Tết về trên những làng nghèo

H.LIÊN - M.PHƯỜNG 27/01/2017 23:55

(QNO) - Sau chuỗi ngày mưa dai dẳng, mịt mù, ngày 30 Tết, nắng xuân ấm áp đã kịp về nơi những làng nghèo, xua tan và tiễn cái ảm đạm của năm cũ. Dẫu cái khó, cái nghèo còn đeo bám, song người miền núi vẫn nỗ lực để có tết…

1. Ba mươi tết, con đường độc đạo dẫn từ thôn Yều tới thôn A Chôm 2 (xã Kà Dăng, huyện Đông Giang) chừng 15 cây số thì có tới 2/3 đoạn đường còn sình lầy, trơn trượt, không thể lưu thông. Đặc biệt chỉ nằm cách thôn Yều không xa là mấy, nhưng người từ các làng của xã Kà Dăng nói chung, thôn A Chôm 2 nói riêng phải khổ sở băng qua những đoạn lấm lem, lầy lội bùn đất để về xuôi sắm tết. 

Tết về trên A Chôm 2 kém vui vì đường sá lầy lội, không thể du xuân. Ảnh: H.LIÊN
Tết về trên A Chôm 2 kém vui vì đường sá lầy lội, không thể du xuân. Ảnh: H.LIÊN

Người thôn A Chôm 2 đã hàng chục năm mong ngóng có một con đường xua tan bao cách trở, để nông sản bà con làm ra có thể thuận lợi về xuôi, để đời sống bớt đi đói nghèo, gian khó. Nhiều người rầu lòng vì cái tết này, hầu như toàn bộ nông sản làm ra đều không thể về xuôi được do không có đường. Như mọi năm, con gà, buồng chuối, mớ rau rừng, bắp chuối… bà con thu được từ rẫy được thương lái dưới xuôi lên thu gom với giá tốt, nhờ đó mỗi nhà ít ra có thêm vài trăm ngàn để cái tết thêm no đủ. Nhưng năm nay thì đường sá thế này tư thương không thể lên được với A Chôm 2. Hơn nữa, 1.000 gốc chuối mốc bà con cả thôn trồng trong rẫy năm nay cũng cho thu nhập thấp vì cây chuối bị bệnh vàng lá, chết nhiều do thời tiết mưa nhiều, lạnh nhiều. Nhiều diện tích hoa màu ven bìa rừng, ven suối của bà con đã bị hai đợt lũ muộn về quét sạch, thất thu. Giữa cái khốn khó đó, nhờ sự quan tâm của nhà nước, mỗi nhà đều có thực phẩm hỗ trợ tết nào là gạo, mì tôm, dầu, mắm, mỗi nhân khẩu còn được nhận 100.000 đồng để ăn tết. Với làng nghèo, ngần ấy cũng giúp bà con đáng kể để có tết, dẫu là tết nghèo…

Cái khó, cái khổ vẫn chưa dừng lại ở đó. Điều mà dân làng A Chôm mong ngóng, khát khao không chỉ dừng lại ở những suất hỗ trợ ăn qua ngày mà lớn hơn, đó là mơ ước bộ mặt thôn nghèo được cải thiện, xua đi sự tối tăm về cách trở.

Mỗi ngày nơm nớp lo sợ bởi chiếc cầu treo trải hơn 10 năm tồn tại bắt từ đường ĐH14G (nay là ĐT 609) dẫn vào làng, cây cầu treo duy nhất và cũng là cây cầu độc đạo duy nhất của làng đã xuống cấp nặng nề vẫn chưa được khắc phục. Mỗi đợt xe qua là cầu ván rung lên bần bật, nhiều chỗ gỗ mục hết, lòi ra những thanh sắt nhỏ khiến ai nấy thót tim. Với trẻ nhỏ, nếu đi bộ trên cầu sẽ vô cùng nguy hiểm. 

Mế thôn Yều hong khô lá để nấu bánh chưng đón Tết. Ảnh: H.LIÊN
Mế thôn Yều hong khô lá để nấu bánh chưng đón Tết. Ảnh: H.LIÊN

Nỗi mong ngóng, niềm khát khao có đường, có mặt bằng thuận tiện để dân làng an cư lạc nghiệp, không còn nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa lũ tràn về trở nên cháy bỏng. “Chỉ cần có đường, dân làng sẽ có điều kiện giao thương, trao đổi, buôn bán, hàng hóa, nông sản làm ra chuyển về xuôi dễ dàng, không bị ép giá; con em trong thôn được học hành đàng hoàng… Như tết này, nếu có đường thì bà con du xuân, thăm viếng nhau sẽ thuận lợi, ngày tết sẽ có ý vị hơn nhiều” - ông Đinh Thanh Bơn (41 tuổi) tâm sự.

Bà Alăng Thị Lan (52 tuổi) chia sẻ, tết này, muốn xuống dưới kia sắm chút ít đồ tết, ít thịt, cá cho sắp nhỏ ăn mấy ngày tết cũng không thể được. Không khí đón tết không thể vui được vì còn cách trở, đời sống còn khốn khó, nhà cửa còn quá tạm bợ… Ông A Lăng Thắng, trưởng thôn A Chôm 2 trầm ngâm: “Bao năm qua, A Chôm 2 vẫn cứ vậy, không khá hơn tí nào được. Hộ nghèo hiện trên 90%, người dân vốn không trông chờ, ỷ lại hết đâu, mà vì không có  cách gì để phát triển kinh tế. Giao thông cách trở, bị bao vây bốn phía là đồi núi, từ cây chuối, con gà, con heo, con bò nuôi ra, bán cũng khó. Người có sức khỏe thì đi làm thuê ở xa, số còn lại thì đi là thuê cho các chủ keo để nuôi gia đình. Hiện, A Chôm 2 vẫn còn 99% hộ có nhà tạm bợ, 1 nhà bán kiên cố; cả thôn sản xuất 67 ang lúa giống, 36 kg bắp, 65kg đậu, 1.000 gốc chuối song chết đã nhiều, vài chục con bò, heo…

2. Cách A Chôm không bao xa là thôn Yều, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể từ sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước và từ những điều kiện thuận lợi để xóa đói giảm nghèo… Yều vốn là thôn nghèo của xã Kà Dăng, được sáp nhập vào xã Đại Hưng, Đại Lộc hơn 10 năm nay. 30 Tết, nắng mới kịp về, nhiều hộ dân làng Yều về xuôi sắm sửa một ít vật dụng, thực phẩm, quần áo mới cho trẻ nhỏ đón Tết. Không khí xuân nơi làng Yều bớt ảm đạm sau những trận mưa dài. Một vài mế tranh thủ nắng mới hong khô những xấp lá chuối để gói bánh tét để đêm giao thừa ấm cúng khi con cháu xum tụ bên nồi bánh và cả nhà cũng có chút thực phẩm lạ miệng để ăn và đãi khách. Mế A Lăng Thị Mét (77 tuổi) vừa hong khô mớ lá vừa tâm sự, đây là món mế mới học khi xuống ở dưới này, hễ tết là nấu cho con cháu chung vui.

Nắng lên, trẻ con thôn Yều nô đùa chờ tết. Ảnh: H.LIÊN
Nắng lên, trẻ con thôn Yều nô đùa chờ tết. Ảnh: H.LIÊN

Già A Lăng Thư (85 tuổi) tâm sự, những năm trở lại đây, được sự quan tâm của nhà nước, thôn Yều đã bớt đói khổ, nhọc nhằn. Trẻ em trong thôn được đến trường đầy đủ, có đủ áo mặc, được ăn no, không còn tình trạng thiếu đói vào dịp Tết như thời còn ở Kà Dăng. Dịp Tết này, gia đình già Thư cũng như nhiều hộ trong thôn được các đoàn từ thiện, các tổ chức xã hội đến trao quà tết nên cũng có điều kiện đón Tết no đủ. Nhà nước cũng cấp quà, cấp cho mỗi nhân khẩu 100.000 đồng để ăn tết nên ai nấy đều vui.

Khi chúng tôi hỏi đổi thay của làng Yều qua hơn 10 năm như thế nào? Già A Lăng Thư, một bậc cao niên trong làng, người đã trải qua bao thăng trầm, khốn khó và hiểu tường tận gốc tích của làng cho rằng, đó là không còn cảnh thiếu đói ngày Tết, dân làng đã biết làm ăn, không còn trông chờ, ỷ lại. Trẻ con được học hành. Nhiều người khó, khổ vẫn chấp nhận bán 4-5 con bò để con được có cái chữ… Già vui mừng vì bọn trẻ có cái chữ sẽ đổi đời, sẽ thoát khỏi lạc hậu, đói nghèo” - già Thư nói. Nhẩm tính, cả thôn Yều có tới 15 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người có công ăn việc làm ổn định như a Lăng Vững dạy cấp hai, đinh thi lài dạy cấp 1, đinh thi quyên là cô giáo mầm non ở các trường lân cận. Đinh Châu, làm bác sĩ ở bệnh viện Bắc Quảng Nam… Alăng Ngân (14 tuổi), cháu gái già Thư và mấy em nhỏ của Ngân phấn khởi, hoạt bát trò chuyện cùng chúng tôi khi được hỏi về tết. Ngân bảo, vì lớn nhất trong nhà nên tết này, Ngân sẽ không may áo quần mới, để hai em của Ngân được mặc đồ mới. Với em, chỉ cần đón tết no ấm là vui rồi. Nghe ba mẹ, ông kể lại, em thấy bây giờ sướng hơn nhiều so với hồi còn ở làng cũ…

Già A Lăng Thư vui vầy bên cháu nội chiều 30 tết. Ảnh: H,LIÊN
Già A Lăng Thư vui vầy bên cháu nội chiều 30 tết. Ảnh: H,LIÊN

Ngày cuối năm, những người con xa quê lần lượt kéo về làng ăn Tết, người đi học ở xa cũng kịp về. Làng Yều không còn quạnh quẻ khi chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại nhà. Các em nhỏ đã tập luyện để chuẩn bị ra tết sẽ thi thố văn nghệ, thể thao với các thôn lân cận. Thôn Yều nhà nào cũng có xe máy, cũng có ti vi, nhiều hộ đã làm được công trình vệ sinh, dẫu còn đơn sơ, trong thôn 1 nhà đã sắm được tủ lạnh. Từ căn nhà tái định cư do nhà nước xây dựng mười năm nay, có hộ cũng đã cơi nới, mở rộng diện tích để việc sinh hoạt được tiện lợi hơn. Nhà nào cũng có 1-2 con bò, có hộ nhiều thì 4-5 con... Già Thư không quên nhắn gửi, ước mong của dân làng là được hỗ trợ đất sản xuất, phát triển chăn nuôi. Nếu có đất, thôn Yều sẽ khấm khá, bởi người làng Yều không còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước nữa...

Niềm tin của người dân thôn Yều về sự đi lên của thôn nghèo sau ngày chia tách; mơ ước về một con đường, một cây cầu nối liền, xóa bao cách trở, đói nghèo trở nên cháy bỏng trong nắng xuân mới này. 

H.LIÊN - M.PHƯỜNG

H.LIÊN - M.PHƯỜNG