Thầy thuốc của đồng bào Cơ Tu
Đến thôn Bút Nhót (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) không ai không biết đến già làng Ating Cao Tin. Già làng Ating Cao Tin là thầy thuốc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng của đồng bào Cơ Tu ở vùng cao nơi đây.
Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng già làng Ating Cao Tin vẫn thường xuyên khám bệnh, bốc thuốc, vận động bà con ở các thôn bản xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Căn nhà nhỏ của già làng trở thành “bệnh viện” thu nhỏ ở xã Sông Kôn. Bởi lẽ vì nơi đây với đầy đủ các dụng cụ y tế, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào địa phương. Già làng Ating Cao Tin vẫn còn minh mẫn khi trò chuyện với người dân đến khám bệnh tại phòng khám nhỏ của ông tại thôn Bút Nhót. Nhiều người dân trong vùng khi bị đau ốm nhẹ, hoặc bị thương đều tìm đến già làng Ating Cao Tin để lấy thuốc. Nhờ uy tín và kiến thức điều trị bệnh của già Cao Tin mà nhiều hủ tục lạc hậu ngày trước đã bị đẩy lùi.
Tiếng lành đồn xa, phòng khám bệnh của già làng ATing Cao Tin thường xuyên được đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang cũng như Tây Giang tìm đến chữa bệnh. Trước cửa nhà ông, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đứng chờ đợi. Ông Bhling Blóo - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sông Kôn cho hay: “Ông ATing Cao Tin về nghỉ hưu nhưng vẫn luôn gắn bó với nhân dân, với người già, người trẻ ở địa phương. Nhiều người tin tưởng già làng ATing Cao Tin chẩn đoán bệnh chính xác, vì thế mỗi khi đau ốm đều nhờ cậy ông”.
Già làng Ating Cao Tin chia sẻ, ông đi theo cách mạng từ nhỏ. Năm 18 tuổi, ông được cử đi học lớp sơ cấp về nghề y và trở thành một y tá thôn bản, đi khắp các xã vùng cao khó khăn ở huyện Đông Giang, tham gia gùi hàng theo các đoàn dân công hỏa tuyến dọc tuyến đường Trường Sơn. Với niềm đam mê nghề nghiệp, ông đã không ngừng tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 1975 ông tốt nghiệp trường trung cấp y hệ chính quy, sau đó ít năm, ông được phân công làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang. Ngày trước, ở khu vực miền núi của Quảng Nam đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn nên phải đi bộ. Các thôn bản nằm tách biệt sâu trong rừng nên nhiều hủ tục cứ dai dẳng đeo bám cuộc sống của đồng bào. Mỗi khi trong gia đình có người bị đau ốm, bà con lại mời thầy cúng về, rồi mổ heo, mổ bò để cúng bắt con ma ra khỏi người bệnh. Để vận động bà con thực hiện ăn chín, uống sôi, sinh hoạt hợp vệ sinh, ông phải đi bộ nhiều ngày liền vào các thôn bản cùng ăn, cùng ở với người dân, hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo. Trước đây, ở các huyện miền núi cao bệnh sốt rét đã trở thành nỗi sợ hãi của người dân, nhưng riêng đối với huyện Đông Giang, nhờ công tác phòng chống dịch bệnh tốt nên rất hiếm khi có người mắc bệnh và trở thành điểm sáng trong công tác y tế dự phòng. Với nụ cười hiền hậu, già làng Ating Cao Tin chia sẻ: “Trước đây già sinh ra ở mảnh đất Sông Kôn, khám chữa bệnh cho bà con đã lâu, từ năm 1976. Được bà con tin tưởng không phải bởi mình có uy tín về khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng có uy về khám, điều trị lâm sàng. Đối với trường hợp chữa bệnh được thì mình cố gắng hết sức, bởi vì người già, con nhỏ không có tiền đi những nơi xa. Còn với các trường hợp bệnh nặng thì già giới thiệu bà con đến bệnh viện để điều trị”.
Với hơn 50 năm gắn bó với nghề y, hình ảnh già làng Ating Cao Tin đã gắn bó quen thuộc với mọi người dân ở những bản làng xa xôi nhất của huyện Đông Giang. Sức khỏe già làng Cao Tin cũng ngày một yếu đi, song hễ có người đến chữa bệnh là ông vẫn cố gắng hoàn thành tốt bổn phận của một thầy thuốc. Với những đóng góp của mình, già làng Ating Cao Tin đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.
THÁI BÌNH