Tiếp nối "di sản" tinh thần Phan Châu Trinh

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC 08/02/2017 08:46

Thêm một lần nữa, di sản tinh thần cụ Phan Châu Trinh được kế thừa bởi những người tâm huyết, với sự ra đời của Viện Phan Châu Trinh tại Hội An.

Ra mắt Hội đồng khoa học Viện Phan Châu Trinh. Ảnh: Minh Hải
Ra mắt Hội đồng khoa học Viện Phan Châu Trinh. Ảnh: Minh Hải

Hôm qua 7.2, tại TP.Hội An, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã chứng kiến lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh - như một cách dựng lại những giá trị văn hóa tư tưởng lớn của cụ Phan và tìm cách đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển khoa học, văn hóa, xã hội, giáo dục… của đất nước.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Viện Phan Châu Trinh: Quan trọng là chúng ta nhìn đến tương lai

Viện Phan Châu Trinh không phải của riêng Quảng Nam thời hiện tại mà còn cho nhiều thế hệ con cháu tiếp nối phát triển. Chúng tôi mong muốn có những nhà doanh nghiệp góp sức về hoạt động của viện. Vì vấn đề tài chính cũng là một trong những yếu tố để viện hoạt động tốt. Mọi người đều biết đất nước ta đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng cũng vẫn có rất nhiều thách thức. Chúng ta nhìn vào quá khứ, nhìn hiện tại, nhưng quan trọng là chúng ta nhìn đến tương lai. Tôi nghĩ rằng trước mắt viện có nhiều việc phải làm. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Mong rằng Viện Phan Châu Trinh sớm có những sản phẩm, hoạt động chất lượng để đóng góp vào sự phát triển của Quảng Nam và TP.Hội An”. MINH HẢI (ghi)

Trong diễn từ tại lễ ra mắt, nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng viện khẳng định: “Viện Phan Châu Trinh ra đời, đúng như tên gọi, nhằm góp phần phát huy giá trị di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh trong phát triển của đất nước ngày nay”. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, từ hơn một trăm năm trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu nước, Phan Châu Trinh là người đầu tiên nhận ra mối họa lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc hậu nặng nề về văn hóa và văn minh với đối thủ mới của mình, với thế giới. Bởi, chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng nô lệ. Nhận ra điều đó, cụ Phan chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa. “Chúng tôi nghĩ: Cần hiểu, dù chỉ vắn tắt nhất, về điều được gọi là “Triết học Phan Châu Trinh” như vậy, để thấy rằng ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc liệt và anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh minh của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng sáng suốt phát hiện và báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí theo cách nào đó càng nóng bỏng cấp thiết hơn. Viện Phan Châu Trinh được thành lập hôm nay chính là trên và vì ý hướng đó” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.

Với những mục tiêu như phấn đấu thành một viện nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội và văn hóa; ra sức thu hút tinh hoa thế giới và phát huy tinh hoa Việt; ngay từ đầu tư xây dựng cho mình một tinh thần nghiêm túc khoa học trong mọi hoạt động lớn nhỏ của mình…, Viện Phan Châu Trinh được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm của miền Trung về các vấn đề nghiên cứu trong đời sống. Theo bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Viện Phan Châu Trinh, cần phải có sự hợp sức của các nhà doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương, người dân để những mục tiêu Viện Phan Châu Trinh đặt ra sớm thành hiện thực.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Viện Phan Châu Trinh ra đời ở Quảng Nam, và đứng chân tại Hội An. “Quảng Nam vốn là đất học, đất mở, và đất canh tân. Hội An, với tất cả sự khiêm tốn của mình, rõ ràng là điểm sáng văn hóa của cả nước và được thế giới quay nhìn. Được sinh ra trên một miền đất “chưa mưa đà thấm”, quê hương của nhà khai sáng hàng đầu như thế này là may mắn lớn của viện. Đồng thời viện cũng tự thấy nhiệm vụ trước tiên của mình là tập trung nghiên cứu về tư tưởng khai sáng của Phan Châu Trinh, và đưa tư tưởng lớn ấy vào phục vụ thiết thực cho sự phát triển của quê hương” - nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao

Sau lễ ra mắt, Viện Phan Châu Trinh triển khai một số dịch vụ văn hóa và xã hội thông qua các trung tâm của mình như Trung tâm Ngoại ngữ, dạy tiếng Anh, và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Trung tâm Văn hóa xứ Quảng... Đặc biệt, trong cuộc làm việc đầu tiên của lãnh đạo tỉnh với Viện Phan Châu Trinh, Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho viện nhiệm vụ biên soạn bộ “Toàn chí Quảng Nam”, được xem như một bộ bách khoa toàn diện về Quảng Nam. Đây sẽ là một bộ sách lớn, dự kiến gồm hơn 20 tập, hoàn thành trong 5 năm. Song song với bộ toàn chí, bước đầu Viện cũng sẽ triển khai công trình nghiên cứu về vai trò của tư tưởng Phan Châu Trinh trong lịch sử tư tưởng cận đại và hiện đại Việt Nam; công trình tổng kết 30 năm phát triển của Hội An và những thách thức mới của Hội An hiện nay; công trình điều tra về xã hội học ở miền đông Quảng Nam trong dự án phát triển vùng đất… Về lâu dài, Viện thực hiện những công trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cùng một số công trình về văn hóa - xã hội và về con người Việt Nam nói chung…

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC