Cuộc chiến với "ma rừng"
(Xuân Đinh Dậu) - Gặp, trò chuyện với những người có thâm niên trong ngành mới thấy, thành công nhất đối với y tế miền núi trong 20 năm từ khi tái lập tỉnh chính là đẩy đuổi con ma rừng trong tâm thức của người dân vùng cao. Và những thầy mo lợi dụng niềm tin của đồng bào chính là “con ma rừng” đáng sợ nhất.
Toàn tỉnh có 9 huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cùng biết bao hủ tục nặng nề. Cách đây mươi năm, ám ảnh về con ma rừng bắt bệnh tung hoành tới tận sâu trong tiềm thức của họ. Lúc đó, họ tin vào những thầy mo của làng hơn là tin lời bác sĩ. Anh bạn đồng nghiệp là người đồng bào dân tộc thiểu số kể rằng, hồi mới sinh ra, cả làng bắt phải chôn sống anh chỉ bởi anh chẳng... chịu khóc. Họ bảo đứa trẻ nào bị con ma rừng bịt miệng, có nuôi lớn lên cũng sẽ bị câm mà thôi… Nói thế để thấy được rằng, thay đổi nhận thức của bà con, làm cho họ tin vào y học hiện đại là thành quả của cả quá trình nhọc nhằn.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân là cách để kéo họ gần lại với y học hiện đại. Ảnh : NGUYỄN DƯƠNG |
Thay thế thầy mo
Phải khẳng định ngay rằng, thành công lớn nhất của ngành y tế về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở miền núi là thầy thuốc đã thay thế được vai trò của thầy mo trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nhớ lại hồi mới về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Ga Ry, huyện Tây Giang, bác sĩ Bríu Kiêm không khỏi rùng mình. “Hồi đó bà con tin thầy lang hơn tin bác sĩ. Bất cứ bệnh gì, kể cả do tai nạn lao động, người dân cũng tin rằng đó là do con ma rừng quở trách. Phải mổ trâu, giết gà cúng mới hết bệnh. Đồng bào đến cái ăn còn khó khăn, nhưng nghe theo lời thầy mo, họ sẵn sàng mổ heo, giết gà để cúng mong cho khỏi bệnh” - bác sĩ Bríu Kiêm nói. Anh kể, cách đây chừng 7 năm, có một ca bị viêm ruột cấp ở xa lắm, giáp với đất Lào kia. Người nhà chỉ chịu chạy đi thông báo với bác sĩ khi các thầy mo trong làng đã giở hết phép, heo gà cũng giết hết mà bệnh vẫn không khỏi. Qua những mô tả của người nhà, anh đã phần nào đoán ra bệnh, nhưng chưa biết được mức độ nặng nhẹ. Vậy là băng rừng đi. Đến nơi, qua chẩn đoán sơ bộ, anh biết bệnh nhân bị viêm ruột ở mức độ nhẹ, có thể kiểm soát được. Vậy là thở phào nhẹ nhõm, cắt thuốc và dặn dò người nhà chăm sóc bệnh nhân. Sau khi trở về, chừng như chưa yên tâm, cứ cách vài ngày anh lại băng rừng để kiểm tra người bệnh đến khi nào hết hẳn mới thôi. Cũng từ đó, ý nghĩ “tài chữa bệnh của bác sĩ hơn các thầy mo trong làng” dần hình thành, có bệnh người dân tìm đến bác sĩ nhiều hơn.
Cuộc chiến với con ma rừng, giành giật sự sống của bệnh nhân cách đây chừng mươi năm là chuyện xảy ra như cơm bữa với người thầy thuốc ở vùng cao. Có những kỷ niệm còn mãi ám ảnh, bởi ngay chính họ cũng là người đồng bào, khi thoát ly, được tiếp cận với kiến thức mới, nhìn lại cũng thấy rùng mình với những hủ tục của dân làng nơi mình đang sống. Anh Bríu Hạnh - Phó Trưởng trạm Quân dân y kết hợp xã A Xan, huyện Tây Giang vẫn còn nhớ chuyện cách đây cũng gần 10 năm, lúc đang công tác ở Trạm Y tế xã Tr’Hy. Khi đó, người dân ở đây tin vào những thầy mo chuyên trị bệnh bằng cách “thổi”. Bị đau chỗ nào thì “thổi” chỗ đó. “Để chữa trị, thầy mo cầm bó nhang cháy rực, khấn lầm rầm điều gì đó không ai nghe rõ rồi ngậm ngụm rượu, phun qua bó nhang thành ngọn lửa đỏ rực vào nơi người bệnh bị đau ” - anh Bríu Hạnh kể.
Có lần Bríu Hạnh đã phải cùng 3 người khác trong trạm y tế khăn gói xuống thôn Voòng để cấp cứu một người bệnh, sau khi người nhà đã cúng bái, mời đủ thầy mo trong làng chữa trị mà không khỏi. “Theo lời người lên trạm y tế kể, trong làng có ông Pơloong Dênhl bị bệnh đã mấy ngày mà không khỏi. Cả làng rất sợ, bảo do con ma rừng nó ám khiến cho Dênhl mấy ngày không ăn, không nói được gì. Lúc đó anh em trong trạm dự đoán tình hình rồi xuống bản. Thì ra Dênhl bị tụt huyết áp khiến người mệt mỏi nhiều ngày không ăn không uống nên thiếu nước, thiếu chất, người lả đi không nói nổi. Chúng tôi sơ cứu rồi đưa lên trạm, chuyền cho 2 bình nước là khỏe ngay, ngồi dậy nói chuyện bình thường” - Bríu Hạnh kể.
Có bệnh đã biết đến trạm xá
Kể về những hủ tục cúng bái khi có bệnh của đồng bào dân tộc thiểu số thì quá nhiều chuyện. Chính người viết cũng từng chứng kiến chuyện tưởng chỉ xảy ra ở thời rất xa xưa: mẹ chết sau khi sinh, người dân đòi chôn con theo mẹ; phụ nữ đến kỳ sinh nở phải dựng lều ở bìa rừng, chỉ được vào nhà sau bảy ngày, khi đã có lễ cúng làng; hay mới đây nhất là chuyện người dân sợ tiêm thuốc còn hơn sợ chết ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Và, để thay đổi được điều đó có thể nói là thành tựu lớn của ngành y tế. “Tuyên truyền, vận động là một chuyện, nhưng để họ tin mình mới là khó. Phải chữa được những bệnh mà thầy mo không chữa khỏi thì họ mới tin vào y học hiện đại. Nếu không chữa được, thậm chí để người ta chết ở trạm y tế của mình thì chuyện càng nặng nề hơn” - bác sĩ Phạm Hồng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang chia sẻ.
Hơn 20 năm gắn bó với vùng núi cao này, không có tình huống nào là bác sĩ Hà chưa trải qua, có những lúc phải giành giật sinh mạng con người với cả làng. Cách đây chưa lâu, ở xã Zuôih có 3 người bị chó dại cắn, một người trong số đó đã phát bệnh và tử vong. Người làng cứ nghĩ đó là do đắc tội với ma rừng nên bị bắt chết. Vậy là cúng bái để cầu khẩn. Hay tin, các bác sĩ ở trung tâm lên tận nơi, giải thích với dân làng, yêu cầu được chữa bệnh, nếu không sẽ lại có người chết. “Chỉ đến khi mình chịu cam đoan sẽ chữa khỏi, dân làng mới chịu cho tiêm thuốc. Lúc đó cũng đành liều, bởi không thể đoán chắc là có thể kháng lại vi rút bệnh dại hay không, vì thời điểm người bị chó cắn đã khá lâu. May mà cuối cùng cũng chữa được. Anh em ở trạm ai cũng thở phào” - bác sĩ Hà kể.
Cũng từ đó, Phòng khám Đa khoa Chà Vàl (cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Nam Giang) phục vụ 8 xã biên giới trước đây heo hút bao nhiêu thì nay đông đúc bấy nhiêu. Quy mô của phòng chỉ 37 giường nhưng số bệnh nhân nội trú lúc nào cũng 40 - 50 người. Gặp chúng tôi khi vừa lấy thuốc từ phòng khám, anh Un Giàng (32 tuổi, trú thôn La bơ B, xã Chà Vàl) nói: “Mình bị đau cái bụng, ăn vào lại nôn ra. Lên khám, bác sĩ bảo rối loạn tiêu hóa rồi cho thuốc. Bác sĩ mới la xong, vì lần trước đã bị rồi. Bác sĩ dặn không được ăn bậy bạ, uống rượu nhiều, nhưng gặp bạn bè vui, quá chén tí lại bị”. “Ý thức chăm sóc sức khỏe bằng y học hiện đại hầu như đã đến với từng thôn bản gần xa. Thay đổi lớn nhất chính là nay có bệnh họ đã biết đến trạm xá khám chứ không ở nhà mời thầy mo và tự điều trị như trước. Giao thông cũng thuận tiện hơn rất nhiều, không còn cảnh gánh người đau vượt rừng, vượt núi như trước nữa nên người dân cũng dễ dàng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình” - chị Vương Thị Cẩm, cán bộ Phòng khám Đa khoa Chà Vàl cho biết.
Thành công của các bác sĩ nơi vùng núi cao này chính là dần đẩy đuổi được con ma rừng ám ảnh, đánh bại được thầy mo trong nhận thức của dân bản. Đó cũng là đã đánh bại nỗi sợ hãi truyền từ đời này sang đời khác, phá đi rào cản để đồng bào vùng cao có thể tiệm cận hơn với những kiến thức mới, với cuộc sống được chăm sóc đầy đủ hơn.
NGUYỄN DƯƠNG