Trên con đường giảm nghèo
(Xuân Đinh Dậu) - Nhìn lại hành trình sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, chính tư duy dám nghĩ dám làm, chọn những hướng đi bền vững cùng sự trợ lực mạnh mẽ đã tạo đòn bẩy giúp người nghèo thoát nghèo.
Bài 1: Ly nông không ly hương
Nhiều năm trước, khi nói về câu chuyện ly nông ở Quảng Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc lao động nông thôn rời quê nhà đến các vùng miền khác tìm kế mưu sinh. Nay bàn về ly nông đã nói đến một chiều hướng khác. Đó là chuyện nông dân trở thành công nhân ngay trên mảnh đất quê hương có tay nghề được đào tạo bài bản...
Cả làng ly nông
Đã hơn 10 mùa xuân trôi qua, cả thôn Phái Nhơn (xã Tam Hiệp, Núi Thành) đến nơi ở mới, là vùng đất tái định cư khi Khu kinh tế mở Chu Lai hình thành, Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải đóng chân trên toàn bộ diện tích đất của thôn. Trưởng thôn Phái Nhơn - ông Đặng Thanh Tuấn nói: “Trước ở trên đất cũ, người dân Phái Nhơn chỉ biết bám vào nông nghiệp. Nhưng giờ đã khác, thanh niên, người có sức lao động đều vào nhà máy làm công nhân. Cả thôn hiện có 499 hộ dân với khoảng 65% dân số ở độ tuổi lao động thì đã có hơn 75% trong số đó đi làm công nhân, nhân viên trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn”.
Thị trường lao động được kết nối giúp người lao động đến gần với các doanh nghiệp hơn. Ảnh: DIỄM LỆ |
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Thủy, chỉ có vợ ông là bà Huỳnh Thị Đạo ở nhà. Bản thân ông Thủy cũng là công nhân ở Công ty Vinh Gia hơn 10 năm rồi. Hai người con một trai một gái, người làm lái xe cho công ty, người đi làm công nhân ở Công ty CCI, cả dâu, rể cũng đi làm công nhân. Bà Đạo nói: “Cả nhà chỉ có tôi sức khỏe kém nên không đi làm, ở nhà trông cháu giúp các con. Trước sống bằng nghề nông, thu nhập không cao, điều kiện cuộc sống ở nơi cũ cũng không bằng nơi ở mới. Nói không phải phụ cha ông chớ bám riết nghề nông thì sống cũng được, nhưng bấp bênh lắm, “bạc lắm”. Chẳng riêng chi nhà ni, cả làng cùng nhường đất dời đi, rồi cùng đi làm công nhân. Nhà tôi, chồng con dâu rể chi làm công nhân hết, thời gian gò ép nhưng cuộc sống ổn định”. Gần bên nhà bà Đạo là gia đình ông Lương Công Định và bà Huỳnh Thị Nga. Trước ở nơi cũ cả nhà cũng chỉ làm ruộng, nuôi thủy sản. Khi ra nơi ở mới, vợ chồng sức khỏe không đảm bảo nên mở dịch vụ nấu đám tiệc; còn hai người con gái được nhận vào làm công nhân, nhân viên ở các công ty may mặc. Bà Nga chia sẻ: “Trước kia cả nhà sống nhờ mấy đám ruộng, ao cá. Giờ tôi với ổng chuyển sang dịch vụ nấu ăn, con cái đi làm công ty hết nên xem như ai cũng có nguồn thu nhập ổn định”.
Đáp án cho bài toán
Năm 1997, Quảng Nam vẫn là tỉnh thuần nông thuộc diện nghèo, với 85% dân cư nông thôn, hơn 78% lao động nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,35% theo chuẩn cũ… Nhìn lại 20 năm với những hướng đi đúng đắn, Quảng Nam đã có bước tiến vượt bậc trong giảm nghèo. Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 15.000 người; đào tạo nghề cho hơn 35.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,9% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. |
Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm Sở LĐ-TB&XH thông tin, ngay từ năm đầu tái lập tỉnh, trong bộn bề việc phải lo, chính quyền Quảng Nam xác định lao động - việc làm là vấn đề bức xúc, cũng là thách thức trong việc đề ra các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại hành trình sau 20 năm tái lập tỉnh, cuộc sống của người dân dần đổi thay theo từng năm. Ngoài các khu công nghiệp, bây giờ, trừ vùng miền núi, các huyện đồng bằng, trung du đã và đang hình thành những cụm công nghiệp, đã và đang tiếp tục thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, cũng là giải bài toán lao động ly hương. Ở khu vực nông thôn không có điều kiện hình thành cụm công nghiệp, chính quyền các địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng để “kéo” doanh nghiệp đưa nhà máy về, thu hút lao động tại chỗ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ông Tứ nói, từ khi tái lập đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 630 nghìn lao động. Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 48,8%, ngành công nghiệp - xây dựng 24,4%, thương mại - dịch vụ 26,8%.
Ông Tứ nói rằng, bên cạnh định hướng phát triển, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh cũng là mấu chốt quan trọng trong câu chuyện việc làm, giúp người lao động ly nông không ly hương. Bây giờ, nhìn chung đã hình thành nên lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn cả về tay nghề, tác phong, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng phát triển.
DIỄM LỆ
Bài 2: Trao cần câu, tạo sinh kế
1. Kể từ khi sinh ra cháu Phạm Thị Thu Cúc bị teo cơ bẩm sinh, kinh tế gia đình anh Phạm Minh Phụng và chị Võ Thị Thu Thuận ngày càng khánh kiệt. Tiền công nhật làm phụ hồ thời điểm năm 2004 chỉ có 40.000 đồng, anh Phụng đổ tất cả lo chạy chữa bệnh cho con. Còn chị Thuận, theo con đi hết bệnh viện này đến thầy thuốc khác. Đến khi đã hết phương chữa chạy, anh chị đành bế con quay về căn nhà xiêu vẹo trong nỗi tuyệt vọng. Số phận của con thì đành chấp nhận, còn kinh tế gia đình biết phải xoay xở làm sao khi anh chị chẳng còn đồng vốn lận lưng?
Gia đình anh Nguyễn Hồng Nhật thoát nghèo do được hỗ trợ sinh kế vững bền. Ảnh: DIỄM LỆ |
Và rồi sự vào cuộc của Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước đã mở ra cho anh chị một hướng đi. Chị Thuận kể: “Hồi đó dù có tưởng tượng tôi cũng không dám mơ mình sẽ có căn nhà đàng hoàng, có bò giống để làm kế sinh nhai. Được hỗ trợ tiền, vợ chồng tự bỏ công và mượn công trả công, tận dụng cây cối trong vườn để dựng nhà. Có nhà, chồng tôi mới yên tâm đi làm phụ hồ, rồi lên thợ xây. Tôi ở nhà nuôi bò. Khi bò đẻ lứa thứ hai, tôi bán con lứa trước được 25 triệu đồng lấy vốn làm chuồng, mua heo nuôi. Rồi làm ruộng, làm khoai. Cứ vậy mà vươn lên. Năm 2014 gia đình tôi xin thoát khỏi hộ nghèo”.
2. Một trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Hồng Nhật (bị gù bẩm sinh) và chị Phạm Thị Tư, ở thôn Cẩm Tây, xã Tiên Cẩm. Đầu năm 2010, vợ chồng anh Nhật cùng đứa con nhỏ ra riêng, gia tài chỉ có chiếc giường cũ ba mẹ cho, nhà là 4 cái cột bằng keo cùng tấm bạt căng lên thành mái che nắng che mưa. Khi Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước đi khảo sát hộ nghèo đói thuộc diện bảo trợ xã hội để hỗ trợ sinh kế, gia đình anh Nhật được chọn ưu tiên hàng đầu.
Năm 2012, anh Nhật được hỗ trợ một con bò cái sinh sản 8 triệu đồng, rồi được hỗ trợ 30 triệu đồng để cải thiện chỗ ở. Nhà dựng xong nhưng anh chị không còn đồng nào để làm cửa, lót nền. Thế là ông Nguyễn Ba - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện đi “xin” những người bạn được 10 triệu đồng giúp cho nhà anh Nhật có cửa, lót nền. Ổn định chỗ ở, con cũng đã lớn bắt đầu đi học, vợ chồng anh Nhật chăm lo phát triển kinh tế. Hàng ngày anh Nhật đi dọn cỏ, phát rẫy keo cho người ta được 150 nghìn đồng tiền công. Khi con bò sinh sản do Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ đẻ bê con, anh Nhật bán lấy tiền mua lưới B40 rào vườn để vợ vừa làm ruộng vừa tranh thủ nuôi thêm ít gà, vịt. Kinh tế ổn định, có mặt cải thiện năm 2014 vợ chồng anh Nhật đăng ký thoát nghèo và bước sang 2015 đã ra khỏi hộ nghèo. Anh Nhật bộc bạch: “Ông bà ta nói “an cư mới lạc nghiệp” quả không sai. Giờ thoát nghèo rồi, vợ chồng quyết tâm làm lụng, quyết tâm không quay lại hộ nghèo”.
DIỄM LỆ
Bài 3: Thoát “án nghèo” nhờ quỹ tín dụng
Nguyễn Đình Trung, nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân tây Điện Bàn - khu vực Điện Hòa, dẫn tôi đi tìm nhà ông Phạm Văn Gia, tổ 9 thôn Hà Đông, xã Điện Hòa. “Đây là con người đặc biệt, vì hoàn cảnh đặc biệt. Cho ông này vay vốn là chuyện phập phồng của anh em quỹ tín dụng” - Trung nói.
“Không vay được 5 triệu đồng, giữa ban ngày trời đất như tối đen, đường từ xã về nhà chưa tới 5 cây số mà tôi thấy dằng dặc. Vợ chồng nói với nhau thôi hết rồi, đời mình răng mà khổ ri?”. Ông Gia chớp mắt kể, khiến bà Liễu vợ ông đang hồ hởi nói chuyện vịt gà cũng chợt lặng trong mớ ký ức kéo về. Hồi đó cầm bìa đỏ miếng đất ông già để lại lên quỹ tín dụng vay, người ta “phang” cho một câu: “Tài sản anh chị có được 5 triệu đồng không mà vay chừng nớ?”. “Sau tôi nghe quỹ có lãnh đạo mới, bèn cầm giấy tờ đến lần nữa. May mà có em Trung đây cố gắng hết sức giúp đỡ. Gia đình tôi đi lên cũng từ 5 triệu đồng của quỹ tín dụng” - ông Gia kể.
Ông Phạm Văn Gia và anh Nguyễn Đình Trung - người đã hết lòng giúp đỡ ông vay vốn. Ảnh: ANH KHANG |
Câu chuyện cuộc đời
Anh Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Giao dịch khu vực Điện Hòa nhớ lại: “Năm 2011. Lúc đó chưa biết ông Gia, nhưng khi anh em tìm hiểu thì cũng ngại lắm, e dè, lo lắng, bởi trước đó trưởng phòng cũ còn không đồng ý cho vay 5 triệu đồng. Khi ông Gia đặt vấn đề vay lớn hơn, mình lo, nhưng nhìn ổng tự tin, có đường hướng làm ăn, tôi nghĩ nếu người ta cần thì mình làm bệ đỡ, cho họ một cơ hội, đời họ sẽ thay đổi. Nghĩ vậy nhưng mà cũng lo” - anh Hải nói. Không lo mới lạ. Tháng 5.1975, do không kịp thời nắm bắt thông tin khi thực thi nhiệm vụ dẫn đến phạm sai lầm lớn, Thiếu úy Phạm Văn Gia - Đại đội phó, Phụ trách quân quản của Vĩnh Điện (Điện Bàn) bị kết án tù, đến năm 1987 mới được tha. “Tôi ra tù về thì coi như mất trắng. Lúc đó mượn 1.000 đồng cũng không ai cho. Mình biết nghề mộc, sửa xe bò thì chủ xe nói khi cần lấy xe mà chở đồ, nhưng đến khi cần mượn xe thì họ nói hư lấy chi đền. Hai đứa con dại, tay trắng, vợ chồng tôi khổ không chi bằng” - ông Gia lục lọi ký ức.
“Chuyện vay được 5 triệu đồng cũng nhờ em Trung đây” - ông Gia nhắc lại. Còn Trung thì kể: “Lúc đó tôi nói giấy tờ ổng đủ, sao không cho người ta vay? Thế là ông được vay 5 triệu đồng. Nhưng đến khi ông Gia vay 80 triệu đồng, tôi đâm lo. Lạng quạng ổng làm không ra, mình chết. Nên mỗi tuần tôi chạy qua ngõ ổng một lần. Thấy mấy trăm con vịt của ổng lớn như dưa, kiểu ni cho vay được đây. Chứ anh nghĩ mà coi, gần 100 triệu đồng đâu phải chuyện chơi. Tôi về thuyết phục anh Hải, ông Gia quyết tâm vậy, giấy tờ vậy, có hướng làm ăn, quá khứ là chuyện hôm qua, sao mình không giúp để họ làm lại cuộc đời? Thế rồi anh Hải gật. À mà trước đó đã cho ổng vay thêm được 20 triệu đồng nữa chứ”. Ông Gia gật đầu: “Khi tôi vay được 20 triệu đồng trước đó, về nói với vợ là mình đổi đời từ đây rồi, đừng lo”. Và ông đã tính chuyện làm ăn, vay vốn để đầu tư nuôi vịt, mua máy cày... làm đêm ngày bất luận nắng mưa, để bây giờ tài sản trong tay ông là một xe tải, hai máy cày, vịt mấy nghìn con, con cái đã có xe máy xịn… Anh Hải bảo, ông Gia là khách hàng đặc biệt, vay - trả sòng phẳng, không để nợ nần.
Niềm tin đã gieo như thế
“Đời tôi có được như hôm nay, là nhờ quỹ tín dụng, nhờ em Trung, anh Hải. Tôi nói tận đáy lòng đó! Không bột thì sao nặn ra bánh. Có được đồng tiền tín dụng, đời anh như thoát án tù lần hai và thiệt lòng anh không dừng lại ở đây đâu, muốn làm to hơn nữa, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp” - ông Gia giọng lúc nặng lúc nhẹ. Mong muốn của ông, tôi nghe như một tâm tình trĩu lòng hằn sâu một quyết tâm đổi đời. Ông muốn đổi đời, để quá khứ chỉ là ký ức buồn.
Tiền có ít, nhưng rơi vào tay người có chí và trí, trở thành đồng tiền khôn. Bao nhiêu người nghèo khó, nhờ quỹ tín dụng nhân dân như ông Gia mà thoát cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Anh Hải cho hay, khác với ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân mang nét khá đặc biệt, là người dân có cổ phần trong đó, nhưng quan trọng hơn, là quỹ này ở xã, người điều hành cũng ở địa phương nên rất hiểu hoàn cảnh từng người, vì thế giải quyết cho bà con vay rất nhanh.
Đã không ít người chạy vay quanh không được, đành quay về đây, thế là được giải thích động viên, cả ông Gia cũng được anh em động viên làm ăn. Và như thế, câu chuyện vay vốn thoát nghèo ở quỹ tín dụng xã phường đâu chỉ bằng tiền bạc, mà chính là niềm tin đã được gieo ở họ, nhìn vào đời sống và tấm lòng của nhau mà vượt khó và hành xử tử tế. Tại Điện Hòa, vốn vay của quỹ tín dụng hiện giờ là 25 tỷ đồng, một con số không nhỏ chút nào với một khu vực thuần nông.
“Thông cảm nghe, tôi tùm lum việc không tiếp đón đàng hoàng” - ông Gia tiễn khách vẻ bối rối. Tôi thì đang lạc trong một giai điệu khác. Mấy chục năm rồi, nhịp sống đã khác, phận người cũng khác. Những sắc màu cuộc sống dù có biến đổi đi bao nhiêu nữa, niềm tin khi gieo đúng chỗ thì nụ cười sẽ bước qua cay đắng và lên ngôi.
ANH KHANG