chưa thành lập được Ban quản lý du lịch chuyên nghiệp… Chủ thể người dân cũng là điều lo ngại vì hầu hết là nông dân, ngư dân chuyển qua làm du lịch, mang tính tự phát nên ý thức chưa cao. Bà Nguyễn Thị Vân - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì khách tăng quá nhanh, trong khi xã chưa có quy định, quy chế cụ thể, kể cả việc kiểm tra kiểm soát các tour tuyến cũng không theo kịp. “Khách đến nhiều thì mình cũng mừng, kể cả cho doanh nghiệp và với người dân. Nhưng vì quá đông nên dẫn đến quá tải. Bây giờ phải có Ban quản lý du lịch làm công tác quản lý theo dõi, và thành phố cũng đã cho phép thành lập rồi. Đảng ủy xã đã giao UBND xã tìm người, phấn đấu tháng 3 này sẽ ra mắt Ban quản lý” - bà Vân cho biết.
Cũng theo bà Vân, tuy du lịch rừng dừa phát triển nhưng đến nay xã vẫn chưa thu được đồng nào. Phòng Thương mại và du lịch thành phố vẫn chưa xây dựng xong phương án bán vé, do vậy nguồn kinh phí để đầu tư quản lý hoạt động du lịch của xã rất khó. Địa phương đề nghị thành phố cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nhất là bến bãi đậu xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh, bến xuất… “Tuy có lộn xộn nhưng mình không thể ngăn cấm dân được. Nếu không cho thì dân biết làm gì? Toàn người già và phụ nữ, đi biển đánh bắt xa bờ thì không thể, còn gần bờ cũng chỉ mấy người, nghề sông cũng mức độ. Chưa kể, hơn 64ha đất đai của gần 300 hộ nuôi trồng thủy sản đã bị Nhà nước thu hồi làm đường dẫn cầu Cửa Đại, nên bây giờ chỉ có bu bám vào du lịch. Để sắp xếp lại, bây giờ chủ yếu tuyên truyền là chính, vận động họ tuân thủ quy định vận chuyển khách, không đánh chiêng trống, mở loa nhạc lớn trong rừng dừa. Ngoài ra, sẽ mở rộng không gian du lịch ra khỏi Vạn Lăng sang cánh Thuận Tình, Thanh Tam Đông, khu vực rừng dừa mới trồng dưới cầu Cửa Đại, cắt qua thôn 3 chỗ lăng Ông vòng qua thôn 2 đi một vòng tròn khép kín để giải tỏa áp lực của khu rừng dừa hiện tại” - bà Vân nói.
VĨNH LỘC