Cuộc gặp bất ngờ với cựu binh Gạc Ma

XUÂN THỌ 15/02/2017 08:39

Trong lần đến TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, khi đi trên đường Tăng Bạt Hổ, chúng tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp hiệu ăn “Phở Gạc Ma Trường Sa”. Ừ, thì vào xem thử phở ra sao, cớ gì mang tên Gạc Ma. Từ ngạc nhiên, chúng tôi chuyển sang thú vị và bất ngờ với những câu chuyện của chính chủ quán, người từng tham chiến trong trận Gạc Ma năm 1988.

Cựu chiến binh Lê Minh Thoa và quán “Phở Gạc Ma Trường Sa”. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Cựu chiến binh Lê Minh Thoa.

Chủ quán “Phở Gạc Ma Trường Sa” là cựu chiến binh Lê Minh Thoa (50 tuổi). Trong cuộc gặp tình cờ này, không chỉ được thưởng thức tô phở ngon, chúng tôi còn được cựu chiến binh Lê Minh Thoa dẫn dắt qua một đoạn câu chuyện của đời mình - và có lẽ đây cũng là đoạn đời đáng nhớ nhất của ông.

Ký ức Gạc Ma

Cựu chiến binh Lê Minh Thoa kể, nhập ngũ tuổi 18, ông được đưa đến cảng Cát Lái (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) để huấn luyện. Trong 9 tháng ở đây, ông được rèn luyện và học tập nhiều thứ; song, cơ điện và máy móc liên quan đến tàu thủy là 2 “món” ông được học nhiều nhất. Đến cuối năm 1985, sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, ông được đưa về Lữ đoàn 125 (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) đóng ở cảng Sài Gòn. Đến tháng 3.1986, ông lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc: Trường Sa.
“Hồi đó đi Trường Sa thế nào?” - tôi hỏi. Ông chép miệng, giọng vẫn còn thảng thốt: “Ôi thôi là khổ! Cả năm, chỉ có mỗi tháng 3 là biển hiền nhứt, là trên đường đi ấy, chớ lúc cập đảo thì gian truân không tả xiết. Thành ra, cả năm chỉ trông chờ vào chuyến đi tháng 3, để tăng cường nhu yếu phẩm cho anh em. Thêm một chuyến vào tháng 10, nếu thời tiết không quá xấu, để mang đồ tết ra cho mọi người”. Giọng ông chậm lại, như chờ ký ức ùa về: “Lính Trường Sa khi ấy, tất nhiên là muôn trùng khổ, nhưng không gì xót bằng cảnh nhìn thấy sóng dữ đập ầm ầm vào chân đảo, rồi lôi ngược những ximăng, đá sắt dưới chân đảo ra. Mà cái công cuộc xây dựng và bảo vệ đảo ấy, có dễ dàng đâu. Đảo hồi ấy còn chìm, phải đợi thủy triều xuống mới dùng ximăng khô đắp quanh chân đảo. Để đắp được xi măng, phải chắn sóng không cho xô vỡ xi măng khi chưa kịp khô. Là khi sóng bình thường, chứ sóng to đến, xi măng có khô mấy, cũng bị lôi hết. Hồi đó mà, làm gì như bây giờ”.

Thoạt nhìn, cựu chiến binh Lê Minh Thoa thuộc tạng người trầm, vậy mà kể về thời lính ở Trường Sa, ông say sưa, dồn dập, lồng lộng sóng, ngồn ngộn gió biển. Cũng dễ hiểu, bởi ký ức ấy, đã ăn sâu vào máu thịt ông, đồng đội ông. Hồi đó ông đi tàu HQ602. Nhưng đến cuối năm 1987, sau khi từ Gạc Ma trở về đất liền ăn tết, vừa đến mùng 9 tết, do tình hình ngoài Trường Sa khá lộn xộn, nên ông được gọi tăng cường cho lực lượng trên tàu HQ604 để ra Trường Sa, đây là chuyến đi lần thứ 7 của ông. “Lộn xộn” mà ông nói ở đây, tức là Trung Quốc bắt đầu tăng cường các hoạt động quấy phá.

Tàu đến Gạc Ma vào chiều 13.3.1988, nhưng do lúc này nước còn ngập đảo, nên phải đợi đến đêm, khi thủy triều rút, ông Thoa mới cùng đồng đội lên đảo để chuẩn bị công cuộc xây dựng. Sáng 14.3, khi thủy thủ ta vừa cắm lá cờ Tổ quốc, có đến 3 tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện. Lệnh báo động nhanh chóng được đưa ra, sẵn sàng đối phó với tình hình. Phía tàu Trung Quốc thả ca nô, nhằm hướng Gạc Ma chạy vào. Ông Thoa cùng đồng đội phải căng mình bảo vệ cờ Tổ quốc. Hễ quân Trung Quốc nhổ cờ Việt Nam, rồi cắm cờ nước họ; thì ông và đồng đội nhổ cờ Trung Quốc, rồi cắm cờ Việt Nam lên đảo. Cuộc giằng co cứ diễn ra như thế, không tiếng súng. Bất ngờ, một đồng đội của ông Thoa - tên là Phương bị một lính Trung Quốc dùng lưỡi lê đâm tử vong (Một tư liệu khác cho biết anh Phương bị lính Trung Quốc bắn - PV). Liền sau đó, phía Trung Quốc nổ súng, rồi bắn đạn pháo vào…

…Khi mở mắt, ông Thoa thấy mình lênh đênh trên biển, mặt trời sắp tắt. Bỗng tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, chúng thả ca nô để tiếp cận ông. Khi ấy, ông đang ôm một quả bầu và một quả bí đỏ, do trời tối, không thấy rõ, lính Trung Quốc tưởng ông ôm mìn nên không dám tiếp cận ngay mà cho ca nô chạy lòng vòng, đồng thời bắn nhiều loạt đạn xuống vùng nước xung quanh ông để uy hiếp, buộc ông phải giờ tay đầu hàng. Nhưng ông Thoa nghĩ, vào cái thế này thì nắm chắc phần chết, nên nhất quyết không hàng. Vài tiếng đồng hồ trôi qua, khi biết chắc thứ ông Thoa đang ôm không phải là mìn, lính Trung Quốc mới dám tiếp cận, bắt ông đưa lên ca nô, bịt mắt lại rồi chở về tàu.

Trở về từ cõi chết

Khi ông Thoa được mở bịt mắt, thấy trên boong tàu có 8 đồng đội của mình cùng trong hoàn cảnh: thương tích đầy người và bị trói chặt. Trong 2 ngày 2 đêm ở trên tàu, phía Trung Quốc bỏ mặc ông Thoa cùng đồng đội với những vết thương liên tục rỉ máu, hôi tanh nồng nặc. Sang ngày thứ 3, khi bị chuyển sang tàu khác để đưa vào trại tù, chúng bắt ông Thoa cùng 8 đồng đội đứng ở boong tàu, phơi mình dưới cái nắng tháng 3 giữa biển, chỉ cộc mỗi quần đùi và áo ba lỗ, cháy da.

Thời điểm bị đưa vào đảo Hải Nam, trời trở lạnh, nhưng ông Thoa cùng đồng đội bị bỏ mặc, khiến cho chân tay nổi sộp, bong từng mảng da. Ở đây, chỉ những ai bị thương nặng mới được phía Trung Quốc chữa trị. Còn với ông Thoa, thấy ông có mấy mảnh đạn ghim ở chân, các cai ngục chỉ dùng kiềm để lôi ra, mà không có bất kỳ sự chuẩn bị về mặt y tế nào. Trong thời gian bị giam cầm ở đây, ông Thoa và đồng đội liên tục bị đánh đập, cho đến khi bị đưa đến nhà tù Tô Châu, lao động khổ sai đến hơn 3 năm.

Sau này, khi trở về, ông Thoa mới biết là mình đã được gia đình cho lên… bàn thờ 6 tháng. Chuyện là sau khi nhận được tin trận Gạc Ma, mà gia đình mất liên lạc với ông, nên một thời gian sau quyết định lập bàn thờ, vì nghĩ ông đã chết. Nhớ về thời khắc đó, ông Lê Thừa (74 tuổi, bố cựu chiến binh Lê Minh Thoa) lòng vẫn còn quặn thắt: “Đau lắm cháu ạ! Mình là đàn ông, còn gắng gượng được, chứ mẹ nó thì suy sụp lắm. Mãi đến khi nhận được giấy nó gửi về, mới biết là nó còn sống, bả mới mừng, mới “hồi sinh”, rồi lúi húi dọn dẹp bàn thờ của Thoa”.

Trở lại câu chuyện trước đó, tầm đầu năm 1991, có đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đến giám sát hoạt động ở nhà tù Tô Châu. Đoàn này đã đòi được quyền sống cho các chiến sĩ Việt Nam bị bắt trong trận Gạc Ma, và gửi kèm lời nhắn “các anh có được về hay không là phụ thuộc vào Chính phủ các anh”. Sau đó, đoàn này đưa cho 9 chiến sĩ mỗi người một mảnh giấy, bảo ghi thông điệp gì đó để gửi về gia đình, trong phạm vi 24 chữ. “Tất nhiên là tôi báo tin mình còn sống, cho gia đình khỏi lo. Còn vì sao chỉ ghi được tối đa 24 chữ, đến bây giờ tôi vẫn không biết” - cựu chiến binh Lê Minh Thoa nhớ lại. Đến đầu tháng 9.1991, ông Thoa và đồng đội được trả tự do.

Chất lính…

Trở về cùng với giấy chứng nhận thương tật 11%, ông Thoa quay lại đơn vị tiếp tục công tác, gần 6 năm sau mới xuất ngũ với quân hàm trung úy. Ra quân, ông tất tả ngược xuôi, lúc Sài Gòn, khi Nha Trang; lúc xe ôm, khi phụ hồ… để mưu sinh. Cuộc sống vất vả, người vợ đầu không chịu được, rời bỏ ông. Nỗi đau chiến tranh, nỗi đau đời người, như đè nén, ghì chặt ông xuống trần ai cuộc sống. Sau những năm tha phương xứ người, cựu chiến binh Lê Minh Thoa quyết định trở về Quy Nhơn, phụ giúp cha đang làm nghề bơm vá xe. Được một thời gian, ông tham gia lớp học nấu ăn. Khóa học đó có hơn 80 người, mà chỉ mỗi ông là nam. Hoàn tất khóa học, ông xin làm ở một nhà hàng, sau đó về mở quán phở. Nhớ những kỷ niệm một thời quân ngũ với ký ức không thể quên, ông đặt tên cho tiệm phở của mình là “Phở Gạc Ma Trường Sa”.

Quán “Phở Gạc Ma Trường Sa”.
Quán “Phở Gạc Ma Trường Sa”.

Nhưng người Quy Nhơn khi ấy, cũng như người Bình Định nói chung, chưa quen lắm với món phở, nên quán ông nhiều lúc rơi vào cảnh ế ẩm. Mãi cho đến cách đây tầm 7 năm, khi chợ lớn Quy Nhơn bị cháy, người ta dời chợ, hay chính xác hơn là họp chợ tràn ra đường, trước nhà ông, thì quán “Phở Gạc Ma Trường Sa” mới bắt đầu đông đúc khách. Ăn riết thành quen, quán vẫn đông khách cho đến bây giờ. Cũng nhờ vậy mà cựu chiến binh Lê Minh Thoa và người vợ mới cưới của mình ổn định thu nhập để nuôi cha mẹ đang tuổi xế chiều. Mùa nắng, ông còn bán thêm xe nước mía. Ông nghĩ giản đơn nhưng rất thực tế: “Có tiền lo cho vợ con, cha mẹ già là mừng”.

Từ năm 2013, cựu chiến binh Lê Minh Thoa bắt đầu cảm thấy đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi. Ông đến bệnh viện Quy Nhơn khám, được các bác sĩ cho hay ở phần vai và đầu vẫn còn mấy mảnh đạn. Với chứng nhận của bệnh viện cùng giấy chứng nhận thương tật 11% (ở chân) năm xưa, ông biết rằng đủ điều kiện để làm hồ sơ thủ tục công nhận thương binh, để được hưởng chính sách. Song, từ sâu thẳm trái tim, ông chia sẻ rằng điều đó không cần thiết, bởi mình còn khỏe mạnh trở về, còn có thể làm trụ cột nuôi sống gia đình…

_______________
(Ghi theo lời kể của Cựu binh Lê Minh Thoa).

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ