Ra đi và mang về
(Xuân Đinh Dậu) - Tự tìm nguồn học bổng, quyết định về nước làm việc dù xác định những khó khăn không tránh khỏi sẽ có thể làm nản chí những người từng quen sống, làm việc tại nước ngoài. Đó là vài phác thảo về chân dung tiến sĩ ngành động lực học Hàn Quốc Lê Đình Phong (sinh năm 1980, quê Núi Thành), hiện làm việc tại khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh.
Năm 2004, tốt nghiệp ngành động lực tại Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh và được nhận công việc tại trường, ham muốn nghiên cứu khám phá thêm kiến thức của ngành học thôi thúc Lê Đình Phong tự tìm kiếm các suất học bổng. Học bổng do trường đưa đi thì phải chờ đợi nên anh tự tìm kiếm vận may trên internet. Năm 2006, anh lên đường sang Hàn Quốc sau khi nhận được học bổng nghiên cứu thạc sĩ của Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ Hàn Quốc.
TS. Lê Đình Phong. |
Tháng 8.2008, anh hoàn thành khóa nghiên cứu thạc sĩ, tiếp tục trở về trường làm việc, tiếp tục tìm kiếm và thực hiện học bổng tiến sĩ cũng do Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc trao cho. Năm 2015, TS. Lê Đình Phong quyết định trở về nước và làm việc tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Khi các diễn đàn trên mạng xã hội rôm rả chỉ trích những khó khăn cản bước phát triển của các cựu du học sinh thì Lê Đình Phong đã âm thầm triển khai hàng loạt dự án cùng với các thế hệ đàn anh – cũng từng là cựu du học sinh như anh. “Ở đâu cũng khó khăn của nó. Quay về có cái khó của quay về nhưng ở đâu khó ở đó có cơ hội. Những người trưởng thành không thể càm ràm để lớn lên mà chỉ lớn lên nhờ âm thầm tiến bước” - Lê Đình Phong chia sẻ quan niệm.
Ngay những ngày còn nghiên cứu ở Hàn Quốc, Phong đã suy nghĩ đến việc “trở về như thế nào cho trọn vẹn”. Đã có biết bao nhiêu người Việt nói chung và du học sinh nói riêng lựa chọn “ra đi” và mỗi người lựa chọn cách “mang về” tùy theo hoàn cảnh của mình. TS.Lê Đình Phong lựa chọn “trở về một cách toàn vẹn”. Bởi, chưa nói tới cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển dự án hay máy móc làm việc không hiện đại như các nước phát triển mà chỉ nói tới mức lương của một tiến sĩ chỉ gấp 3 lần mức lương cơ bản cũng có thể làm nản lòng nhiều người. Tuy nhiên, theo Lê Đình Phong quan niệm “ở đâu khó ở đó có cơ hội”, thì cơ hội cũng đang mở dần ra trước mắt anh. Hiện anh và các đồng nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh trông chờ phòng thí nghiệm với mức đầu tư 500 tỷ đồng được xây dựng và sẽ đưa vào vận hành năm 2018. “Chưa dám nói quá nhiều nhưng nếu phòng thí nghiệm đi vào hoạt động, các ngành công nghệ sinh học, năng lượng vật liệu mới, công nghệ MEMS kết hợp vi mạch bán dẫn, cơ điện sẽ tạo điều kiện cho các cựu du học sinh thỏa sức nghiên cứu, phục vụ khoa học công nghiệp nước nhà. Đã có những dự án được cộng đồng khoa học nước ngoài đánh giá cao, chờ có đất để nghiên cứu, ứng dụng, tạm thời chưa thể công bố” - Lê Đình Phong nói.
Lê Đình Phong còn được cộng đồng mạng có xuất xứ “made in Quảng Nam” từ chục năm nay xem là thủ lĩnh của nhóm “Tuổi trẻ Quảng Nam”. Những địa bàn khó khăn, vùng núi xa xôi Tây Giang, Nam Giang hay xã đảo Tam Hải (Núi Thành), Duy Xuyên… đều in dấu chân của Tuổi trẻ Quảng Nam và Lê Đình Phong. Những hoạt động của Tuổi trẻ Quảng Nam được đánh giá cao nhờ tính gắn kết của các thành viên, tổ chức bài bản, khoa học vì có sự tham gia hỗ trợ của nhiều du học sinh thông qua sự kêu gọi của thủ lĩnh Lê Đình Phong.
Dự án giáo dục phi lợi nhuận “Vườn sáng tạo” do anh điều hành tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu gây tiếng vang. “Vườn sáng tạo” áp dụng cách giáo dục, hỗ trợ các em thiếu nhi tìm tòi, khám phá khoa học thông qua các trò chơi lắp ghép, thí nghiệm… Qua đó, các em có thể định hướng được nghề nghiệp yêu thích trong tương lai. “Thực ra, mình còn tham gia vài dự án, mỗi thứ một ít, phân chia thời gian biểu ra mà làm. Được có cơ hội ra nước ngoài học nên mình muốn mang về những điều tốt đẹp. Đừng đòi hỏi, cứ làm rồi sẽ nhận được quả ngọt” - Lê Đình Phong tâm sự.
CHIÊU THỤC ANH