Nghề chăm sóc sản phụ sau sinh
Thôn Nông Sơn, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn có không ít người làm nghề chăm sóc sản phụ sau sinh. Người có thâm niên cao nhất hơn 15 năm, người mới vào nghề cũng đã từng chăm sóc cho cả chục “mẹ và em bé”.
Chị L.T.N. cho hay, chị làm nghề chăm sóc sản phụ sau sinh (mà dân gian gọi nôm na là nghề nuôi đẻ) đã hơn 15 năm nay. Theo lời chị N., năm 1978, chị xin vào làm ở nhà giữ trẻ của HTX Điện Phước 1. Để đảm bảo yêu cầu công việc, chị được địa phương đưa đi học một lớp sơ cấp kiến thức nuôi trẻ. Sau 10 năm công tác ở đây, vì bận bịu con nhỏ nên chị xin nghỉ. Năm 2000, chị N. bắt đầu với nghề chăm sóc sản phụ sau sinh cho đến nay. Chị bảo, chị yêu trẻ con nên thích nghề này. Bắt nguồn từ nghề giữ trẻ mà về sau chị chuyển sang nghề nuôi đẻ, đều là công việc gắn với trẻ con.
Chị N. và chị B. kể chuyện về nghề chăm sóc sản phụ sau sinh. Ảnh: P.NAM |
Sau khi mẹ con sản phụ từ bệnh viện về nhà, chị N. chính thức bước vào công việc chính của nghề chăm sóc sản phụ sau sinh. Chị dậy từ 3 giờ sáng, quạt than để hơ mặt, tay chân cho sản phụ, sau đó, nấu nếp để rà mặt cho người mẹ vừa sinh, nhằm giúp cho da hồng hào, tươi tắn. Chiều, chị lại nấu nước xông, hơ háp cho em bé. Xen giữa các công việc hơ, háp, xông... chị nấu cơm, giặt giũ quần áo cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Gặp những trường hợp trẻ hay khóc, chị phụ giúp với sản phụ hát ru cho em bé ngủ. Vì công việc khó nhọc nên những người chăm sóc sản phụ sau sinh được trả công xá khá cao, hiện nay là 8 triệu đồng/tháng. Thấy chị N. làm nghề chăm sóc sản phụ sau sinh có thu nhập cao, nhiều phụ nữ trong thôn cũng tập tành theo nghề này. Họ nhờ chị hướng dẫn cách chăm sóc cho sản phụ, bồng ẵm, tắm táp cho em bé… Chị sẵn sàng chỉ vẽ, vì thế đến nay cả thôn đã có 8 người cùng làm nghề như chị.
Vì không có trường lớp nào đào tạo nên mỗi người làm nghề chăm sóc sản phụ sau sinh có “giáo án” riêng để chăm sóc cho mẹ và bé. Có người dùng muối để xông mặt cho sản phụ nhưng cũng có người xông bằng nước cà rốt. Có người dùng lá bạch đàn, lá sả để sản phụ xông cơ thể, nhưng cũng có người dùng lá chanh, cây mắc cỡ... Chị N. cho hay: “Phụ nữ sau khi sinh mà không kiêng cữ, xông hơ không kỹ thì sau này xuống sức, xuống sắc nhanh lắm. Nếu được xông hơ bài bản, nước da sẽ hồng hào. Còn đối với em bé, hơ kỹ sẽ tốt, tránh được bệnh đường ruột, cảm cúm, sổ mũi…”. Không chỉ xông hơ, những người chăm sóc sản phụ sau sinh còn phải biết cách xử lý khi em bé ọc sữa hay nóng sốt, đi lỏng... Rồi họ hướng dẫn người mẹ ăn thức ăn gì để sinh nhiều sữa, khuyên người chồng thường xuyên quan tâm đến người vợ đang ở cữ, giải thích cho các bô lão khi sản phụ sinh cháu không như ý muốn của họ...
Theo giới thiệu của chị N., chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với những người chăm sóc sản phụ sau sinh ở thôn Nông Sơn như chị Đ.T.B., chị N.T.T., chị H.T.H... Các chị bảo rằng, hầu hết sản phụ chỉ bằng tuổi con của mình. Vả lại, mình cũng là phụ nữ nên có sự đồng cảm và muốn giúp mẹ con sản phụ khỏe mạnh sau kỳ “nở nhụy khai hoa”. Công việc chăm sóc sản phụ sau sinh rất vất vả nhưng làm nghề này đều là phụ nữ nông thôn chăm chỉ, nhẫn nại, vì thế giữa họ với chủ luôn có mối quan hệ thân tình, ít khi gặp phải trường hợp khiến họ tủi thân. “Theo được nghề này, ngoài kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, người chăm sóc sản phụ sau sinh cần phải có tấm lòng nhân hậu của một người mẹ, xem con người ta cũng như con cháu mình. Có như vậy mới gắn bó được với nghề, mới đem lại những tiếng cười hạnh phúc cho những cặp vợ chồng trẻ” - chị N. bảo.
PHƯƠNG NAM