Kinh tế Việt Nam qua báo chí nước ngoài

NAM VIỆT 03/02/2017 10:11

Làn sóng di cư ra thành phố đang tạo nên nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, phát triển kinh tế bên cạnh không ít thách thức.

Tờ Bangkok Post (Thái Lan) số ra ngày 30.1.2017 cho hay, nếu như cách đây 30 năm, dân số tại các thành thị chiếm 20% dân số Việt Nam thì đến năm 2015, tỷ lệ này tăng lên 34% và được dự báo là 50% vào năm 2025. Trong đó tập trung đông nhất là tại 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, Cần Thơ (thành phố lớn phát triển nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 1,3 triệu dân) và Hải Phòng (thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, khoảng 2,1 triệu dân) đang trở thành điểm dừng chân hấp dẫn người di cư trong nước. Theo Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan Somkiat Tangkitvanich, một nền kinh tế mở rộng nhanh cùng với sự phát triển mạnh tại các thành phố sẽ kéo theo gia tăng của tầng lớp trung lưu xu hướng tiêu dùng mới, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới từ lĩnh vực giải trí đến công nghiệp ô tô, nhà ở, nâng cao đời sống cho người dân.

Việt Nam, một thị trường bán lẻ tiềm năng. Ảnh:Naviworld
Việt Nam, một thị trường bán lẻ tiềm năng. Ảnh:Naviworld

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, đây cũng là xu hướng chung của khu vực châu Á. Dân số hiện sinh sống tại các đô thị tại châu Á là 2,2 tỷ người, tức chiếm một nửa tổng dân số khu vực và tiếp tục tăng lên 3,3 tỷ người vào năm 2050. John Ditty, chuyên gia dịch vụ tư vấn và quản lý KPMG tại Việt Nam nói, làn sóng đô thị hóa sẽ thổi luồng sinh khí mới và tác động đến nhiều hoạt động kinh tế then chốt của đất nước. Trong vòng 10 năm qua, thu nhập cá nhân sau thuế tại Việt Nam tăng 6% mỗi năm và chi tiêu của người dân tăng gấp đôi. Từ một quốc gia có mức thu nhập thấp khoảng 98USD/người vào năm 1999 đã tăng lên hơn 2.200USD/người vào năm 2016. “Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 93 triệu người và 62% trong số đó đang ở độ tuổi bắt đầu chi tiêu, mua xe hơi, sử dụng các dịch vụ sức khỏe, giáo dục…” - John Ditty giải thích thêm. Đơn cử, năm 2016 thị trường ô tô Việt Nam lập kỷ lục về lượng xe bán ra, đạt 304.427 chiếc, dự báo sẽ tăng thêm khoảng 10%, lên mức 350.000 xe trong năm 2017.

Một điểm lạc quan khác mà Bangkok Post nhắc đến là trong khi nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số thì xu hướng này tại Việt Nam diễn ra đến năm 2040. Bên cạnh đó, năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam 20,9 tỷ USD, giảm 8%; nhưng vốn giải ngân 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt giải ngân cao nhất từ trước đến nay, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chuyên gia kinh tế Wirat Sirikajornkij cho biết nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến các quốc gia thuộc khối CLMV bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là những thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn từ làn sóng đô thị hóa ồ ạt, thực tế đặt ra cho các nhà quản lý cần hoạch định kiến trúc đô thị gắn với phát triển bền vững đi kèm với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là trong bối cảnh quan tâm chung của toàn cầu khi quá trình đô thị hóa tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù đây là xu hướng tất yếu nhưng nếu không có sự kiểm soát tốt, sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

NAM VIỆT

NAM VIỆT