Ký sự miệt biển

TRỊNH DŨNG 27/01/2017 14:05

(Xuân Đinh Dậu) - Nhiều dự án lớn đã và sẽ xuất hiện ở miệt biển Quảng Nam, khởi đầu cho một giấc mơ đổi mới, đánh thức miền đất khó nghèo, nhiều năm chông chênh trên cát!

Chọn nhà đầu tư     

Con đường Thanh niên ven biển từ An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên) chạy dưới những tàn cây như một sợi chỉ ở cuối tầm mắt, đã gặp trảng cát mênh mông trên đường về Bình Dương (Thăng Bình) với một ngả rẽ. Hai bên đường, người ta đã dựng nên những rào chắn bằng sắt thép, chuẩn bị thi công công trình. Đoạn đường dài 2km, rộng 8m bằng bê tông với những trụ đèn đường xuyên qua nổng cát trắng, chạm chân sóng biển Tây Sơn Tây (Duy Hải). Một khu nhà điều hành dự án Nam Hội An đã hoàn tất. Ô tô chở hàng, xe tải cuốn bụi mịt mù, san ủi mặt bằng quanh mảnh đất dọc biển trông giống như một sân bay dã chiến dang dở…

Cầu Cửa Đại - cây cầu khởi sự đổi thay.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cầu Cửa Đại - cây cầu khởi sự đổi thay.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hình ảnh sinh động hiện thời ở Tây Sơn Tây chỉ là chút ấn tượng ban đầu về viễn cảnh thay đổi ở miệt biển. Ông Don Lam - đại diện Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HASD) nói, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (tổng vốn 4 tỷ USD) là dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Nam hiện nay. Hy vọng sẽ biến khu vực khó khăn về kinh tế trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, giải trí và dân cư đẳng cấp quốc tế. Theo kế hoạch, dự án 985,6ha, thuộc Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình), khởi công ngày 24.4.2016 sẽ hoàn thành vào năm 2035. Giai đoạn 1 của dự án (163ha) sẽ được khai thác kể từ đầu năm 2019, tạo hơn 2 nghìn việc làm với cam kết đào tạo chuyên môn khách sạn, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cho người địa phương và nộp ngân sách đáng kể cho Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói hiện có cả trăm doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư, nhưng chỉ mới giải quyết cho HASD. Không thể đầu tư ồ ạt. Chỉ lựa chọn những dự án đầu tư chất lượng, từ chối những dự án nhỏ lẻ, tổn hại tới môi trường, trên cơ sở hỗ trợ tài chính, sinh kế cho người dân có cuộc sống ổn định.

Những người nghèo luôn khát vọng đổi thay (nhân vật trong ảnh là chị Nguyễn Thị Minh ở Duy An - Hà Tây, Bình Dương, Thăng Bình đang nhặt củi dương liễu).Ảnh: TRỊNH DŨNG
Những người nghèo luôn khát vọng đổi thay (nhân vật trong ảnh là chị Nguyễn Thị Minh ở Duy An - Hà Tây, Bình Dương, Thăng Bình đang nhặt củi dương liễu).Ảnh: TRỊNH DŨNG

Ở cuối con đường ven biển chưa thể kết nối, Tam Quang (Núi Thành) cũng đang chuẩn bị “dịch chuyển” cho một dự án khí - điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên doanh với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ), tổng số vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD trên diện tích khoảng 1.000ha. UBND tỉnh cho hay Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh và nhà máy xử lý khí, 2 nhà máy điện khí và các ngành công nghiệp sau khí. Hiện PVN và Exxon Mobil đang tiếp tục đàm phán giá bán khí và các thỏa thuận thương mại, triển khai thiết kế cơ sở, trình kế hoạch phát triển mỏ. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ động thổ, khởi công một số hạng mục dự án nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào tháng 11.2017.

Bến cá An Lương, Duy Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bến cá An Lương, Duy Hải. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thao thức giấc mơ đổi đời

Viễn tượng vùng đất nghèo khó này sẽ thay đổi là điều rất nhiều người nghĩ tới. Nhưng liệu có quá sớm để nghĩ đến 20 năm sau mới có thể định hình một khu đô thị nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trên bản đồ du lịch Việt Nam hay thế giới (dù đến 2019 sẽ được khai thác từng phần) và một dự án đang trong quá trình đàm phán? Nói tới điều này, trên gương mặt ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải có cả ưu tư và ngẫm ngợi. Có lẽ ông cũng đã nhìn thấy cơ hội và rõ cả thách thức, đôi khi còn khắc nghiệt. Liệu người nông dân bỏ ruộng vườn, từ bỏ nghề biển, nghề nông có từ thuở cha ông để dễ dàng kiếm sống từ các dự án đầu tư, khi nhà đầu tư sẽ sắp xếp lao động địa phương thay đổi từ nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng hải sản sang dịch vụ du lịch, có thu nhập cao hơn?

Hành trình qua xứ cát còn nhìn thấy vài cầu đò chưa kịp dỡ, chênh vênh bên chân sóng. Một vài bảng quảng cáo bán đất treo giữa quán nước bên triền sông đầy gió cùng vài người khách đạp xe qua làng, lơ đễnh đợi tiếp cuộc hành trình. Tiếng cười đùa của các cô gái làng chài đuổi theo chân người qua lại. Rất dễ bắt gặp hình ảnh mấy nhóm thanh niên ngồi bên đĩa cá, mực ở quán rượu ven đường buổi trưa hay chiều tà. Cái nhàn nhã ấy gợi điều gì, chẳng ai biết họ nghĩ gì qua ánh mắt không biết đậu vào đâu? Chị Nguyễn Thị Minh ở thôn Duy An - Hà Tây (Bình Dương) có chồng gặp nạn sau một chuyến biển đã bắt đầu cuộc đời làm thuê, nhặt củi trên những rừng dương liễu “mịt mù sương khói”, loay hoay chất củi lên xe để kịp về nhà khi trời sập tối. Chị nghĩ mai này những nổng cát rồi sẽ mất. Đất sẽ mọc lên những khách sạn, nhà máy. Chị chờ đợi ngày vui tới “thổi bay” cái nghèo đằng đẵng suốt mấy chục năm qua, dù khó biết mình có thể tìm được việc làm ở cái tuổi 50!

Xứ này, cây cối quắt queo trong mùa hè bỏng rát. Rừng điều cũng đã vắng dần, chỉ còn dương liễu lơ thơ trên những cồn cát thay đổi hình dạng theo từng đợt gió thổi qua. Gió đẫm hương vị biển, mùi cát lẫn mùi dương liễu. Chợt nhận ra sau cái nhìn nhẫn nại, dáng ngồi hay kiểu khom lưng trên những mảnh ruộng chưa bị san lấp trũng thấp dưới con đường mới mở đến hai ba mét như mũi thuyền trước sóng, có thể vượt qua để tìm thấy niềm vui từ sự đổi thay? Suốt cuộc đời lớn lên trên cát, người miệt đông dường như chẳng có nghề gì ngoài làm biển. Họ chờ đổi đời cũng giống như chiếc cầu đã bắc qua sông chờ đợi những con đường mới mở. Giống như Hội An mươi lăm năm trước, ai biết có ngày gạch ngói cổ xưa trở thành một nàng tiên kiều diễm, khoác áo ấm no du lịch dịch vụ như hiện tại.

Miệt biển cuối năm, thấp thoáng trong vườn nhà xứ cát đã nở những bông hoa hướng dương rực rỡ, đợt tết!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG