Trẻ em mưu sinh tại Afghanistan
Cuộc sống khó khăn thiếu thốn, trong vòng xoáy của bạo lực khiến nhiều trẻ em Afghanistan rất dễ bị tổn thương.
Bất chấp thời tiết giá lạnh những ngày qua, cậu bé Sedaqat (11 tuổi) vẫn đứng suốt ngày trên đèo Maipur, dọc theo quốc lộ chính từ thủ đô Kabul (Afghanistan) tới Pakistan để làm hoa tiêu hay hướng dẫn rất nhiều phương tiện ô tô qua lại. Sedaqat và nhiều đứa trẻ như em làm việc tại đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn tại đây. Mỗi ngày, Sedaqat hay thường gọi là “người giám sát giao thông tình nguyện” kiếm được khoảng 4USD với lời cảm ơn từ các tài xế. Nhưng đó là nguồn thu nhập chính của gia đình Sedaqat với người cha bệnh tật. Sedaqat nói rằng, em sợ nhất là khói xe bởi nó làm mắt em cay xè vào ban đêm. “Sedaqat phải mưu sinh khiến tôi thật đau lòng. Tôi vẫn muốn con được đến trường nhưng Sedaqat không còn cách nào khác phải kiếm tiền nuôi cả gia đình” - Nader Khan, cha của Sedeqat nghẹn ngào nói. Vào mỗi buổi sáng, khi các bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, Sedeqat cầm những biển hiệu hướng dẫn giao thông đến khúc cua quen thuộc trên đèo Maipur. Sedeqat nói, em rất muốn đi học và sau này sẽ trở thành cảnh sát giao thông, nhưng giờ em phải kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Giám sát giao thông tình nguyện Sedaqat ở Afghanistan. Ảnh: AP |
Chính phủ Afghanistan cấm trẻ em dưới 14 tuổi lao động và phê chuẩn các công ước quốc tế về chống lao động trẻ em. Tuy nhiên, thống kê ước tính hiện có tới 1/4 trẻ em 5 - 14 tuổi, tức hơn 1,5 triệu trẻ em tại Afghanistan phải lao động để kiếm sống và nhiều em làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm như làm gạch và khai khoáng; trong đó khoảng một nửa lao động này vừa có thể làm việc, vừa tiếp tục đi học. Rahimullah, 15 tuổi nhưng đã có 5 năm làm việc tại một lò gạch ở Kabul. Công việc hằng ngày của Rahimullah bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc đến tận khuya. Nhiều lao động trẻ em như Rahimullah bị tổn thương cả về sức khỏe lẫn tâm lý. Năm 2014, Chính phủ Afghanistan thông báo về 19 lĩnh vực nghề nghiệp cấm lao động trẻ em như dệt thảm, làm gạch và các công việc liên quan đến kim loại. Tuy nhiên, tình trạng lao động trẻ em làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm, độc hại tại đất nước Trung Á này vẫn không hề được cải thiện.
Một thầy giáo tại Kabul kể về trường hợp một học sinh lớp 10 phụ giúp gia đình buôn bán bình dưỡng khí ô-xy tại Kabul. Khi cửa hàng bị phát hỏa, cậu học sinh mất cả tay và chân trong vụ tai nạn. Ba tháng sau, cậu tiếp tục đi học trên đôi chân giả của mình. Thầy giáo này cũng cho hay, những trường hợp tai nạn lao động rất đau lòng ở trẻ em thường xảy ra ở Kabul và trên khắp đất nước Aghanistan do nghèo đói, xung đột. Các em phải làm đủ mọi công việc tại các đường phố, cửa hàng, các xưởng sản xuất, trên cánh đồng để kiếm tiền giúp gia đình.
Như lúc mới 10 tuổi, Sami Rahimi phải đến làm việc tại một tiệm bánh mỳ khi trời còn mờ tối. Mỗi sáng, Sami Rahimi phải gánh nước từ giếng công cộng trong vùng về tiệm để nhồi bột và bán bánh. Làm việc 6 ngày một tuần, Sami kiếm được 80 USD/tháng và cũng đủ phụ giúp gia đình 10 người. Sami Rahimi cho biết, có một số em làm việc trong tiệm bánh mỳ này lúc mới 8 tuổi. “Cháu rất vui khi được làm việc giúp gia đình nhưng dĩ nhiên là cháu vẫn thích đi học” - Sami Rahimi nói.
QUỐC HƯNG