Lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp
Hôm qua 9.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có buổi họp mặt thân mật với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Tại cuộc gặp gỡ này, đại diện nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị về những tồn tại, vướng mắc trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.
Mở đầu cuộc họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, thành công của Quảng Nam trong 20 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, một ngành kinh tế được xem là chủ lực của tỉnh. Với tinh thần hết sức cầu thị, hôm nay lãnh đạo tỉnh rất muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp chân tình, thẳng thắn về các khó khăn, vướng mắc trong khâu xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất… để cùng nhau tháo gỡ với mục đích tạo bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp, quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp, nông dân cùng có lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp vào hôm qua 9.2. Ảnh: VĂN SỰ |
Cần mở rộng vùng sản xuất giống lúa
Tại buổi gặp mặt, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình bày tỏ: “Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp vào Quảng Nam tổ chức sản xuất kinh doanh đã tròn 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên được UBND tỉnh mời dự cuộc gặp mặt thân mật. Mặc dù đầu năm công việc rất bề bộn nhưng tôi vẫn cố gắng dàn xếp thời gian để bay từ Thái Bình vào đây tham dự, dẫu rằng ở ngay tại Tam Kỳ đã có Giám đốc Chi nhánh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Và thật lòng mà nói, tôi rất xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh dành cho đơn vị mình”.
Đại diện các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến chân thành, thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh. |
Theo ông Báo, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm doanh nghiệp hợp tác với nông dân Quảng Nam sản xuất ít nhất 1.000ha giống lúa các loại và đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 5.000 - 6.000 tấn. Sự liên kết này không chỉ mang lại nguồn lợi rất lớn cho công ty mà còn giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích so với trước đây làm lúa thương phẩm. Với nhiều yếu tố hết sức thuận lợi, trong thời gian tới tỉnh cần tiến hành quy hoạch, mở rộng thêm những vùng chuyên canh giống lúa hàng hóa tập trung, biến Quảng Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng các loại giống lúa có chất lượng tốt của cả nước. Đồng thời nên nghiên cứu đầu tư xây dựng một khu nông - công nghiệp công nghệ cao tại huyện Đại Lộc như đề nghị của nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cách đây mấy năm. Ngoài ra, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất và cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch cũng như xây dựng nhà kho, hệ thống máy sấy… Bởi, liên kết sản xuất hàng hóa với số lượng lớn mà hạ tầng yếu kém, phương tiện máy móc thiếu thốn và lạc hậu thì các hợp tác xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, Quảng Nam đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp đến liên kết với nông dân sản xuất lúa giống hàng hóa. |
Trong khi đó, ông Đỗ Tiến Sĩ - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương tại khu vực miền Trung & Tây Nguyên cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường đối với nông dân hiện nay vẫn còn quá mơ hồ. Mặc dù thời gian qua công ty đã đầu tư rất nhiều loại giống và vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc liên kết sản xuất, nhưng có một thực tế là diện tích đất canh tác của từng hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chính vì vậy, sắp tới, UBND tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa khâu tích tụ ruộng đất để nhanh chóng xây dựng những vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân dễ dàng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Nhiều kiến nghị thiết thực
Ông Phạm Phú Trăng - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam tại miền Trung cho rằng, ngành chăn nuôi Quảng Nam hiện vẫn còn ở quy mô vừa và nhỏ. Thời gian qua, công ty có kế hoạch liên kết với nhiều nông dân xây dựng những trang trại chăn nuôi heo hướng nạc với số lượng mỗi mô hình từ 1.000 con trở lên nhưng lại gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất. Ông Trăng mong UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty sớm triển khai thực hiện các dự án hợp tác chăn nuôi với nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong năm 2017 này và những năm kế tiếp Quảng Nam sẽ quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh hôm mùng Ba Tết Đinh Dậu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ từ trên rừng xuống dưới biển, từ vùng đồng bằng lên khu vực trung du và miền núi. Ngoài sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị và nông dân địa phương, để việc tái cơ cấu mang lại thành công lớn, rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp. Tôi cũng xin hứa với các vị rằng, sắp tới tỉnh sẽ thành lập những “đội đặc nhiệm” mà nòng cốt là ngành nông nghiệp và Trung tâm Hành chính công - xúc tiến đầu tư tỉnh để giải quyết nhanh chóng những hồ sơ, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”. |
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ông Đặng Công Quang - Phó Giám đốc Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam khẳng định, tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển mô hình trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn vẫn chưa có những cơ sở cung ứng giống keo nguyên liệu có chất lượng tốt nên trong thời gian qua công ty phải đi mua cây giống từ tỉnh Bình Định với giá thành cao vì tốn rất nhiều chi phí cho việc vận chuyển, bốc xếp. Mặt khác, nguồn keo nguyên liệu mà Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam thu mua từ người dân ở nhiều nơi của tỉnh lại kém chất lượng, chỉ dùng để lấy dăm gỗ chứ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ông Quang nói: “Theo tôi, UBND tỉnh cần có quy hoạch vùng chuyên trồng cây lâm nghiệp theo từng mục đích sử dụng khác nhau. Trong đó, tập trung thực hiện trên quy mô lớn, tránh trường hợp để người dân trồng theo kiểu nhỏ lẻ rồi sau này nhận ra hệ quả mới quay lại quy hoạch như câu chuyện tích tụ ruộng đất của lĩnh vực sản xuất lúa và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Bởi, lâm nghiệp cũng có thể áp dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam sẽ thành lập một trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao và tôi mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để công ty sớm triển khai dự án”.
Ở lĩnh vực thủy sản, bà Dương Thị Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Hoa Quảng Nam chia sẻ, thời gian qua công ty đã làm rất tốt khâu thu mua, chế biến các loại hải sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh đánh bắt. Không chỉ vậy, đơn vị còn đầu tư vào việc nuôi thủy sản ven sông, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, công ty lại gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận những kênh vốn vay ưu đãi khi có nhu cầu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Vì thế, bà Hiếu đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan sớm quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình trong vấn đề này...
VĂN SỰ - PHAN VINH