Làng có dòng sông hoa
(QNO) - Làng Hương Trà ven sông Tam Kỳ là ngôi làng đặc biệt. Trước hết, đó là một làng trồng rất nhiều cây sưa, loài cây tàn lá sum suê, thân cổ thụ nhưng trổ hoa mỏng manh, nhẹ nhàng như cánh bướm.
Nếu bạn đã từng thấy ngàn ánh vàng lung linh từ những chiếc đèn được thả lênh đênh trên sóng nước sông Hương xứ Huế hoặc trên sông Hoài ở Hội An trong đêm hoa đăng của những mùa lễ hội, thì bạn có thể tưởng tượng được hình ảnh những thảm hoa vàng ngời sắc nắng trên sông Tam Kỳ vào mùa sưa nở rộ.
Sưa vàng bên sông Tam Kỳ. Ảnh: HỒ TRUNG TÚ |
Mỗi năm hai lần vào trung tuần tháng ba và thượng tuần tháng tư âm lịch, những hàng sưa quanh năm rủ bóng xuống dòng sông Tam Kỳ đồng loạt mãn khai những chùm sưa đầy nụ hoa vàng. Chùm hoa nọ chen chùm kia che khuất lá xanh khiến cả tàn sưa sum suê kia phút chốc chuyển thành một màu óng ả. Dưới nắng nhẹ trời xuân, ánh vàng hoa sưa phản chiếu xuống mặt sông thành một dãi lụa đào đẹp một cách lạ lùng. Sắc hoa sưa trên trời xanh, sắc hoa sưa lung linh phản chiếu trên mặt nước... quyện với ánh ngời ngời của từng thảm hoa trôi trên mặt sông, tất cả tạo thành một quãng sông vàng khiến bất cứ ai, dù chỉ gặp một lần, có lẽ sẽ nhớ đến suốt đời.
Không chỉ rủ bóng la đà ven sông, những hàng sưa cổ thụ tỏa rợp đầu làng, cuối ngõ. Lá sưa xanh phủ dày làm cho con đường làng như sâu và xanh hơn. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá vòm sưa đan thành những đường xiên khoai lấp lánh. Mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua, hoa sưa rơi từng đợt, từng đợt như ngàn cánh bướm vàng. Hoa rơi trên đầu trên vai, hoa run nhẹ theo từng bước chân ai ngại ngần như không dám chạm xuống thảm sưa vàng hết lớp nọ đến lớp kia ken dày trên đất. Có đi trên những con đường Hương Trà, Tam Kỳ mùa sưa nở mới thấy được vẻ rất riêng của một tổng thể giao hòa gió - nắng - lá - hoa đầy sắc hương chưa dễ nơi nào có được.
Sưa vàng in bóng trời xanh.Ảnh: PHÚ BÌNH |
Nói "hương" bởi vẻ đẹp riêng của Hương Trà còn toát lên bởi mùi sưa đậm đà. Mỗi sớm mai, nhựa trên từng thân sưa cổ thụ ứa ra thơm lừng, ngây ngất. Nhưng không chỉ vì thế mà người xưa gọi sưa là cửu lý hương (cây hương vườn có mùi thơm lan đến chín dặm đường). Nhựa sưa thơm một, hoa sưa thơm mười. Mùa sưa nở, cả làng Hương Trà sực nức một mùi hương đặc biệt: cơ hồ như mùi của dạ lý lẫn ngọc lan phảng phất thêm một chút hương mộc mạc của hoa dủ dẻ buổi hoàng hôn; tất cả tạo thành một hương vị đặc biệt đủ gây niềm tiếc nuối khôn nguôi cho bao kẻ lãng du mỗi lần nhớ lại.
Hương Trà còn là địa phương có ngôi mộ độc đáo có một không hai: "ngôi mộ giày". Ngôi mộ này được dựng lên từ một truyền thuyết phổ biến ở vùng nam Quảng Nam: chuyện về ông Thầy Lánh - người có tài hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh, trong một đêm đã dùng tài di sơn đảo hải tráo ngôi đình Trà Luông với đình Diêm Điền quê mình. Khi cưỡi rồng thoát khỏi sự vây bắt của triều đình, ngang qua địa phận làng Hương Trà, vợ chồng "ông thầy" đánh rơi một chiếc giày. Dân làng lập mộ cho chiếc giày linh thiêng đó. Đến nay dấu tích vẫn còn nguyên.
Nắng chiều xuân trên sông Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH |
Đình làng Hương Trà có lẽ là ngôi đình duy nhất đặt tượng Quan Công trong nội điện. Bức tượng này có xuất xứ từ Quan Công miếu ở Hội An. Đến nay, tượng vẫn còn nguyên. Một ngôi đình Việt, có thờ một danh tướng tượng trưng cho nghĩa khí Á Đông, tất cả nằm trên nền một phế tích tháp Chăm như biểu tượng cho nét văn hóa hỗn dung trên một vùng đất Hà Đông xưa với rất nhiều di tích.
Tất cả, cùng "dòng sông hoa" với những tấm thảm sưa vàng, Hương Trà có thể là một làng du lịch mùa xuân đáng được du khách khắp nơi tìm đến.
LÊ KỲ HƯNG